Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 13/9/2023: Nga cảnh báo hậu quả nếu Ukraine trì hoãn đàm phán

(Banker.vn) Một số thông tin tình hình chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 13/9/2023: Nga cảnh báo hậu quả nếu Ukraine trì hoãn đàm phán.
Chiến sự Nga - Ukraine hôm nay ngày 12/9/2023: Điện Kremlin cảnh báo Ukraine cần đối mặt với thực tế Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 12/9/2023: Lầu Năm Góc gọi cuộc phản công của Ukraine là “đau đớn”

Thông tin chiến sự

Nga tập kích sân bay Ukraine, bắn nổ 5 máy bay chiến đấu. Không quân Nga đã thông báo về việc sử dụng vũ khí tầm xa độ chính xác cao để tập kích sân bay Dolgintsevo ở vùng Krivoy Rog. Sân bay này là nơi không quân Ukraine đặt các loại máy bay chiến đấu.

“Chúng ta đã thành công bắn nổ 5 chiến cơ của đối thủ, gồm 2 tiêm kích MiG-29 và 3 cường kích Su-25. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của sân bay này cũng bị hư hại”, thông báo của Nga cho biết.

Ukraine tuyên bố tập kích căn cứ UAV của Nga. Lực lượng Ukraine đã tập kích thành công vào một căn cứ điều hành các UAV Zala và Lancet của Nga.

Căn cứ này nằm tại làng Luhanske thuộc khu vực tại vùng Donetsk do Nga kiểm soát và cuộc tập kích diễn ra vào ngày 11/9. Quân đội Ukraine không nói rõ phía Nga tổn thất bao nhiêu UAV và binh sĩ.

Ukraine mất tới 160 quân nhân trên hướng Nam Donetsk. “Ở hướng Nam Donetsk, các đơn vị của nhóm quân Đông đã đẩy lùi 3 cuộc tấn công của các nhóm tấn công của Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 38 thuộc lực lượng vũ trang Ukraine và Lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ số 128 tại các khu vực dân cư Novomayorskoye thuộc Donetsk và Priyutnoy thuộc Zaporozhye. Ngoài ra, tại khu vực định cư Vodyanoye của Donetsk, không kích và hỏa lực pháo binh của Nga đã phá hủy một đoàn xe bọc thép của lữ đoàn cơ giới số 72 của lực lượng vũ trang Ukraina”, Bộ Quốc phòng Nga thông báo.

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 13/9/2023: Nga cảnh báo hậu quả nếu Ukraine trì hoãn đàm phán
Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 13/9/2023: Nga cảnh báo hậu quả nếu Ukraine trì hoãn đàm phán

Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong ngày qua, trên hướng này, Ukraine đã mất tới 160 quân nhân, 2 xe chiến đấu bọc thép, 4 ô tô và 3 khẩu pháo Msta-B.

Tàu chiến Nga không thể tiếp cận giàn khoan ở Biển Đen. Hải quân Ukraine cho hay, Hạm đội Biển Đen của Nga hiện không thể hiện động ở khu vực xung quanh giàn khoan Boyko gần bán đảo Crimea.

Người phát ngôn hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk cảnh báo: “Vẫn còn mối đe dọa từ trên không tại khu vực đặt những tòa tháp này khi hàng không Nga tiếp tục hiện diện ở đó”.

Tuy nhiên, ông cho biết, pháo binh ven biển Ukraine cũng như các hệ thống phòng không vác vai và hệ thống tên lửa của Ukraine khiến hạm đội Nga “không thể tiếp cận những tòa tháp này”.

Theo ông, việc kiểm soát Tháp Boyko sẽ mang lại cho Ukraine nhiều lợi thế, đặc biệt là giúp tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển ở khu vực Odessa.

Một số diễn biến liên quan

Tổng thống Putin nói về cuộc phản công của Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những nhận định về chiến dịch phản công của Ukraine tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF).

“Chiến dịch phản công của họ không đem lại kết quả, thậm chí quân đội Ukraine đang phải chịu tổn thất nặng nề. Một khi cạn kiệt nguồn lực, họ có thể sẽ muốn bắt đầu các cuộc đàm phán”, ông Putin nói.

Tổng thống Putin tiết lộ, kể từ khi bắt đầu phản công, Ukraine đã tổn thất 71.000 quân, 543 xe tăng và khoảng 18.000 xe bọc thép.

Cũng theo chủ nhân Điện Kremlin, việc phương Tây viện trợ tiêm kích F-16 cho Ukraine sẽ không làm thay đổi cục diện ở tiền tuyến, khẳng định rằng chúng sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột.

Nga cảnh báo hậu quả nếu Ukraine trì hoãn đàm phán. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng về những hậu quả nếu Ukraine tiếp tục trì hoãn việc đàm phán kết thúc xung đột.

“Tổng thống Putin đã khẳng định nhiều lần rằng Nga sẽ không từ bỏ các cuộc đàm phán, nhưng phía Ukraine nên hiểu rằng họ càng trì hoãn thì càng khó đạt được thỏa thuận trong tương lai. Bước đầu tiên để khởi động quá trình đàm phán là Kiev cần hủy bỏ sắc lệnh cấm đối thoại với Moscow do ông Zelensky đưa ra”, ông Lavrov nói.

Nga nêu thời điểm Ukraine có thể đàm phán hòa bình. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Ukraine có thể bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình khi cạn kiệt nguồn lực.

“Tôi có ấn tượng rằng Ukraine muốn nỗ lực hết sức có thể. Sau đó, khi nguồn lực của họ gần bằng 0, họ sẽ ngừng bắn và bắt đầu đàm phán để bổ sung nguồn lực và khôi phục khả năng chiến đấu”, ông Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông.

Tổng thống Putin cho biết, nhiều bên hòa giải đã hỏi ông liệu Nga có sẵn sàng ngừng chiến sự hay không và ông nói rằng, Nga khó có thể ngừng chiến sự khi đối mặt với cuộc phản công của Ukraine.

Theo ông Putin, để có bất kỳ cơ hội đàm phán nào, Ukraine trước tiên phải hủy bỏ lệnh cấm đàm phán do nước này tự đặt ra và giải thích những gì họ mong muốn.

Thụy Điển xem xét gửi tiêm kích cho Ukraine. Truyền thông Thụy Điển đã tiết lộ về việc chính phủ nước này đang xem xét viện trợ tiêm kích JAS-39 Gripen cho Ukraine.

Đài phát thanh Thụy Điển (SR) cho biết, các quan chức nước này đã thảo luận về ảnh hưởng của việc viện trợ với khả năng tự vệ, và cần bao lâu để bù đắp số lượng tiêm kích viện trợ.

Kể từ đầu cuộc xung đột, Thụy Điển đã gửi tới Ukraine những loại khí tài như xe tăng, hệ thống phòng không và xe chiến đấu bộ binh Type 90. Phía Ukraine hy vọng sẽ nhận được từ 16-18 tiêm kích Gripen.

Bình Nguyên (tổng hợp)

Theo: Báo Công Thương