Châu Âu lo ngại “đứt gãy” chuỗi cung ứng

(Banker.vn) Nền kinh tế châu Âu bắt đầu cảm nhận được những khó khăn từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng do khủng hoảng Trung Đông gây ra.
Thu hút đầu tư vào công nghiệp bán dẫn: Cơ hội cho Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu Lo ngại chuỗi cung ứng vận chuyển bị gián đoạn, giá cà phê xuất khẩu tiến tới vùng cao nhất Gián đoạn chuỗi cung ứng, giá xuất khẩu cà phê tiếp tục đi lên mức cao nhất

Áp lực chuỗi cung ứng

Dữ liệu công bố mới đây cho thấy, các doanh nghiệp châu Âu phải chờ đợi lâu hơn để có thể nhận được các đơn hàng nhập khẩu giao trong tháng 1/2024, sau khi diễn ra các vụ tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào các con tàu trở hàng lưu thông trên Biển Đỏ.

Theo ghi nhận, rất nhiều hãng vận tải biển quốc tế đã lựa chọn hành trình thay thế vòng qua Mũi Hảo Vọng ở châu Phi. Nếu giá vận tải tiếp tục tăng và đứng ở mức cao trong thời gian dài, tác động lan tỏa chính là sức ép lạm phát ở châu Âu, đẩy lùi kịch bản lãi suất hạ, vốn đang được các thị trường và chuyên gia kỳ vọng.

Simon Heaney, nhà nghiên cứu container tại công ty Drewry Shipping Consultants có trụ sở tại Anh, cho biết khách hàng của các công ty vận tải sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể từ sự gián đoạn này.

chau au
Gián đoạn chuỗi cung ứng do cuộc khủng hoảng ở Trung Đông đang bắt đầu tác động tới nền kinh tế châu Âu

Trong cuộc khảo sát được thực hiện với các nhà quản trị mua hàng thuộc các hãng chế tạo, cung cấp dịch vụ ở châu Âu cho hay, lần đầu tiên xuất hiện tình trạng kéo dài thời hạn giao hàng trong hơn một năm qua. Khảo sát cũng chỉ ra rằng tác động tiêu cực mà các doanh nghiệp châu Âu gặp phải có khả năng lan rộng. Một số tập đoàn sản xuất ô tô như Tesla hay Volvo đã thông báo trì hoãn hoạt động giao hàng do đứt gãy vận tải ảnh hưởng tới sản xuất.

Theo dữ liệu từ khảo sát PMI của S&P Global, chỉ số về thời gian chờ cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đã giảm từ 53,2 điểm vào tháng 12/2023 xuống còn 48,6 điểm trong tháng 1. Điểm dưới 50 cho thấy thời gian chờ đang kéo dài hơn. Anh thậm chí chịu tác động nặng nề hơn khi chỉ số này giảm từ 51,3 điểm xuống còn 43,1 điểm trong cùng giai đoạn.

Nguy cơ bùng phát khủng hoảng

Trước đó, từ năm 2020, thời gian giao hàng trễ gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng là một phần nguyên nhân khiến lạm phát toàn cầu tăng mạnh kể từ giữa năm 2021. Các nhà kinh tế và giới lãnh đạo ngân hàng trung ương lo ngại “đứt gãy” mới nhất có thể cũng sẽ tạo ra tác động tương tự về giá tiêu dùng, dù quy mô có thể nhỏ hơn.

Theo giới chuyên gia, “đứt gãy” hiện tại của chuỗi cung ứng không thể so sánh được so với thời kỳ phong tỏa cấp độ toàn cầu trong năm 2020 và 2021, do đại dịch Covid-19. Do đó, tác động kinh tế vì thế chắc chắn cũng sẽ nhỏ hơn.

Tuy nhiên, rạn nứt nguồn cung lần này xuất hiện ở thời điểm quan trọng của lĩnh vực vận tải toàn cầu, khi các nhà máy tại Trung Quốc đang nỗ lực giao hàng cho khách hàng tại nước ngoài trước khi đóng cửa nghỉ Tết Nguyên Đán 2024.

chau au
Nếu cước vận tải biển ngày càng tăng và kéo dài, châu Âu sẽ lại hứng chịu áp lực lạm phát

Ông Ryan Petersen, Giám đốc điều hành nền tảng logistic toàn cầu Flexport, cho biết: “Khoảng thời gian 2-3 tuần trước Tết luôn là mùa vận chuyển lớn. Các nhà máy tại Trung Quốc sẽ đóng cửa từ 1-4 tuần. Vì vậy, khách hàng muốn hàng hóa được chuyển đi ngay trước dịp này”.

Các doanh nghiệp châu Âu thuộc nhóm dễ bị tổn thương thương tức thì từ đứt gãy vận tải trên Biển Đỏ, khi mà 40% giao dịch thương mại với châu Á thường đi qua cung đường này. Tuy nhiên, thời gian vận chuyển kéo dài do phải đi qua Mũi Hảo Vọng cũng làm giảm năng lực vận tải biển toàn cầu.

Trong lĩnh vực thực phẩm, công ty Danone của Pháp sẽ triển khai các kế hoạch giảm thiểu rủi ro, bao gồm việc sử dụng các giải pháp thay thế như: vận tải hàng không nếu tình trạng gián đoạn tại Biển Đỏ kéo dài hơn 2 tháng hoặc thậm chí là 3 tháng.

Trong lĩnh vực bán lẻ, Tập đoàn Pepco, công ty đang điều hành gần 3.500 chuỗi cửa hàng bán lẻ Poundland trên khắp châu Âu, cảnh báo về sự tăng cao của chi phí vận chuyển và tình trạng chậm trễ của việc giao hàng do gián đoạn tại Biển Đỏ, đồng thời lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong thời gian tới.

Hiện tại, một số tàu vẫn đang đi qua kênh đào Suez. Theo nhiều nhà phân tích, các công ty Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng lớn từ xung đột tại Biển Đỏ, do đây là tuyến đường quan trọng để vận chuyển hàng hóa từ nước này đến châu Âu, đối tác thương mại hàng đầu. Thậm chí, nền kinh tế số hai thế giới kêu gọi các bên có liên quan đảm bảo hàng hải tại Biển Đỏ.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương