DNP Water "nhường sân", BWE tiếp quản
Theo báo cáo tài chính quý 3/2024 của CTCP - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, HOSE: BWE), công ty hiện đang sở hữu mạng lưới 10 công ty con, 10 công ty liên kết và tham gia góp vốn vào 4 đơn vị khác. Đây là một hệ thống đầu tư rộng lớn, cho thấy chiến lược phát triển mạnh mẽ của Biwase trong lĩnh vực cung cấp nước sạch và xử lý môi trường.
BWE có mạng lưới công ty con và công ty liên kết rộng lớn, đảm bảo doanh nghiệp mở rộng địa bàn hoạt động |
Biwase vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc mua lại từ 20% đến dưới 50% cổ phần tại CTCP Đầu tư nước Tân Hiệp - doanh nghiệp bán buôn nước sạch.
Cùng thời điểm, Công ty CP Đầu tư ngành nước DNP (DNP Water) vừa thông qua công ty con là Công ty CP Hạ tầng Nước Sài Gòn (Saigon Water, SII) tiến hành thoái vốn khỏi hai dự án lớn là Nhà máy Nước Tân Hiệp 2 và BOO Thủ Đức, “nhường" sân lại cho Biwase.
Việc thoái vốn diễn ra trong bối cảnh SII đang gặp khó khăn về tài chính. Trong quý 3/2024, công ty ghi nhận doanh thu gần 67 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lỗ ròng gần 5 tỷ đồng, đánh dấu quý thua lỗ thứ 19 liên tiếp kể từ quý 1/2020.
Tổng giá trị giao dịch ước tính mang lại cho DNP Water hơn 900 tỷ đồng tiền mặt, với khoản lợi nhuận gần 700 tỷ đồng từ hai dự án này. Số tiền thu được sẽ được ưu tiên sử dụng để thực hiện các dự án lớn hơn, trong đó có dự án Sông Tiền 1.
Được biết, trước khi thực hiện M&A tại Đầu tư Nước Tân Hiệp, Biwase ghi dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường M&A khi liên tiếp thực hiện các thương vụ quan trọng với DNP Water trong năm ngoái, qua đó gia tăng sở hữu tại hai doanh nghiệp chiến lược là Cấp thoát nước Long An (LAW) và Cấp nước Quảng Bình (NQB).
Cụ thể, vào tháng 3/2023, Biwase chính thức mua lại 2,99 triệu cổ phần LAW từ DNP Water, tương đương 24,5% vốn điều lệ, với giá trị chuyển nhượng 59,78 tỷ đồng và tiếp tục mua bổ sung 1,65 triệu cổ phần sau 2 tháng, nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 38%, tương ứng hơn 4,6 triệu cổ phần, với tổng chi phí đầu tư đạt 92,97 tỷ đồng.
Song song với các giao dịch trên, Biwase cũng mở rộng đầu tư vào Cấp nước Quảng Bình. Tháng 3/2023, công ty mua 4,31 triệu cổ phần, chiếm 25% vốn điều lệ NQB, với giá trị 57,71 tỷ đồng. Chỉ một tháng sau, Biwase tiếp tục mua thêm 2,76 triệu cổ phần, nâng sở hữu tại NQB lên 41%, tương đương hơn 7 triệu cổ phần, với tổng chi phí đầu tư đạt 94,77 tỷ đồng.
10 công ty con của Biwase (BWE) |
Đầu tư Nước Tân Hiệp kinh doanh ổn định, trả cổ tức tiền mặt lớn
Công ty Nước Tân Hiệp, với vốn điều lệ 240 tỷ đồng, hiện do Công ty CP Cấp nước Sài Gòn (Sawaco, 25%), Saigon Water (SII, 43%), và Công ty CP Cơ Điện Lạnh (REE, 32%) sở hữu. Nhà máy nước Tân Hiệp, đi vào hoạt động từ năm 2017, có công suất 300.000 m³/ngày, chiếm khoảng 1/3 công suất của Biwase (BWE), sử dụng nguồn nước thô từ sông Sài Gòn để cung cấp cho Sawaco. Đây là một trong những doanh nghiệp nổi bật với hiệu quả hoạt động cao và tỷ lệ cổ tức tiền mặt hấp dẫn.
Cụ thể, biên lợi nhuận ròng của Công ty CP Đầu tư nước Tân Hiệp đạt 44% trong năm 2023, trung bình 41% giai đoạn 2021-2023, theo báo cáo thường niên của SII. Dự kiến, khi nhà máy đạt công suất tối đa và hoàn tất nghĩa vụ trả nợ, biên lợi nhuận của công ty sẽ tiếp tục tăng.
Theo báo cáo tài chính của SII, công ty đã nhận 64 tỷ đồng thu nhập cổ tức trung bình từ Công ty CP Đầu tư nước Tân Hiệp trong giai đoạn 2021-2023. Với 10,32 triệu cổ phiếu mà SII đã sở hữu, ước tính Công ty CP Đầu tư nước Tân Hiệp chia cổ tức tiền mặt cao, trung bình 6.200 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn 2021-2023.
Như vậy, nếu BWE sở hữu từ 20%-50% cổ phần tại Đầu tư Nước Tân Hiệp theo đúng kế hoạch, BWE không chỉ mở rộng địa bàn hoạt động sang TP.HCM, mà còn mang lại lợi ích lớn nhờ khoản cổ tức cao từ công ty này.
Địa bàn hoạt động chính của BWE |
Về triển vọng của BWE trong năm 2025, giá nước dự kiến sẽ tăng trong nửa đầu năm. Thời gian xử lý thủ tục phê duyệt giá nước kéo dài hơn do quy trình phê duyệt thay đổi. Tuy nhiên, BWE cho biết tỷ lệ thất thoát nước được quy định ở mức 15% là yếu tố thuận lợi để đề xuất tăng giá nước. BWE hiện đang đề xuất mức tăng giá nước 5% mỗi năm cho giai đoạn 2025-2028, nhưng kỳ vọng mức tăng 3% mỗi năm sẽ khả thi hơn và mức tăng giá nước sẽ được thông qua vào nửa đầu năm 2025.
Ngoài ra, BWE đã xin phép tăng giá thu gom rác thải sinh hoạt lên 20%, và đề xuất này đã được Bộ Công Thương chấp thuận từ giữa năm 2024. Tuy nhiên, việc phê duyệt từ cơ quan chức năng cấp tỉnh vẫn đang chờ xử lý, do cơ quan này cần xem xét kỹ lưỡng chi phí thực tế.
BWE dự kiến sẽ hoàn tất việc tăng giá vào cuối năm 2024, nhưng theo dự báo thận trọng, mức tăng sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2025. Bên cạnh đó, công ty cũng đặt mục tiêu tăng trưởng khối lượng rác thải từ 5-7% mỗi năm, góp phần nâng cao lợi nhuận của mảng xử lý rác thải trong những năm tới.
SGI Capital: Chiến thắng của ông Trump kéo theo những cơ hội và rủi ro trên thị trường tài chính SGI Capital nhận định thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh sau chiến thắng của ông Trump, với trái phiếu Mỹ chịu áp ... |
Nước - Môi trường Bình Dương (BWE) bắt tay TDM trong chiến lược chiếm lĩnh thị phần ngành nước tại Cần Thơ Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương (BWE) đang mở rộng các dự án tại Long An, Cần Thơ, Gia Tân và Bình ... |
Mirae Asset gợi ý chiến lược đầu tư tập trung vào cổ phiếu đầu ngành Quý 3/2024, VN-Index tăng 3,4% nhưng chưa chinh phục mốc 1.300 điểm. Thanh khoản giảm mạnh, khối ngoại bán ròng, song định giá hấp dẫn ... |
Tiến Nam