Chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội diễn ra ngày càng phức tạp

(Banker.vn) Chậm đóng, trốn đóng và chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội diễn ra ngày càng phức tạp. Nhiều biện pháp xử lý vi phạm đã được triển khai ngăn chặn.
Xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm hành chính lĩnh vực bảo hiểm xã hội Năm 2024 sẽ thanh tra bảo hiểm xã hội tại 10 tỉnh, thành phố

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, thời gian qua, ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ sử dụng lao động chưa cao; người lao động chưa hiểu rõ, đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm của mình trong việc tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) dẫn đến các vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ tham gia BHXH, BHYT cho cho người lao động.

Theo đó, tình trạng chậm đóng, chiếm dụng tiền BHXH, trốn đóng hoặc đóng BHXH, BHYT, BHTN không đủ số người, số tiền phải đóng theo quy định vẫn diễn ra ngày càng phức tạp. Trước tình trạng này, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai rất nhiều các biện pháp xử lý hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội diễn ra ngày càng phức tạp
Các vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ tham gia BHXH, BHYT cho cho người lao động diễn ra phức tạp. Ảnh: Lan Ngọc

Đặc biệt, theo BHXH Việt Nam, triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214, Điều 215, Điều 216 của Bộ luật Hình sự, ngày 22/01/2020 BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 239/BHXH-PC hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố tiếp nhận, xử lý thông tin, lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố các hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại Điều 214, Điều 215, Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Từ khi triển khai đến tháng 11/2023, toàn ngành BHXH đã gửi 413 hồ sơ kiến nghị khởi tố tới cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, năm 2018 là 73 hồ sơ, năm 2019 là 151 hồ sơ, năm 2020 là 115 hồ sơ, năm 2021 là 26 hồ sơ, năm 2022 là 26 hồ sơ, năm 2023 là 21 hồ sơ. Tổng số hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 216 là 378 hồ sơ.

Trong đó cơ quan có thẩm quyền đang xem xét giải quyết là 100 hồ sơ; đã tiếp nhận giải quyết 257 hồ sơ (trong đó đã khởi tố 14 hồ sơ; không khởi tố là 220 hồ sơ (trong đó: chuyển xử lý vi phạm hành chính: 21 hồ sơ; xác định không có hành vi vi phạm pháp luật:199 hồ sơ); tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị khởi tố: 23 hồ sơ). Ngoài ra, giai đoạn đầu có 56 hồ sơ cơ quan có thẩm quyền đã trả lại không tiếp nhận.

Cùng với đó, theo BHXH Việt Nam, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các biện pháp bảo đảm anh ninh, trật tự trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam và Bộ Công an đã ký Quy chế phối hợp số 01/QCPH-BCA-BHXHVN ngày 21/01/2022, trong đó có nội dung phối hợp giữa 2 bên trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà BHXH Việt Nam phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát (trốn đóng, gian lận, trục lợi BHXH, BHTN, BHYT…).

Thực hiện quy chế phối hợp, BHXH Việt Nam đã chủ động kiểm tra, phát hiện, nhận diện các dấu hiệu vi phạm, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT của các tổ chức, cá nhân; chủ động phối hợp, cung cấp thông tin, dữ liệu và các nội dung có liên quan, giúp cơ quan chức năng điều tra, truy tố các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, thực hiện quy định của Luật Giám định tư pháp, trong các năm 2022, 2023, cơ quan BHXH các cấp đã thực hiện giám định xác định thiệt hại của quỹ BHXH, BHYT, BHTN do hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức gây ra (vụ việc ở Sơn La, Quảng Nam, Khánh Hòa) cũng như xác định số tiền BHXH, BHTN mà đơn vị sử dụng không đóng, đóng không đầy đủ cho người lao động (vụ việc ở Phú Yên, Hà Nội) theo trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền.

"Các kết luận giám định của cơ quan BHXH là một trong các căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khởi tố đối với các hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN"- BHXH Việt Nam cho hay.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã chủ động đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng các quy định liên quan đến chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Luật BHYT sửa đổi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đảm bảo sự đồng bộ với các quy định pháp luật hành chính, hình sự và tình hình thực tiễn tổ chức, thực hiện.

Đồng thời, đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp, hướng dẫn cơ quan BHXH trong quá trình thanh tra, kiểm tra, phát hiện hành vi, thu thập hồ sơ tài liệu đảm bảo điều kiện cần và đủ trước khi gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra, nhằm đáp ứng đầy đủ điều kiện chuyển hóa hồ sơ, tài liệu thành chứng cứ phục vụ công tác điều tra, khởi tố đối với tội danh trốn đóng theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Thời gian tới, để quy định tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thực sự đi vào thực tế, BHXH Việt Nam cho biết, đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ chức năng tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật để kiến nghị Quốc hội sửa đổi sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính hiệu quả, khả thi trong thực hiện quy định này, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương