Tờ New York Times (NYT) dẫn các nguồn tin ngoại giao đăng tải, chính quyền Tổng thống Joe Biden kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua hợp đồng bán máy bay chiến đấu F-15 mới cho Israel.
“Chính quyền Tổng thống J. Biden đang thúc ép Quốc hội phê duyệt kế hoạch trị giá 18 tỷ USD bán máy bay chiến đấu F-15 cho Israel”, tờ New York Times đăng tải.
Theo tờ New York Times, Washington và bản thân Tổng thống J. Biden cũng đang ngăn cản mọi nỗ lực của các nhà lập pháp nhằm hạn chế việc bán vũ khí Mỹ cho Israel. Cùng với đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kiến nghị hai ủy ban Quốc hội chấp thuận bán máy bay F-15 và vũ khí kèm theo cho Israel.
Washington đang vận động hành lang để cung cấp gói vũ khí mới cho Israel. Ảnh: AP |
Trước đó, chính quyền Mỹ đã thông báo sẽ chuyển máy bay chiến đấu và bom cho Israel, bất chấp những bất đồng của các bên liên quan đến hoạt động quân sự ở Rafah. Gói viện trợ quân sự mới bao gồm khoảng 2.000 quả bom MK-84 và 500 quả bom MK-82, cũng như 25 máy bay chiến đấu F-35A.
Trong khi đó, nhiều chính trị gia Đức đang vận động chính phủ nước này cần áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Israel do tình hình nhân đạo tại Dải Gaza, cũng như các cuộc tấn công vào các nước láng giềng ở khu vực Trung Đông.
Chính trị gia Sarah Wagenknecht nhấn mạnh rằng, Bundestag vào tuần tới sẽ bỏ phiếu về khả năng ngừng cung cấp vũ khí cho Israel. Chính trị gia này cũng chỉ ra rằng Israel đang vi phạm luật pháp quốc tế và phớt lờ lời kêu gọi ngừng bắn.
Trước đó, bà Sarah Wagenknecht đã kêu gọi các nước phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho Lực lượng vũ trang Ukraine và đề xuất phương án nối lại đàm phán với Nga. Nghị sĩ Bundestag nhấn mạnh, bà rất phẫn nộ trước việc chính phủ Đức từ chối tham gia đối thoại với Moscow.
Sau những áp lực từ cộng đồng quốc tế, Nhà Trắng vừa ra thông báo cho biết Israel sẽ xem xét mối lo ngại của Mỹ về kế hoạch tấn công Rafah, thành phố tại Gaza có hơn một triệu dân thường đang trú ẩn.
"Phía Mỹ đã bày tỏ quan ngại về các hành động liên quan đến Rafah. Phía Israel đồng ý xem xét những mối quan ngại này và sẽ có các cuộc thảo luận tiếp theo", thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ.
Căng thẳng gần đây gia tăng giữa Israel và Mỹ khi Tel Aviv tuyên bố kiên quyết triển khai kế hoạch mở chiến dịch quân sự nhằm vào Rafah. Tuy nhiên, hai bên đã có "những đóng góp mang tính xây dựng về Rafah" trong hai giờ đàm phán qua cuộc trực tuyến với sự tham gia của Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan.
Cố vấn An ninh Quốc gia Tzachi Hanegbi và Bộ trưởng Các vấn đề Chiến lược Ron Dermer giữ vai trò dẫn dắt nhóm thảo luận của Israel.
Tuyên bố từ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng, hai bên sẽ có các cuộc gặp trực tiếp vào đầu tuần tới.
Rafah là thành phố miền nam Dải Gaza, giáp với Ai Cập và có cửa khẩu sang nước này. Quân đội Israel tuyên bố đang tập trung lực lượng để chuẩn bị mở chiến dịch tấn công nhằm vào Rafah để vô hiệu hóa các tiểu đoàn còn lại của Hamas sau các hoạt động quân sự thời gian qua tại Dải Gaza.
Theo cơ quan y tế Gaza, chiến dịch quân sự của Israel nhằm trả đũa Hamas đã khiến gần 33.000 người thiệt mạng trong khu vực. Nhiều dân thường Palestine đã sơ tán đến Rafah để tránh chiến sự. Chính vì thế, nếu Israel tấn công Rafah có thể tạo ra thảm họa nhân đạo mới.
Cuộc chiến nhằm vào Rafah có thể tạo ra một thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza. Ảnh: Getty |
Israel từng đồng ý cử một phái đoàn tới Washington để thảo luận về kế hoạch quân sự nhằm vào Rafah, nhưng đã hủy chuyến đi khi Mỹ bỏ phiếu trắng với lời kêu gọi ngừng bắn của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hồi tuần trước.
Thông tin về chương trình làm việc giữa hai bên, Phó thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết, mục tiêu cuộc họp ngày 1/4 giống với các nội dung của cuộc gặp bị hủy bỏ trước đó. Mỹ muốn hiểu kế hoạch của Israel đối với bất kỳ hoạt động quân sự nào ở Rafah, để biết cách Tel Aviv sẽ di tản hay hành động ra sao với những người dân chạy nạn đang tập trung ở khu vực này.
Kim Ngân
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|