Chi hơn 130 tỷ đồng mua cổ phiếu TTF, một cá nhân giữ ghế cổ đông lớn nhất của Gỗ Trường Thành

(Banker.vn) Công ty CP Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành vừa có thông báo mới nhất về việc thay đổi cổ đông lớn.
Gỗ Trường Thành mới chỉ hoàn thành 10% kế hoạch lợi nhuận năm
Gỗ Trường Thành mới chỉ hoàn thành 10% kế hoạch lợi nhuận năm

Theo đó, bà Đinh Thị Kim Dung đã hoàn tất mua vào gần 30,8 triệu cổ phiếu TTF của Gỗ Trường Thành, nâng tỷ lệ sở hữu lên 37,6 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 9,14% cổ phần, chính thức trở thành cổ đông lớn từ ngày 19/12.

Nhiều khả năng, giao dịch mua cổ phiếu của bà Dung diễn ra theo phương thức thoả thuận. Tại ngày diễn ra giao dịch, cổ phiếu TTF xuất hiện nhiều giao dịch thỏa thuận có tổng khối lượng 34 triệu đơn vị với giá trị 147,5 tỷ đồng. Tạm tính theo giá thoả thuận trung bình, bà Dung đã chi khoảng 134 tỷ đồng để hoàn tất sở hữu.

Theo danh sách cổ đông của Gỗ Trường Thành, bà Dung hiện đang là cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần lớn nhất, tiếp theo đó là Công ty CP Xây dựng U&I với tỷ lệ 7,37%. Các cổ đông còn lại đều nắm giữ tỷ lệ dưới 5%.

Động thái gom mạnh cổ phiếu của bà Dung diễn ra trong bối cảnh thị giá TTF đang có quãng hồi phục khá tốt từ đáy. Kết phiên 20/12, cổ phiếu TTF giảm về mức 4.260 đồng/cp, tương ứng hồi phục 37% kể từ đáy 3.100 đồng/cp vào ngày 15/11. Tuy nhiên, so với vùng đỉnh hồi tháng 3, cổ phiếu TTF vẫn ghi nhận mức giảm 75%.

Trước đó không lâu, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu TTF để tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ 23 /11 - 22/12, phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, ông Tín sẽ sở hữu 10 triệu cổ phiếu, tương ứng với 2,43% vốn điều lệ của công ty. Trước giao dịch, ông Tín không sở hữu cổ phiếu TTF nào.

Được biết, ông Mai Hữu Tín tham gia vào HĐQT của Gỗ Trường Thành kể từ năm 2019 với tham vọng vực dậy doanh nghiệp này sau vụ "lùm xùm" phát hiện thiếu hụt gần 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho trong kỳ báo cáo soát xét bán niên 2016.

Theo thông tin từ HĐQT Gỗ Trường Thành, công ty đang có những chuyển biến tích cực sau đợt khủng hoảng. Tới nay, doanh nghiệp trả được bớt nợ và tình hình tín dụng "đã trở lại trạng thái bình thường".

Đồng thời chia sẻ tham vọng của Chủ tịch Mai Hữu Tín là đưa Gỗ Trường Thành trở thành công ty có giá trị vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD trước năm 2030 thông qua các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Ngoài ra, TTF còn có kế hoạch tạo ra hệ sinh thái để quy tụ các nhà máy trong ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất, chế biến gỗ, đồ nội thất của Việt Nam với quốc tế.

Cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất, kết thúc quý III/2022, Gỗ Trường Thành ghi nhận 357 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 2,7 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu công ty đạt 1.516 tỷ đồng, tăng 39%; lợi nhuận sau thuế đạt 7,2 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Gỗ Trường Thành đã hoàn thành 68% kế hoạch doanh thu nhưng chỉ 10% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TTF đang trong diện cảnh báo kể từ 21/4/2022 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 30/6/2022 âm hơn 3.000 tỷ đồng, cổ phiếu chưa đáp ứng quy định tại điểm b khoản 4 Điều 37 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/03/2022.

Tuệ Minh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán