Chia sẻ về tình hình nhiệt điện khí tại Việt Nam

(Banker.vn) Sáng 27/9, Diễn đàn “Thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Diễn đàn “Thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam” Dịch chuyển phát triển năng lượng xanh- Xu hướng không thể đảo ngược

Sáng 27/9, Diễn đàn “Thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững” do Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Với chủ đề thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam, chương trình nhận được sự quan tâm từ các Viện, Cục, sự tham gia đông đảo từ phía các doanh nghiệp, các hiệp hội, tổ chức, các cơ quan thông tấn báo chí…

chia se ve tinh hinh nhiet dien khi tai viet nam hinh 1
Các đại biểu tham dự chương trình.

Diễn đàn gồm phần tham luận của các diễn giả và phần thảo luận đưa ra các đề xuất nhằm thúc đẩy tiến trình phát triển Năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam. Trong phần tham luận của ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, bài phát biểu đã chia sẻ rất nhiều thông tin hữu ích về tình hình nhiệt điện khí tại Việt Nam hiện nay.

Ông Bùi Quốc Hùng cho biết: “Trong những năm gần đây, đặc biệt từ sau Hội nghị các bên về biến đổi khí hậu (COP 21) nhu cầu khí hóa lỏng (LNG) trên thế giới tăng đáng kể. Theo thống kê, nhu cầu LNG trên thế giới tăng với nhịp độ bình quân 6,3%/năm, công suất LNG trên thế giới sẽ tăng từ 340 triệu tấn/năm (năm 2017) lên 453 triệu tấn/năm vào năm 2022”.

chia se ve tinh hinh nhiet dien khi tai viet nam hinh 2
Ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phát biểu tại diễn đàn.

Bên cạnh đó, ông Hùng còn chia sẻ thêm các thông tin. Việt Nam có nhiều địa điểm thuận lợi về mặt hạ tầng để phát triển các dự án LNG, thuận lợi cho việc hình thành các trung tâm nhiệt điện sử dụng LNG quy mô lớn, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội nhiều địa phương trong tương lai.

Theo thống kê, hiện các địa phương đề xuất phát triển khoảng 140.000 MW (tập trung chủ yếu tại miền Trung và miền Nam) với khoảng hơn 30 vị trí đề xuất trải dài từ Bắc vào Nam. Việt Nam đang trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển các dự án LNG tại Việt Nam.

Vì vậy, xu hướng chuyển dịch sang nhiệt điện khí LNG trong bối cảnh Việt Nam vừa có các cam kết rất mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 là tất yếu và không thể đảo ngược. Phát triển mạnh mẽ nhiệt điện khí LNG trong tương lai chắc chắn sẽ giúp ngành điện phát triển xanh hơn và hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỉ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay.

Diễn đàn hân hạnh có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS). Đây cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc nhập khẩu, kinh doanh LNG, hướng tới xác lập vị trí quan trọng trong quá trình chuyển dịch dài hạn sang điện khí LNG, khẳng định vai trò tiên phong trong việc thực hiện các chủ trương, chiến lược quốc gia về an ninh năng lượng.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ năng lượng, kinh tế, doanh nghiệp đưa ra các ý kiến nhằm xây dựng các cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng, thu hút đầu tư cho các dự án phát triển năng lượng xanh, sạch; chia sẻ kinh nghiệm, phân tích các lĩnh vực liên quan để đẩy mạnh và có hiệu quả tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam.

Nga Phương

Theo: Báo Công Thương