Chạy đua lãi suất tiếp tục “nóng” (Ảnh minh họa) |
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sẽ điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động thêm 0,1 điểm % tại một số kỳ hạn kể từ ngày 29/8. Đối với gói Tài lộc, khách hàng ưu tiên hạng I và I Plus khi gửi số tiền từ 500 triệu đồng trở lên tại kỳ hạn 6 tháng sẽ được hưởng lãi suất tiết kiệm tăng thêm 0,1 điểm % so với trước đó, lên 6,1%/năm. Tương tự với khách hàng ưu tiên hạng E&P khi gửi tiền ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiết kiệm cũng tăng 0,1 điểm % lên 6%/năm.
Đối với gói "Chọn sống mới, trọn chất tôi", ACB cũng tăng thêm 0,1 điểm % lãi suất tại nhiều kỳ hạn. Theo đó, ở kỳ hạn 6 tháng, khách hàng gửi số tiền dưới 500 triệu đồng sẽ được hưởng lãi suất 6,1%/năm và 6,2%/năm với tiền gửi trên 500 triệu đồng, tăng 0,1 điểm %.
Với hình thức gửi online, tại kỳ hạn 6 tháng, ACB cũng tăng 0,1 điểm % lãi suất tiết kiệm so với trước. Tương tự với các kỳ hạn 7-8 tháng, lãi suất cũng tăng thêm 0,1 điểm % lên 5,7-5,9%/năm.
Một ngân hàng tư nhân khác là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng tăng lãi suất huy động tại một số kỳ hạn so với hồi đầu tháng. Cụ thể, với các kỳ hạn từ 7-8 tháng, lãi suất tiền gửi tăng 0,3 điểm % từ 5%/năm lên 5,3%/năm. Tại kỳ hạn dài hơn như 36 tháng, lãi suất tiền gửi tăng 0,2 điểm % lên 6,8%/năm. Với kỳ hạn 48 tháng và 60 tháng, ngân hàng tăng đến 0,4 điểm % lãi suất lên 6,8%/năm.
Không nằm ngoài cuộc chơi, các ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ hơn cũng thay đổi biểu lãi suất huy động kể từ cuối tháng 8 với mức lãi suất cao hơn hồi đầu tháng. Theo đó, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) sẽ áp dụng biểu lãi suất mới tăng ở đa số các kỳ hạn kể từ ngày 26/8. Đối với kỳ hạn ngắn từ 1-5 tháng, lãi suất tiền gửi của ngân hàng tăng 0,1 điểm % lên mức 4%/năm.
Với kỳ hạn 6-7 tháng, lãi suất tiết kiệm tăng thêm 0,15 điểm % lên 6,5%/năm. Với các kỳ hạn dài hơn như kỳ hạn 12 tháng trở lên, Bac A Bank tăng lãi suất thêm 0,1 điểm % lên 6,9-7%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã tăng lãi suất tiết kiệm ở một số kỳ hạn từ ngày 24/8 chủ yếu đối với hình thức gửi online. Chẳng hạn, tại kỳ hạn 9 tháng, lãi suất tiết kiệm tăng thêm 0,3 điểm % lên mức 6,9%/năm.
Liên quan đến việc các ngân hàng liên tục tăng lãi suất, chia sẻ trước đó, Tiến sĩ Kinh tế Ngô Ngọc Quang (Đại học Ngoại Thương) cho biết lãi suất huy động có xu hướng tăng trong thời gian qua chủ yếu là do 2 yếu tố: 1) Sự phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch và 2) Những tác động của lạm phát.
Cụ thể, về mặt cung cầu, nền kinh tế phục hồi sau đại dịch sẽ khiến cho nhu cầu về tín dụng quay trở lại. Từ đó, giá của tiền tệ hay nói cách khác là lãi suất cũng có thể nối gót đi lên. Nền kinh tế sau dịch bệnh vẫn còn nhiều khó khăn, dẫn đến thu nhập và tích lũy của người dân cũng đã không còn ở mức tự tin như trước. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải đưa ra một mức lãi suất hấp dẫn hơn, đủ để người dân hoãn sự chi tiêu ở hiện tại và tiết kiệm cho tương lai.
Bên cạnh đó, các cuộc xung đột địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng cũng đã khiến cho các hàng hóa thuộc nhóm nguyên nhiên liệu cơ bản và các hàng hóa thuộc nhóm thiết yếu leo thang. Điều này đã góp phần gia tăng áp lực lạm phát trên hầu hết các nước, khiến các ngân hàng trung ương lớn sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ và lãi suất. Việt Nam cũng chịu một số tác động nhất định từ những sự biến động này.
Theo ông Huỳnh Hoàng Phương, Trưởng khối phân tích, FIDT- công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn và quản lý tài sản, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi và nhu cầu vốn hiện tại là rất lớn, dễ thấy nhất là tín dụng 7 tháng đầu năm tăng 9,43%, đây cũng là mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Trong khi đó, huy động vốn 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng khoảng 4,51%, chậm hơn nhiều so với tốc độ mở rộng dư nợ cho vay.
Để đáp ứng nhu cầu vay lớn như thế, các ngân hàng đã phải liên tục huy động tiền gửi. Lãi suất tiết kiệm cũng theo đó mà tăng lên để thu hút thêm dòng vốn vào ngân hàng. Việc tăng cường huy động đã có những dấu hiệu khá rõ ngay từ đầu năm.
Bên cạnh đó, việc các ngân hàng tăng lãi suất còn có một phần là do bị ảnh hưởng bởi xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu. Lãi suất USD của các ngân hàng Việt Nam cũng tăng lên, gây ra một số áp lực nhất định cho lãi suất VND.
Hồng Giang
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|