Chi bộ Tạp chí Ngân hàng tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long

(Banker.vn) Nhằm đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, ngày 04/3/2024, Chi bộ Tạp chí Ngân hàng đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý I/2024 tại Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, với sự tham gia của toàn thể đảng viên, viên chức, người lao động trong đơn vị.
Nhằm đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, ngày 04/3/2024, Chi bộ Tạp chí Ngân hàng đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý I/2024 tại Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, với sự tham gia của toàn thể đảng viên, viên chức, người lao động trong đơn vị.

Hoàng thành Thăng Long được bắt đầu xây dựng từ thế kỷ VII (thời kỳ tiền Thăng Long) đến triều đại Đinh - Tiền Lê. Sau đó vào năm 1010 dưới thời Lý, kinh thành dời về Thăng Long (trước đó là Đại La) theo Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ nên người dân đã xem đây là dấu mốc để tính “tuổi” cho thủ đô Hà Nội thân yêu. Sau hơn 1.000 năm, qua các vương triều Lý - Trần - Lê - Nguyễn…, Hoàng thành Thăng Long là chứng nhân lịch sử cho những cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc và còn là minh chứng cho sự tiếp nối văn hóa giữa các thời kỳ, triều đại.

Và ngày nay, Hoàng thành Thăng Long là di tích lịch sử, điểm du lịch hấp dẫn giữa lòng Thủ đô hiện đại, sôi động. Hoàng thành Thăng Long vẫn mang vẻ tĩnh lặng, cổ kính, trầm mặc của riêng mình. Khi đến đây, toàn thể đảng viên, viên chức, người lao động Tạp chí Ngân hàng đã được tận mắt thấy một số phần di tích còn sót lại hiện đang được bảo tồn và một số được phục dựng trên những di tích cũ của các cung điện xưa, bên cạnh đó, toàn thể đảng viên, viên chức, người lao động còn có cơ hội  hiểu hơn về văn hóa - lịch sử qua các thời kỳ của ông cha ta.

Ngay khi bước vào khu vực của Hoàng Thành, toàn thể đảng viên, viên chức, người lao động Tạp chí Ngân hàng đã được ngắm nhìn công trình kiến trúc đồ sộ và được coi là biểu tượng của Hoàng thành Thăng Long, đó chính là Đoan Môn - cổng chính dẫn vào Hoàng thành. Đoan Môn đã xuất hiện từ thời Lý, nhưng kiến trúc mà chúng ta thấy ngày nay là do nhà Lê xây dựng vào thế kỷ XV và nhà Nguyễn tu bổ vào thế kỷ XIX. Đoan Môn được xây theo lối kiến trúc cuốn vòm cân xứng gần như tuyệt đối qua “trục thần đạo”, với 5 cổng thành: Cổng giữa to nhất dành cho vua, 4 cổng còn lại dành cho quan lại, hoàng thân, quốc thích.

Dọc theo lối đi làm bằng đá phía sau Đoan Môn, đoàn đã được hướng dẫn viên dẫn đi tham quan khu khảo cổ số 18 Hoàng Diệu. Di tích này gồm tầng dưới cùng là một phần bên phía đông của thành Đại La dưới thời 
Cao Biền, nhà Đường, tầng trên là cung điện nhà Lý và nhà Trần, tiếp theo là một phần trung tâm của đông cung nhà Lê và trên cùng là một phần của trung tâm tòa thành tỉnh Hà Nội thế kỷ XIX. Mọi người trong đoàn vô cùng hứng thú và không thể tin được ở phía dưới những lớp kính này là các di tích đã có cách đây hàng nghìn năm.

Điểm đến tiếp theo của đoàn là Điện Kính Thiên, nơi được coi là di tích trung tâm, là hạt nhân chính trong tổng thể các địa danh lịch sử của thành cổ 
Hà Nội. Tuy không được ngắm nhìn trọn vẹn toàn bộ công trình kiến trúc này mà chỉ được quan sát một phần di tích còn sót lại, nhưng thông qua lời thuyết minh của hướng dẫn viên, mọi người trong đoàn cũng đã thấy được đây là một nơi linh thiêng và được xây dựng rất công phu, mang nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật của các triều đại trước. Điện Kính Thiên được xây dựng vào năm 1428, là nơi vua Lê Thái Tổ đăng cơ, về sau trở thành nơi cử hành các nghi lễ long trọng của triều đình, các buổi thiết triều và đón tiếp sứ giả nước ngoài. Hiện nay, công trình này chỉ còn giữ lại được phần nền và hai bậc thềm rồng đá. Tuy vậy, những dấu tích tìm thấy nơi đây cùng đôi rồng chầu đã phần nào gợi lại nét nguy nga, tráng lệ của Điện Kính Thiên năm xưa.

Một điểm đến nữa là Nhà D67 - nơi mà 
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có nhiều cuộc họp quan trọng, đưa ra những quyết định lịch sử, đánh dấu những mốc son của cách mạng Việt Nam. Đó là: Quyết định tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh 1968, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc 12 ngày đêm năm 1972, thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với Lào và Campuchia, giải phóng biển đảo và đặc biệt là cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 giành độc lập, thống nhất đất nước.
 
Nhà D67 là một công trình kiến trúc quân sự giản dị, là một trong các di tích văn hóa quân sự quý giá thời đại Hồ Chí Minh ở thế kỷ XX.

Đặc biệt, đoàn đã được hướng dẫn viên thuyết minh về các hiện vật được khai quật trong các khu khảo cổ của thành cổ khi tham quan khu bảo tàng; ngắm nhìn những bảo vật quốc gia phát lộ và được lưu giữ tại Hoàng thành Thăng Long như Lá đề chim phượng thời Lý, Bát thấu quang ngự dụng thời Lê Sơ hay bộ thành bậc rồng Điện Kính Thiên…

Đoàn tiếp tục đi thăm Hậu Lâu, hay còn được gọi là Tĩnh Bắc Lâu, là tòa lầu được xây phía sau Điện Kính Thiên, khi xưa là chốn hậu cung - nơi sinh hoạt của hoàng hậu, công chúa và các cung tần, mỹ nữ. Hậu Lâu xuất hiện từ sau đời hậu Lê, được xây theo kiến trúc hình hộp với ba tầng, kết hợp giữa kiến trúc cổ truyền Việt Nam và Pháp. Nét đặc trưng nhất của Hậu Lâu là độ dày của các bức tường, khiến các phòng luôn mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Cuối thế kỷ XIX, Hậu Lâu bị hư hỏng nặng, sau đó được người Pháp cho cải tạo, xây dựng lại như hiện nay.

Cuối cùng, Đoàn dừng chân ở Cổng hành cung, nơi canh gác của quân lính, nhằm giữ an toàn cho vua và hoàng tộc. Mỗi cổng hành cung là một công trình có thiết kế cầu kỳ, vững chãi, làm tôn vẻ tráng lệ của cung điện. Trong Khu di tích Thành cổ Hà Nội hiện còn tồn tại tám cổng hành cung. Chính nhờ những cổng hành cung này mà công việc xác định tọa độ các cung điện và lớp tường thành được chính xác hơn…

Buổi sinh hoạt Chuyên đề của Chi bộ Tạp chí Ngân hàng tại Hoàng thành Thăng Long diễn ra trọn vẹn trong một buổi sáng, khoảng thời gian chưa nhiều để mọi người có thể tìm hiểu thật kỹ về những câu chuyện và những di tích lịch sử nơi đây nhưng đây thực sự là một buổi sinh hoạt chuyên đề định kỳ đầy ý nghĩa. Thông qua buổi sinh hoạt chuyên đề, toàn thể đảng viên, viên chức, người lao động trong đơn vị đã được tham quan các di tích để có cái nhìn tổng thể, chiều sâu về di tích, hiểu thêm về lịch sử hình thành của Hoàng thành Thăng Long cũng như các giá trị văn hóa, lịch sử hàm chứa trong đó. Qua đó, trang bị thêm cho mình những kiến thức lịch sử của nước nhà, từ đó càng thêm yêu và tự hào về dân tộc Việt Nam, thấy mình có trách nhiệm học tập và rèn luyện để giữ gìn và phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc.

Dưới đây là một số hình ảnh của Chi bộ Tạp chí Ngân hàng trong buổi sinh hoạt chuyên đề: 

 

Đảng viên, viên chức, người lao động Tạp chí Ngân hàng dâng hương tưởng nhớ 52 vị vua các triều đại
tại Điện Kính Thiên
 
Chăm chú lắng nghe hướng dẫn viên thuyết minh về những cổ vật quốc gia tại phòng trưng bày hiện vật khảo cổ học thời kỳ Nhà Lý
 

Đoàn tham quan không gian trưng bày “Thăng Long - Hà Nội lịch sử nghìn năm từ lòng đất”
 
 

Tham quan phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương - nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng, đưa ra những quyết định lịch sử, đánh dấu những mốc son của cách mạng Việt Nam
 

Tham quan Di tích Nhà D67 - một trong các di tích văn hóa quân sự quý giá thời đại Hồ Chí Minh ở thế kỷ XX
 
 
Đảng viên, viên chức và người lao động Tạp chí Ngân hàng chụp ảnh lưu niệm tại Hoàng thành Thăng Long

Minh Tâm
Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục