Tờ The Times of Israel đăng tải, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine có thể kéo dài đến năm 2025.
Thủ tướng Israel đưa ra tuyên bố trên trong cuộc gặp với đại diện của các khu vực biên giới giáp Dải Gaza tại trụ sở Bộ tư lệnh phía Nam của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF). Cuộc gặp cũng quy tụ đại diện nhiều cơ quan hành pháp quan trọng của Israel.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, ông Benjamin Netanyahu cùng các nhà lãnh đạo đã bàn thảo về khả năng tái định cư cho các cư dân Israel buộc phải chạy nạn do xung đột. Thủ tướng Israel nhấn mạnh, sẵn sàng xem xét thủ tục hỗ trợ tài chính cho người dân Israel sẵn sàng quay trở lại nơi sinh sống.
Israel tuyên bố cuộc xung đột với Hamas có thể kéo dài tới năm 2025. Ảnh: Getty. |
Trước đó, sau cuộc gặp với người đồng cấp Israel Yoav Gallant, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố từ chối ấn định thời gian chấm dứt các hoạt động quân sự đối với Israel. Hãng tin Bloomberg lưu ý rằng lời nói của Austin đối với Israel đã trở nên nhẹ nhàng hơn so với những tuyên bố trước đó của Tổng thống Mỹ Joe Biden và của chính ông vào đầu tháng 12/2023.
Trong khi đó, phát biểu bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra tại Davos, Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết các nhà lãnh đạo Hamas phải rời Dải Gaza để giải quyết xung đột với Israel.
Ông David Cameron trả lời câu hỏi về việc giải quyết xung đột ở Dải Gaza của các phóng viên rằng, Anh ủng hộ việc ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, nhưng nói thêm rằng sẽ không thể đạt được yêu cầu trên nếu không đáp ứng một số điều kiện.
Theo Ngoại trưởng Anh, để chấm dứt xung đột và thiết lập lệnh ngừng bắn nhân đạo, Hamas phải ngừng pháo kích vào Israel. Ngoài ra, những người lãnh đạo phong trào phải rời khỏi khu vực này.
Vào tháng 11/2023, Đại diện thường trực của Israel tại Liên Hợp Quốc, Gilad Erdan cho biết, sau 4 ngày ngừng bắn nhân đạo, Israel sẽ tiếp tục hoạt động quân sự với mục tiêu vô hiệu hóa hoàn toàn Hamas.
Liên quan tới cuộc xung đột, kênh truyền hình Yemen Al Masirah thông tin, Mỹ, Anh đã nối lại các cuộc không kích nhằm vào quốc gia Trung Đông này.
Hãng tin CBS News cũng đưa tin về các cuộc tấn công vào các vị trí của Houthi ở Yemen. Đây là đợt không kích thứ 4 vào Yemen với mục tiêu ngăn chặn hoạt động quân sự của Houthi tại Biển Đỏ.
Mục tiêu của các cuộc tấn công là nhắm vào các bệ phóng tên lửa của Houthi, nhưng các nỗ lực oanh tạc của Mỹ và Anh không đạt mục tiêu đề ra.
Ngày 17/1, tàu buôn Genco Picardy của Mỹ bị UAV từ Yemen tấn công. Con tàu đã bị hư hỏng do vụ tấn công.
Trong khi đó, Bộ tư lệnh Các hoạt động đặc biệt của Mỹ (CENTCOM) tuyên bố các cuộc tấn công tên lửa đã được Mỹ và Anh thực hiện nhằm vào các bệ phóng tên lửa của Houthi ở Yemen.
CENTCOM tin rằng, các cuộc tấn công giúp giảm bớt mối đe dọa do người Houthis tạo ra đối với các tàu thương mại ở Biển Đỏ. Theo hãng tin CNN, đợt không kích sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ tàu Hải quân Mỹ và tàu ngầm USS Florida.
Về phía Houthi, Bộ Ngoại giao Yemen gọi việc thành nhóm tác chiến đặc biệt của Liên minh châu Âu (EU) ở Biển Đỏ là mối đe dọa đối với an ninh của các nước trong khu vực.
Anh và Mỹ bất ngờ tổ chức đợt không kích thứ 4 nhằm vào Houthi ở Yemen. Ảnh: Reuters. |
Quyết định của EU gửi chiến hạm tới Biển Đỏ là vi phạm luật pháp quốc tế. Việc thành lập lực lượng tác chiến liên quân này sẽ gửi một tín hiệu tiêu cực đến các quốc gia trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Yemen cho rằng, việc EU thành lập một nhóm hải quân cho thấy nỗ lực của Mỹ và Anh nhằm thành lập một liên minh quân sự thù địch trong khu vực. Theo các nhà ngoại giao Yemen, sáng kiến như vậy đe dọa việc quân sự hóa Biển Đỏ và eo biển Bab al-Mandeb.
Trước đó, EU nhất trí thành lập một lực lượng quân sự đặc biệt đảm bảo an ninh ở Biển Đỏ. Mục tiêu được tuyên bố của sứ mệnh là đảm bảo an ninh cho hoạt động vận chuyển dân sự và thương mại ở Biển Đỏ trong bối cảnh các cuộc tấn công của Houthi ở Yemen. Theo kế hoạch, sứ mệnh sẽ được thành lập trước ngày 19/2.
Kim Ngân
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|