Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 1/6/2024: Ông Biden đang kéo thế giới vào cuộc đối đầu hạt nhân?

(Banker.vn) Thông tin chiến sự Nga-Ukraine 1/6/2024: Ông Biden đang kéo thế giới vào cuộc đối đầu hạt nhân; Nga tuyên bố tiến công theo mọi hướng.
Chiến sự Nga-Ukraine 29/5/2024: NATO nói về thời điểm khó khăn nhất đối với Ukraine kể từ khi bắt đầu xung đột Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 30/5/2024: Ukraine bị lôi kéo vào xung đột mà không có kế hoạch Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 31/5/2024: Lầu Năm Góc xác nhận Mỹ cho phép Ukraine dùng vũ khí tấn công Nga

Thông tin chiến sự

Ukraine tập kích kho dầu miền nam Nga. Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, lực lượng Ukraine đã tấn công một bến phà và kho dầu tại cảng Kavkaz ở vùng Krasnodar (miền nam Nga) bằng tên lửa vào đầu ngày 31/5.

Theo các nguồn tin, vụ tấn công này là một phần trong chiến dịch lớn hơn của quân đội Ukraine và cơ quan an ninh Ukraine nhằm làm gián đoạn hoạt động hậu cần của lực lượng Nga tại Crimea.

Quân đội Ukraine báo cáo về các vụ nổ tại khu vực kho dầu trong khi đang xác minh thiệt hại từ cuộc tấn công, được thực hiện bằng tên lửa Neptune do nước này sản xuất. Thông báo cho thấy UAV của Ukraine cũng tấn công một kho dầu khác ở khu vực Krasnodar.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng phòng không đã phá hủy 5 tên lửa và 29 UAV nhắm vào Krasnodar.

Nga-Ukraine
Nga tuyên bố tiến công theo mọi hướng. Ảnh: RIA Novosti

Nga tuyên bố tiến công theo mọi hướng. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Belousov cho biết, quân đội Nga tiếp tục làm suy giảm một cách có hệ thống khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang Ukraine.

Chỉ riêng trong tháng 5, quân đội Ukraine mất hơn 35.000 binh sĩ, gần 3.000 vũ khí, trang thiết bị quân sự, trong đó có 290 xe tăng và xe bọc thép các loại. Trong số này có 4 xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất, 7 chiếc Leopard và 12 chiếc Bradley”, ông Belousov nói. Ngoài ra, Ukraine còn mất 11 máy bay, 4 trực thăng, khoảng 730 khẩu pháo dã chiến và hệ thống rocket phóng loạt.

Theo Bộ trưởng Belousov, lực lượng Nga đang tiến công theo mọi hướng chiến thuật ở Ukraine và riêng trong tháng này đã kiểm soát 28 ngôi làng ở Ukraine. "Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt và chắc chắn sẽ đạt mọi mục tiêu đề ra", ông Belousov nhấn mạnh.

Một số diễn biến liên quan

Ông Biden đang kéo thế giới vào cuộc đối đầu hạt nhân. Bà Olga Kovitidi, Thượng nghị sĩ Nga nói với hãng tin RIA Novosti rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang kéo cả thế giới vào kỷ băng hà đối đầu hạt nhân; quyết định của ông cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí Mỹ sẽ gây ra hậu quả cực kỳ nguy hiểm.

Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết, Tổng thống Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để chống lại các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.

Việc Tổng thống Biden “cho phép” sử dụng vũ khí Mỹ của mình trong cuộc chiến của Ukraine với Nga là một quyết định cực kỳ nguy hiểm, gây ra những hậu quả địa chính trị vô cùng nghiêm trọng. Đây không còn là chiến tranh lạnh nữa. Bà Kovitidi nói: “Ông Biden đang kéo thế giới vào kỷ băng hà đối đầu hạt nhân”.

Thượng nghị sĩ Nga cũng lưu ý, hành động của Tổng thống Mỹ không hàm ý sự hiện diện của bất kỳ lẽ thường nào.

Sau khi chỉ đạo những nỗ lực đáng kinh ngạc nhằm đưa ra các quyết định kinh tế đáng nghi ngờ, đẩy nước Mỹ vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine, lôi kéo NATO vào cuộc đối đầu vũ trang cực kỳ nguy hiểm với cường quốc hạt nhân Nga, ông Biden tiếp tục phá hủy hệ thống an ninh toàn cầu, gây ra tổn hại không thể khắc phục được”, bà Kovitidi nhấn mạnh.

Trung Quốc không dự hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, nước này sẽ không tham dự hội nghị sắp diễn ra tại Thụy Sĩ vào các ngày 15-16/6 tới nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.

Việc sắp xếp hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Bắc Kinh cũng như kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế, khiến Trung Quốc khó có thể tham gia với vai trò mang tính xây dựng”, bà Mao Ninh giải thích.

Trung Quốc luôn nhấn mạnh, hội nghị hòa bình quốc tế phải được cả Nga và Ukraine thông qua, với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên. Mọi đề xuất hòa bình cũng phải được thảo luận một cách công bằng và bình đẳng”, người phát ngôn Mao Ninh cho biết thêm.

Ukraine xác nhận Mỹ cho phép tấn công lãnh thổ Nga. Văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận Mỹ đã cho phép nước này sử dụng vũ khí Washington viện trợ để tấn công một số vùng lãnh thổ của Nga.

Mặc dù Washington chưa đưa bất kỳ tuyên bố chính thức nào về sự thay đổi chính sách, nhưng nhiều hãng thông tấn phương Tây đã đưa tin về động thái này hôm 30/5.

Theo đó, tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ ẩn danh tiết lộ, Ukraine trước đây không được phép sử dụng vũ khí Washington chuyển giao ở bên ngoài lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Biden hiện đã cho phép binh lính Kiev dùng những khí tài đó để thực hiện các vụ tấn công hạn chế vào “các mối đe dọa trực tiếp” tới vùng Kharkiv, đông bắc Ukraine, nơi quân đội Nga đã đạt những bước tiến đáng kể vào đầu tháng này.

Điều đó sẽ tăng cường đáng kể khả năng của chúng tôi trong việc chống lại những nỗ lực của quân Nga nhằm tràn qua biên giới”, ông Sergey Nikoforov, Thư ký báo chí của tổng thống Ukraine nói.

Nhiều nước cho phép Ukraine dùng vũ khí tấn công đất Nga. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã xác nhận việc Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Theo ông Blinken, Tổng thống Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ để tiêu diệt các mục tiêu tại Nga đang tấn công thành phố Kharkiv của Ukraine.

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh Nhà Trắng vẫn cấm Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS và các vũ khí tầm xa khác do Washington cung cấp để tấn công mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.

Ngoại trưởng Hà Lan Hanke Bruins Slot tuyên bố, Amsterdam sẽ không phản đối việc Kiev sử dụng chiến đấu cơ F-16 do Hà Lan cung cấp để tấn công mục tiêu trong đất Nga như hành động tự vệ. “Nếu bạn có quyền tự vệ, không có giới hạn nào cho việc sử dụng vũ khí”, bà Slot nói tại hội nghị ngoại trưởng NATO ở Prague, nơi ông Blinken cũng dự.

Trước đó, Đan Mạch cũng nói Ukraine có thể sử dụng máy bay F-16 do nước này cung cấp để thực hiện nhiệm vụ tương tự, vì hành động đó "nằm trong khuôn khổ quy tắc chiến tranh".

Trong khi đó, Tổng thống Putin cảnh báo, các thành viên NATO ở châu Âu đang "đùa với lửa" khi đưa ra đề xuất như vậy. Theo ông, "hành động leo thang liên tục này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng".

Nga-Ukraine trao đổi tù binh. Theo Bộ Quốc phòng Nga, nhờ thỏa thuận đàm phán do Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) làm trung gian, Moscow và Kiev đã tiến hành một cuộc trao đổi tù binh vào ngày 31/5.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, phía Ukraine đã trả tự do cho 75 lính Nga bị họ bắt giữ để đổi lấy tự do cho 75 binh sĩ của họ trong tay Moscow.

Theo nhà chức trách, sau khi được phóng thích, các binh sĩ Nga sẽ được chuyên chở đến Moscow bằng máy bay vận tải quân sự. Họ sẽ được điều trị y tế và phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế của Bộ Quốc phòng Nga.

Đồng thời, trụ sở điều phối vấn đề tù binh Ukraine cũng xác nhận, đây là vụ trao đổi tù binh đầu tiên giữa hai bên kể từ tháng 2 năm nay nhưng là cuộc trao đổi thứ 52 kiểu này kể từ khi xung đột bùng phát cuối tháng 2/2022. Cho đến nay, Moscow đã thả tổng cộng 3.210 tù binh Ukraine.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương