Chiến sự Nga-Ukraine 23/5/2024: Sự xuất hiện của quân đội phương Tây ở Ukraine sẽ dẫn đến chiến tranh thế giới mới

(Banker.vn) Thông tin chiến sự Nga-Ukraine 23/5/2024: Sự xuất hiện của quân đội phương Tây ở Ukraine sẽ dẫn đến chiến tranh thế giới; Romania không đưa quân tới Ukraine.
Chiến sự Nga-Ukraine 20/5/2024: Các trung tâm huấn luyện NATO ở Ukraine sẽ trở thành mục tiêu của Nga Chiến sự Nga-Ukraine 21/5/2024: Mỹ thừa nhận tình hình Kharkiv khó khăn; Nga nói vẫn có thể giải quyết hòa bình Ukraine Chiến sự Nga-Ukraine 22/5/2024: Chuyên gia Mỹ đề xuất chia Ukraine thành nhiều quốc gia; Nga tăng cường hỏa lực ở Kharkiv

Thông tin chiến sự

Nga kiểm soát thêm lãnh thổ ở Donetsk. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, quân đội nước này đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn Klescheevka, ngôi làng có tầm quan trọng chiến lược ở vùng Donetsk miền Đông Ukraine.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, kết quả này đạt được do "các hoạt động tích cực" của lực lượng tác chiến miền Nam của Nga. Quân đội Ukraine mô tả Klescheevka là một trung tâm hậu cần quan trọng, nằm trên vùng đất cao với tầm nhìn tốt ra các tuyến đường tiếp viện gần đó.

Trước đó, ông Igor Kimakovsky, cố vấn của người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng cho biết, Ukraine đã rút phần lớn lực lượng khỏi Klescheevka. Theo quan chức này, Kiev đã tăng viện cho quân đội tại một thành trì quan trọng khác là Chasov Yar, chốt phòng thủ của Ukraine ở Donbass, nằm trên kênh đào Seversky Donets-Donbass.

Nga-Ukraine
Nga kiểm soát thêm lãnh thổ ở Donetsk. Ảnh: RIA Novosti

Ukraine muốn xây 10 nghìn km rào chắn dọc tiền tuyến. Bộ Quốc phòng Ukraine cho hay, Chính quyền nước này có kế hoạch xây dựng hàng rào dài tới 10 nghìn km, dọc theo đường tiếp xúc chiến đấu.

Đồng thời, Bộ Tổng tham mưu lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, tình hình xây dựng công sự không tốt như Kiev mong muốn, nhưng hầu hết các biện pháp ưu tiên được cho là đã hoàn thành. “Chúng tôi đang dần dần tăng tốc độ xây dựng”.

Một số diễn biến liên quan

Sự xuất hiện của quân đội phương Tây ở Ukraine sẽ dẫn đến chiến tranh thế giới. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho rằng, việc phương Tây gửi quân tới Ukraine sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới mới.

"Một số chính trị gia châu Âu muốn gửi binh lính đến Ukraine, trong khi các chính trị gia châu Âu khác lại mơ tưởng đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong mọi trường hợp, điều này có nghĩa là một cuộc chiến tranh thế giới và những nước ở gần xung đột vũ trang sẽ phải trả giá cho điều đó”, ông Szijjarto cảnh báo.

Ngoại trưởng Szijjarto lưu ý, công dân Hungary đã mệt mỏi với những tuyên bố nguy hiểm tiếp tục được đưa ra liên quan đến cuộc xung đột Ukraine.

Chúng tôi mệt mỏi với việc cố gắng kéo toàn bộ châu Âu và thậm chí cả thế giới vào cuộc chiến. Chúng tôi mệt mỏi khi nói về việc gửi quân trên bộ và sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine”, ông Szijjarto bày tỏ.

Romania không đưa quân tới Ukraine. Tổng thống Romania Klaus Iohannis cho biết, nước này sẽ không gửi quân tới Ukraine.

Romania sẽ không gửi binh lính đến Ukraine. Đây chỉ là một cuộc thảo luận và tôi nghĩ mọi chuyện đã kết thúc”, ông Iohannis nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông từ chối bình luận về vấn đề Romania có thể chuyển giao hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine. “Tôi không bình luận về vấn đề này và không nghĩ nó nên được thảo luận công khai. Đây là vấn đề cần được thảo luận với các chuyên gia quân đội, sau đó nên quyết định bởi Hội đồng Quốc phòng Tối cao của đất nước”, ông Iohannis nói.

Nga tái thiết thành công ngành công nghiệp quốc phòng. Tờ Defense News dẫn các nguồn tin cho hay, Nga đã thành công trong việc xây dựng lại tổ hợp công nghiệp quân sự, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây do cuộc xung đột ở Ukraine.

Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang hành động tốt hơn chúng tôi mong đợi”, Defense News dẫn lời đại diện cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ nói. Thành công của Nga trong việc tăng cường sản xuất các sản phẩm công nghiệp quốc phòng nhờ sự ổn định ban đầu, sự giúp đỡ của các nước thân thiện và khả năng Nga chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ukraine và Mỹ gần như đã hoàn thành công việc đảm bảo an ninh. Theo giới chức Ukraine, ông Andrey Yermak, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine đã thảo luận qua điện thoại với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan về một thỏa thuận về đảm bảo an ninh.

Thông báo trên trang web của Tổng thống Ukraine cho biết: “Chúng tôi đặc biệt chú ý đến thỏa thuận về đảm bảo an ninh giữa Ukraine và Mỹ, công việc sắp hoàn thành”.

Ông Yermak đã thông báo cho ông Sullivan về tình hình trên tiền tuyến và một lần nữa chỉ ra sự cần thiết của Ukraine đối với các hệ thống phòng không của phương Tây.

Ukraine hối thúc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm tấn công vào lãnh thổ Nga. Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksandr Lytvynenko đang hối thúc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng vũ khí tầm xa do nước này cung cấp cho Kiev để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga và giúp ngăn chặn cuộc tấn công mới có thể xảy ra sắp tới của Moscow.

Ông Oleksandr cho biết, nếu Washington dỡ bỏ lệnh cấm, điều này sẽ có lợi cho Kiev. Tuy nhiên, ông thừa nhận cơ hội để Ukraine có thể đạt được bước đột phá trên chiến trường trong năm nay là rất mong manh.

Miễn là chúng tôi giữ vững phòng tuyến, miễn là chúng tôi chiến đấu… chúng tôi vẫn còn mọi cơ hội để giành chiến thắng”, ông Oleksandr nói.

Nga cảnh báo đáp trả Pháp nếu đưa quân tới Ukraine. Ông Artyom Studennikov, Vụ trưởng Vụ châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo, nếu Pháp gửi quân tới Ukraine, các biện pháp trả đũa của Moscow sẽ vượt xa phạm vi chính trị.

Chúng tôi xem lời lẽ ngày càng hiếu chiến của Tổng thống Pháp, người không loại trừ khả năng gửi binh sĩ Pháp tới Ukraine, không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các đồng minh trong EU và NATO, cũng như bị đa số người dân Pháp bác bỏ. Tuy nhiên, chúng tôi không thể không xem xét những tuyên bố này một cách nghiêm túc, bởi bản chất đây là những mối đe dọa được che đậy", ông Studennikov cho biết.

Theo quan chức Nga, “bạn đang hỏi về phản ứng ngoại giao tiềm tàng của chúng tôi, nhưng rõ ràng trong trường hợp xảy ra kịch bản như trên, các biện pháp trả đũa sẽ vượt xa phạm vi chính trị. Chúng tôi đã cảnh báo Pháp về vấn đề này hơn một lần”.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương