Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 11/1/2024: Ukraine cạn kiệt đạn dược; Nga đẩy mạnh tấn công hướng Kupyansk

(Banker.vn) Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 11/1/2024: Ukraine cạn kiệt đạn dược; Nga đẩy mạnh tấn công hướng Kupyansk để chuẩn bị cho đòn công kích mùa đông.
Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 8/1/2024: Ukraine chỉ còn dự trữ đạn dược trong vòng 1 tháng Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 9/1/2024: Binh sĩ Ukraine nói về “vũ khí địa ngục” của Nga Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 10/1/2024: Ukraine sẽ sớm nhận được “công thức hòa bình” từ Mỹ và phương Tây

Theo hãng thông tấn RIA Novosti dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga đăng tải, các đơn vị xung kích của Nga với thiết bị bay tự sát FPV đang đẩy mạnh tấn công ở hướng Kupyansk và đã phá hủy sở chỉ huy của Ukraine tại hướng này.

Cụ thể, đơn vị trinh sát tình báo thuộc Tập đoàn phía Tây của Nga đã phát hiện ra địa điểm đối phương tập trung và truyền tọa độ về sở chỉ huy. Sau khi nhận nhiệm vụ, các đội bay không người lái FPV đã phá hủy trung tâm chỉ huy được ngụy trang kỹ của Ukraine.

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 11/1/2024: Ukraine cạn kiệt đạn dược; Nga đẩy mạnh tấn công hướng Kupyansk
Ukraine thiếu đạn dược đã được dự báo từ trước và tình trạng này sẽ tiếp tục diễn biến xấu đi trong thời gian tới. Ảnh: Getty.

Cùng với đó, bất chấp thời tiết lạnh giá, nhiều đơn vị Nga đang tấn công thăm dò dọc mặt trận. Hành động này có thể chuẩn bị cho một đợt tấn công lớn sắp tới.

Trước đó, Quân đội Nga đã phá hủy một số đơn vị thiết bị của phương Tây dọc theo tiền tuyến phía Bắc và Đông Nam.

Trong bài trả lời phỏng vấn với hãng tin AFP, một binh sĩ Ukraine có tên Anatoly đánh giá cao hiệu quả tác chiến của công binh Nga. Cụ thể, Quân đội Nga sử dụng “các phương pháp rải mìn chết người”, điều này làm phức tạp thêm tình hình cho Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) trên chiến trường. Binh sĩ này nhấn mạnh: “Không có gì bí mật khi Nga có những công binh rất giỏi, có lẽ là tốt nhất thế giới”.

Người lính Ukraine chỉ ra tổn thất của AFU do bẫy mìn của công binh Nga: "Một tờ tiền, một bao thuốc lá, một chiếc điện thoại... Đây chắc chắn là một cái bẫy. Chúng ta thậm chí còn mất cả binh lính vì gói lon Pepsi cài bom”.

Trước đó, một công binh tại mặt trận của Quân đội Nga khẳng định có trang bị vượt trội so với AFU về mặt kỹ thuật. Theo đó, Quân đội Ukraine chủ yếu sử dụng vũ khí được viện trợ từ nước ngoài.

Liên quan tới nguồn đạn dược cho chiến trường, chuyên gia quân sự, Phó giáo sư khoa Phân tích chính trị và tâm lý xã hội của Đại học Kinh tế Nga mang tên Plekhanov, Oleg Glazunov đánh giá, AFU thực tế đang cạn kiệt kho đạn dược dành cho tiền tuyến.

Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Thụy Điển Mikael Claesson thông tin giá đạn dược cho quân đội Ukraine đã tăng khoảng 5-10 lần kể từ tháng 2/2022. Theo ông Oleg Glazunov, bài phát biểu của Claesson phần lớn nhắm đến Ukraine - để họ hiểu rằng họ không nên mong đợi sự giúp đỡ như một hoặc hai năm trước.

Chuyên gia này lưu ý rằng Mỹ đã giảm nguồn cung cấp vũ khí và tài trợ cho quân đội Ukraine vì “nền kinh tế Mỹ không còn có thể gánh gánh nặng mang tên Ukraine một mình nữa, đồng thời nhận ra rằng các gói viện trợ cho Ukraine là vô ích”. Mỹ đã quen với việc đầu tư vào những nơi có triển vọng thu lời 100%. Vì vậy, Mỹ muốn chuyển toàn bộ trách nhiệm tài chính đối với Ukraine sang châu Âu với vai trò là nhà tài trợ chính cho Kiev.

Trong khi đó, châu Âu chắc chắn sẽ không thể tài trợ đầy đủ và cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine ở hiện tại và trong tương lai gần.

“Tất nhiên, giá đạn dược đã tăng lên. Tại sao? Bởi vì, khí đốt giá rẻ của Nga ở đâu ra? Suy cho cùng, toàn bộ ngành công nghiệp hoạt động dựa trên nguồn năng lượng được cung cấp từ Nga và nếu không có sẵn thì mọi thứ sẽ trở nên đắt đỏ hơn ở châu Âu vì khí hóa lỏng mà người Mỹ có giá đắt gấp đôi khí đốt của Nga. Đương nhiên, đó là lý do tại sao ngành công nghiệp này đang đình trệ, nền kinh tế đang đình trệ và giá cả ngày càng tăng”, chuyên gia Oleg Glazunov phân tích.

“Giá cả mọi thứ ở châu Âu đều tăng, không chỉ đạn pháo. Điều này sẽ tiếp diễn và đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ gặp phải tình trạng thiếu đạn dược ngày càng nghiêm trọng”, chuyên gia Nga dự báo.

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 11/1/2024: Ukraine cạn kiệt đạn dược; Nga đẩy mạnh tấn công hướng Kupyansk
Các đơn vị chiến đấu của Nga đang hoàn thiện kỹ năng gây sát thương tối đa cho đối phương trên chiến trường. Ảnh: Lenta.

Bản thân Ukraine không có khả năng chi trả cho đạn dược, đồng nghĩa với việc Liên minh châu Âu phải thành toán cho việc này thông qua việc tăng ngân sách quân sự. “Họ có thể lấy tiền ở đâu? Từ hư không? Khi thuế tăng lên thì toàn bộ châu Âu sẽ nổi dậy. Và do đó, tình trạng thất nghiệp tràn lan, và do đó các công ty đóng cửa, các nhà máy nhỏ hiện đang phá sản ở châu Âu, đặc biệt là ở Pháp và Đức”, chuyên gia Oleg Glazunov kết luận.

Trước đó, lãnh đạo phe Dân chủ đa số tại Thượng viện Mỹ, Chuck Schumer cho biết kho đạn dược của AFU đã cạn kiệt trong bối cảnh Quốc hội Mỹ trì hoãn phê duyệt yêu cầu hỗ trợ cho Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) trị giá 60 tỷ USD.

Kim Ngân

Theo: Báo Công Thương