Chiến lược đầu tư cổ phiếu đón mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III

(Banker.vn) MBS dự báo, dòng tiền thông minh có thể bắt đầu nhập cuộc trong tuần mới khi chỉ số VN-Index đã giảm 150 điểm (- 11,98%) kể từ đỉnh và nhiều mã đã tạo mặt bằng giá mới, rủi ro cho việc mua mới hoặc cơ cấu danh mục đối với cổ phiếu đã giảm đáng kể, đồng thời thông tin kết quả kinh doanh quý III sẽ hé lộ dần.

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sang tuần thứ 4 liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 10/2022. Ở mức giá hiện tại, thị trường cần 3 tháng để đạt đỉnh 1.250 điểm, tuy nhiên đà giảm vừa qua chỉ diễn ra hơn 1 tháng là chỉ số đã về vạch xuất phát. Bên cạnh gia tốc giảm mạnh của chỉ số, thanh khoản toàn thị trường cũng sụt dưới ngưỡng 20.000 tỷ đồng sau 12 tuần liên tiếp ở trên ngưỡng này. Sau nhịp giảm hơn 150 điểm (-11,98%) kể từ đỉnh, thị trường đã tìm được “điểm tựa” ở vùng hỗ trợ kỹ thuật nơi có mặt của đường trung bình động 200 ngày (MA200).

Chiến lược đầu tư cổ phiếu đón mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III

VN-Index để mất 25,61 điểm, tương đương giảm 2,22% và chốt tuần ở mức 1.128,54 điểm. Đây là tuần giảm thứ 4 liên tiếp kể từ vùng đỉnh 1.250 điểm, ghi nhận chuỗi giảm theo tuần dài nhất kể từ giữa tháng 10 năm ngoái. Diễn biến đáng chú ý trong tuần vừa qua là các nhịp giảm đều có phản ứng tích cực ở vùng hỗ trợ kỹ thuật MA200. Mức giảm nhiều nhất tập trung ở rổ VN30 khi để mất -2,27% giá trị, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng giảm sang tuần thứ 4 liên tiếp nhưng mức giảm ít hơn, lần lượt mất – 1,34% và – 1,88%.

Với tuần giảm thứ 4 liên tiếp, mức giảm cũng mạnh nhất trong 6 tuần gần đây, rất ít nhóm cổ phiếu có thể ngược dòng trong tuần vừa qua, ngoại trừ: nhóm đầu tư công như VCG: +5,59%, KSB: +3,83%, LCG: +5,35%, FCN: +4,11, HHV: +6,67%…, Thủy sản như VHC: +3,17%, ANV: +6,11%, ACL: +2,57%,… Hóa chất như DPM: +3,12%, DCM: +7,48%, LAS: + 3,91%,…

Nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường là ngân hàng cũng điều chỉnh giảm trên diện rộng ngoại trừ STB vẫn tăng nhẹ + 0,98%, phần còn lại có mức giảm mạnh hơn thị trường như: VCB (-2,4%), CTG (-5,06%), BID (-4,85%), CTG (-4,49%), TCB (-4,75%), VPB (-3,46%),…

Thanh khoản toàn thị trường giảm 20,7% so với tuần trước, còn 17.143 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ tuần đầu tháng 7, đây cũng là tuần đầu tiên thanh khoản xuống dưới ngưỡng 20.000 tỷ đồng sau 12 tuần liên tiếp ở trên ngưỡng này. So với cách đây 3 tuần, thanh khoản toàn thị trường đã giảm 43,3%. Theo thống kê, tháng 9 đang có mức thanh khoản cao nhất kể từ đầu năm, đạt 26.782 tỷ đồng, thanh khoản tuần đầu tháng 10 đã sụt so với bình quân quý III khoảng 30,2%.

Khối ngoại tuần vừa qua cũng giảm giao dịch, bán ròng nhẹ 359 tỷ đồng, lũy kế kể từ đầu năm khối ngoại đang bán ròng 7.269 tỷ đồng trên toàn thị trường. Dòng vốn qua các kênh ETF ghi nhận tín hiệu tích cực ở quỹ ETF Fubon khi họ quay lại giải ngân hơn 7,61 triệu USD trong tuần vừa qua, kéo lũy kế từ đầu năm của nhóm ETF trở lại trạng thái hút ròng hơn 1 triệu USD. Qũy ETF Fubon hiện đang nắm giữ các cổ phiếu có tỷ trọng lớn như: VNM (9,68%), HPG (9,64%), VHM (9,48%), VCB (8,79%), VIC (8,64%), …

Chứng khoán MB (MBS) nhận định, với tín hiệu hồi phục tích cực ở phiên cuối tuần trước, một lần nữa ngưỡng hỗ trợ MA200 lại trở thành “điểm tựa” cho thị trường. Ở mức thanh khoản hiện tại, thị trường được dự báo chưa thể tạo biến chuyển lớn nhưng sự tích cực có thể sẽ nhiều hơn như: Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đề xuất việc trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024.

Chiến lược đầu tư cổ phiếu đón mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III

Thị trường sẽ cần thêm thời gian tích lũy và kiểm định sức cung – cầu để thu hút dòng tiền nhập cuộc. Tuy vậy, dòng tiền thông minh có thể bắt đầu nhập cuộc trong tuần mới khi chỉ số VN-Index đã giảm 150 điểm (- 11,98%) kể từ đỉnh và nhiều mã đã tạo mặt bằng giá mới, rủi ro cho việc mua mới hoặc cơ cấu danh mục đối với cổ phiếu đã giảm đáng kể; đồng thời thông tin kết quả kinh doanh quý III sẽ hé lộ dần.

Do đó, chiến lược đầu tư cho việc xây dựng danh mục đón mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III sắp tới, nhà đầu tư nên tập trung ở hai nhóm cổ phiếu chính. Thứ nhất là nhóm cổ phiếu đã giảm sâu trong nhịp điều chỉnh vừa qua như: chứng khoán, bất động sản, đầu tư công.

Thứ hai là nhóm cổ phiếu được kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi nền kinh tế đã qua đáy như: xuất khẩu (thủy sản, dệt may, cảng biển), hàng hóa cơ bản (dầu khí, hóa chất, đường), bán lẻ, BĐS KCN...

Thị trường thủng mốc 1.100 điểm trước khi chính thức đi lên

Ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Nghiên Chứng khoán Agribank – AGR cho rằng, sự hồi phục mạnh của thị trường trong phiên cuối tuần mang hơi hướng kỹ thuật hơn là đến từ các yếu tố cơ bản. Sau nhiều phiên giảm với biên độ lớn thì khi lực cung có dấu hiệu cạn dần thì thị trường dễ xuất hiện nhưng phiên hồi phục với thanh khoản thấp trong phiên cuối tuần.

Theo đó, ông Nguyễn Anh Khoa nhận định, xu hướng tiếp theo thị trường sẽ tiếp tục tích lũy với những phiên tăng, giảm mạnh biên độ lớn nhưng với thanh khoản thấp. Khả năng còn 1 nhịp giảm 2-3% nữa, thị trường thủng mốc 1.100 điểm trước khi chính thức đi lên và đà tăng sẽ phụ thuộc vào các yếu tố tác động trong quý IV.

Giai đoạn này các doanh nghiệp cũng sẽ công bố kết quả kinh doanh quý III và dòng tiền sẽ phân hóa vào những cổ phiếu có kết quả tăng trưởng tốt. Do đó, nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao có thể giải ngân nhóm VN30 hoặc nhóm cổ phiếu đầu ngành tại các nhịp điều chỉnh, vì giai đoạn tới vẫn là những phiên tăng, giảm xen kẽ với biên độ lớn. Trường hợp thị trường tăng với thanh khoản tăng mạnh hoặc có phiên bật mạnh khỏi nền tảng tích lũy thì có thể tiếp tục tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Dự báo về kết quả kinh doanh quý III/2023, chuyên gia cho rằng, một số nhóm ngành có thể có mức tăng tốt so cùng kỳ năm ngoái như chứng khoán, thép, chăn nuôi, dầu khí, công nghệ thông tin. Bên cạnh đó một số ngành luân phiên dẫn sóng trong quý IV như nhóm cổ phiếu xuất khẩu dựa trên triển vọng phục hồi xuất khẩu; Nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công khi tiến độ giải ngân đã tiếp tục tăng mạnh các tháng gần đây; Nhóm cổ phiếu ngân hàng với kỳ vọng tín dụng phục hồi, điểm rơi lợi nhuận vào quý IV cũng như các chính sách vĩ mô, tín dụng có liên quan.

Phiên giao dịch ngày 9/10/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch ...

Nhận định chứng khoán ngày 9/10: Thị trường tiếp tục quán tính tăng điểm

Giằng có quanh ngưỡng 1.100 điểm trong cả phiên sáng 6/10, VN-Index bật tăng trong phiên chiều và đóng cửa tại mốc 1.128,54 điểm, tăng ...

Thị trường chứng khoán ngày 9/10/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

GAS là đầu tàu kéo VN-Index giảm tuần thứ tư liên tiếp; CSI đón cổ đông lớn Kirin Capital; Chủ tịch PP Enterprise muốn thoái ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục