Chiến sự Nga-Ukraine 24/8/2024: Yếu tố gây bất lợi cho Ukraine; Mỹ im lặng về nỗ lực hòa bình của Ấn Độ

(Banker.vn) Thông tin chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 24/8/2024: Yếu tố gây bất lợi cho Ukraine ở Kursk; Mỹ im lặng về nỗ lực hòa bình của Ấn Độ.
Chiến sự Nga-Ukraine ngày 21/8/2024: Phương Tây tìm người kế nhiệm ông Zelensky; Nga chặn đà tiến công của Ukraine ở Kursk Chiến sự Nga-Ukraine ngày 22/8/2024: Hàng nghìn binh sĩ Ukraine đào ngũ; Đức nói tin ‘sốc’ về cuộc tấn công ở Kursk Chiến sự Nga-Ukraine 23/8/2024: Ukraine sẽ ‘kiệt sức’ vào tháng 10; lộ ‘kế hoạch’ của ông Zelensky sau vụ tấn công Kursk

Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:

Yếu tố chính gây bất lợi cho Ukraine ở Kursk

Tiến sĩ Gilbert Doctorow, thuộc Đại học Columbia, một chuyên gia về Nga và quan hệ quốc tế cho biết, lực lượng vũ trang Ukraine đang rơi vào tình thế tuyệt vọng ở Kursk khi tiến hành một cuộc tấn công mà không có sự hỗ trợ từ trên không và khả năng được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công trên không.

Yếu tố quan trọng nhất chống lại Ukraine là thiếu sự yểm trợ trên không. Lực lượng vũ trang Ukraine tuân theo các hoạt động quân sự của NATO, nhưng không có ưu thế trên không. Rất nhiều thiết bị quân sự được gửi đến Kursk, như xe tăng Challenger và Bradley. Nhưng tất cả đều bị phơi bày bởi các cuộc tấn công bằng trực thăng, chưa kể UAV, pháo binh và bom lượn do máy bay ném bom Nga thả xuống các vị trí của Ukraine”, ông Doctorow nhận định.

Ukraine không coi Ấn Độ là trung gian trong đàm phán

Tờ New York Times đưa tin, chính quyền Kiev không coi Ấn Độ là trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.

Chiến sự Nga-Ukraine 24/8/2024: Yếu tố gây bất lợi cho Ukraine; Mỹ im lặng về nỗ lực hòa bình của Ấn Độ
Tổng thống Putin có kế hoạch đáp trả hành động của Ukraine. Ảnh: RIA

Theo đó, các quan chức Ukraine nói rằng họ không coi Ấn Độ là trung gian hòa giải và đang cố gắng coi chuyến đi của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Ukraine như một minh chứng cho sự ủng hộ của New Delhi đối với chính quyền nước này.

Ông Modi đến vào ngày 23/8 trong chuyến thăm đầu tiên tới Ukraine kể từ khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Ông đến thủ đô Ukraine bằng tàu hỏa từ Ba Lan.

Nhà Trắng im lặng về nỗ lực hòa bình của Ấn Độ

Chính quyền Mỹ mới đây đã phản ứng một cách kiềm chế trước những nỗ lực gìn giữ hòa bình của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm giúp giải quyết xung đột ở Ukraine.

Bình luận về chuyến thăm của ông Modi tới Kiev tại cuộc họp báo thường kỳ, Điều phối viên truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby về cơ bản kiềm chế đưa ra đánh giá. Tuy nhiên, ông cho rằng những nỗ lực gìn giữ hòa bình như vậy phải bắt đầu bằng việc hiểu rõ quan điểm của Tổng thống Zelensky.

"Ấn Độ và Thủ tướng Modi là những đối tác lớn của Mỹ. Nếu chuyến đi của ông ấy tới Kiev và các cuộc đàm phán với Tổng thống Zelensky có thể góp phần chấm dứt xung đột theo tầm nhìn của Tổng thống Zelensky về một thế giới công bằng thì theo quan điểm của chúng tôi, điều này có thể hữu ích", phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết.

Ông Putin có kế hoạch đáp trả hành động của Ukraine

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov thông tin, Tổng thống Putin đã có kế hoạch hành động để đáp trả cuộc đột kích của Ukraine vào Kursk của Nga và tất cả những người chịu trách nhiệm chắc chắn sẽ bị trừng phạt.

"Tôi thành thật nói với các bạn ông Putin đã ra quyết định. Tôi tin chắc nhiều người sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc vì những gì đã xảy ra ở Kursk", Đại sứ Nga tại Mỹ nói, đồng thời nhà ngoại giao này không cung cấp thêm chi tiết về kế hoạch của người đứng đầu nước Nga.

Thủ tướng Modi lần đầu thăm Ukraine

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến Kiev trong chuyến thăm thu hút sự chú ý của dư luận. Đây là chuyến công du đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ đến Ukraine kể từ năm 1991.

Ông Modi đến Kiev sau chuyến thăm Nga hồi tháng trước và dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Zelensky. Trước chuyến công du Kiev, nhà lãnh đạo Ấn Độ đã lên tiếng kêu gọi khôi phục hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời tuyên bố sẽ chia sẻ quan điểm của ông về giải pháp chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.

Chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Ukraine diễn ra vào thời điểm bước ngoặt quan trọng trong cuộc xung đột kéo dài 2,5 năm tại Ukraine, khi các lực lượng Ukraine hồi đầu tháng 8 đã phát động một cuộc tấn công chưa từng có vào lãnh thổ Nga, gây bất ngờ đối với cả những đồng minh thân cận nhất của Kiev.

Về cuộc xung đột tại Ukraine, Thủ tướng Modi tái khẳng định quan điểm rằng "không có vấn đề gì có thể giải quyết được trên chiến trường", đồng thời nhấn mạnh nước này ủng hộ đối thoại và ngoại giao để sớm khôi phục hòa bình và ổn định tại Ukraine và sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ có thể.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương