Trong văn bản trả lời chất vấn vừa gửi tới Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cho vay tiêu dùng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng sống cho người dân thông qua việc cung cấp các khoản tín dụng để thúc đẩy tiêu dùng. Cùng với sự gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ gia tăng sẽ làm tăng quy mô thị trường, gián tiếp thúc đẩy sản xuất và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.
"Cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC) khác biệt so với hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại về đối tượng khách hàng, lãi suất, sản phẩm cho vay, kênh phân phối và quản trị rủi ro...", Thống đốc NHNN cho biết.
Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, CTTC không được huy động tiền gửi của cá nhân, nguồn vốn hoạt động chủ yếu là vốn điều lệ, huy động trên thị trường tiền tệ, thị trường vốn; đối tượng khách hàng của CTTC là các khách hàng có thu nhập trung bình hoặc thấp, không ổn định, hiểu biết về tài chính hạn chế, có nhu cầu vay với giá trị nhỏ, thời gian ngắn, mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống sinh hoạt hàng ngày, không có tài sản bảo đảm, rủi ro cao; quy trình, thủ tục cho vay đơn giản, thời gian giải ngân nhanh.
Việc cho vay của các CTTC được thực hiện thông qua việc mở điểm giới thiệu dịch vụ tại nơi cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng để giới thiệu các sản phẩm cho vay tiêu dùng, thu thập thông tin, nhu cầu vay vốn của khách hàng nên cần đội ngũ nhân viên, cộng tác viên lớn, điều này dẫn đến chi phí thực hiện cho vay, quản lý khoản vay cao. Với các đặc thù trong hoạt động như vậy, Thống đốc cho biết, mức lãi suất của các sản phẩm cho vay của CTTC thường cao hơn lãi suất của các ngân hàng thương mại.
"Với các phân tích nêu trên, có thể khẳng định việc ra đời và tồn tại của các CTTC tiêu dùng là phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tạo điều kiện cho đối tượng khách hàng không đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ cho vay của ngân hàng thương mại có cơ hội tiếp cận các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống, kích thích và thúc đẩy tiêu dùng của dân cư. Hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC cũng đã góp phần mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi ở các địa bàn này”, Thống đốc NHNN cho biết.
Hiện tại hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC được điều chỉnh bởi các quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 04/11/2019) quy định cho vay tiêu dùng của CTTC. Trong đó, đã quy định rõ trách nhiệm của CTTC, đảm bảo công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng.
Thông qua công tác giám sát an toàn vi mô, NHNN thường xuyên có các văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, trong đó yêu cầu các CTTC nghiêm túc thực hiện: Rà soát toàn bộ các quy định nội bộ về cấp tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ; rà soát, đánh giá, chấn chỉnh hoạt động cho vay (bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng), trong đó tập trung vào nội dung thẩm định, xét duyệt cho vay, kiểm tra việc sử dụng vốn vay; theo dõi, đôn đốc, thu hồi nợ; thỏa thuận và việc thực hiện thỏa thuận của CTTC với các đối tác thu hồi nợ nhằm đảm bảo minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật hiện hành; cảnh báo, kiến nghị đối với các CTTC tiêu dùng có mức lãi suất cho cho vay cao; chấn chỉnh công tác thu hồi nợ.
Bên cạnh đó, để ổn định lãi suất thị trường, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng bao gồm cả CTTC cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay; thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động; khuyến nghị CTTC rà soát, xem xét giảm lãi suất các khoản vay cho mục đích tiêu dùng phù hợp với điều kiện cụ thể của CTTC, khách hàng vay, giúp khách hàng tiếp cận vốn tốt hơn, góp phần hỗ trợ khách hàng trên cơ sở 2 bên cùng có lợi, hướng đến quan hệ kinh doanh bền vững.
“Thời gian tới, NHNN tiếp tục tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động của các CTTC, nhất là các CTTC tiêu dùng, đồng thời tích cực phối hợp với bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ để góp phần hạn chế “tín dụng đen”, tăng khả năng tiếp cận nguồn tín dụng hợp pháp”, Thống đốc cho biết.
Trong văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu, Thống đốc cũng cho biết, qua phản ánh của các đơn vị chức năng và thông tin từ phương tiện thông tin đại chúng, NHNN thấy hiện nay có một số cá nhân, doanh nghiệp lập website, tạo ứng dụng cho vay có tên gây hiểu nhầm doanh nghiệp đó là CTTC được cấp phép hoạt động. NHNN cũng nhận được đề nghị phối hợp cung cấp thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những công ty này.
“Để bảo vệ quyền lợi của người dân nói chung và các CTTC tiêu dùng được NHNN cấp phép nói riêng, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động báo cáo và đề xuất UBND tỉnh, thành phố rà soát và yêu cầu các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức khác đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ được thực hiện hoạt động ngân hàng khi được NHNN cấp phép, đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng; đồng thời, yêu cầu không được sử dụng các cụm từ, thuật ngữ để quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ là hoạt động ngân hàng khi chưa được NHNN cấp phép”, Thống đốc NHNN chia sẻ.
Ngô Hải
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|