Châu Âu “gặp khó” trên con đường trở lại vị thế siêu cường

(Banker.vn) Tờ Le Soir của Bỉ cho rằng, nhiều thách thức đang chờ đợi nhiệm kỳ sắp tới của Nghị viện châu Âu.
Châu Âu phát triển dự án lưu trữ năng lượng dưới lòng đất Các ngân hàng châu Âu đang đối diện với lệnh trừng phạt? Các nước Trung Âu sử dụng ''công cụ khí đốt'' gây áp lực lên Liên minh châu Âu

Theo đó, châu Âu cần tổ chức lại khả năng phòng thủ để đối phó với mối đe dọa quân sự từ Nga, cần lấy lại sức mạnh để cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc, đồng thời cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số, bảo vệ nền dân chủ… Để giải quyết những thách thức này, Liên minh châu Âu (EU) cần chuyển mình về sức mạnh chính trị, kinh tế, quân sự…

An ninh và kinh tế

Liên tiếp bị ảnh hưởng bởi đại dịch và chiến sự, EU đã chậm hành động để ngăn chặn đà suy thoái. Tổng thống Pháp Macron khẳng định: “Không có sức mạnh nào mà không cần tới cơ sở kinh tế”.

Dự báo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, tốc độ tăng trưởng của khu vực đồng Euro trong năm 2024 chỉ là 0,6%, trong khi ở Mỹ là 2,1%. Theo báo cáo về thị trường chung của cựu Thủ tướng Italia Enrico Letta, “vào năm 1993, châu Âu và Mỹ có nền kinh tế với quy mô tương đương nhau. Kể từ đó, trong khi GDP bình quân đầu người tăng 60% ở bên kia Đại Tây Dương, thì ở châu Âu là chưa đến 30%”. Mỹ dành 3,5% GDP cho nghiên cứu và đổi mới, so với mức 2,2% ở khu vực đồng tiền chung Euro.

Ngoài ra, năng lượng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Theo bà, chi phí năng lượng tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như thép, thủy tinh, xi măng, hóa chất hoặc phân bón. Bà kêu gọi đẩy mạnh triển khai các nguồn năng lượng tái tạo, khi chúng vừa rẻ hơn và vừa được sản xuất tại chỗ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng ca ngợi lợi ích của các hiệp định thương mại: “90% tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ diễn ra bên ngoài EU trong những năm tới. Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực cho một nền thương mại cởi mở và công bằng mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp”. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh cần thực hiện các biện pháp bảo hộ thương mại một cách khôn ngoan.

Ngân sách là vấn đề “sống còn”

Nhiệm kỳ lập pháp tới sẽ sớm phải phải đối mặt với một vấn đề vô cùng quan trọng là ngân sách, theo đó Ủy ban Điều hành Cộng đồng cần đưa ra đề xuất Khung tài chính dài hạn (MFF) ngay từ tháng 6/2025. Tại hội nghị thường niên về ngân sách châu Âu, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhắc nhở: “Ngân sách là một câu chuyện, câu chuyện về các ưu tiên và ý nghĩa của chúng đối với người dân”. Khung ngân sách 2021-2027 được phân bổ 1.200 tỷ Euro, tương đương khoảng 180 tỷ Euro/năm, trong đó 1/3 chi tiêu dành cho các chính sách gắn kết, 1/3 chi tiêu dành cho chính sách nông nghiệp chung - một khuôn khổ cứng nhắc được xác định trước đại dịch và chiến tranh nhằm không cho phép EC thâm hụt ngân sách.

Châu Âu “gặp khó” trên con đường trở lại vị thế siêu cường
Nhiều thách thức đang chờ đợi nhiệm kỳ sắp tới của Nghị viện châu Âu. Ảnh: AP

Trong khi đó, Stéphanie Riso, Giám đốc điều hành Ngân sách Ủy ban châu Âu, cho biết: “Tất cả đều nhất trí về các mối ưu tiên: khả năng cạnh tranh, vấn đề Ukraine, vấn đề nhập cư. Tuy nhiên, phải mất 8 tháng và 3 cuộc họp của Hội đồng châu Âu để đạt được thỏa thuận trị giá 20 tỷ Euro”.

Enrico Letta xác nhận: “Ngân sách cho nhiều năm tới đây sẽ phải là ‘bộ khuếch đại’ cho các chính sách và ưu tiên của liên minh. Ngân sách sẽ là chủ đề tranh luận then chốt trong những năm tới vì khoảng cách ngày càng tăng giữa kỳ vọng của người dân, các bên liên quan, các quốc gia thành viên và thực tế. Sẽ không có cách thức duy nhất để chi tiêu cho tất cả các thách thức, mà cần có nhiều công cụ vì nhu cầu là rất lớn”.

Trong báo cáo mới nhất về triển vọng EU, Ủy ban châu Âu đã cộng dồn 620 tỷ euro (mỗi năm) cho Hiệp ước xanh và đầu tư năng lượng, 125 tỷ Euro cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Cần phải bổ sung một khoản cho quốc phòng và gói hỗ trợ trị giá 50 tỷ Euro (trợ cấp và cho vay) cho Ukraine dự kiến trong giai đoạn 2024-2027, 455 tỷ Euro ước tính dành cho tái thiết quốc gia này trong 10 năm, cho dù không ai có thể dự đoán chiến sự sẽ kết thúc khi nào và bằng cách nào.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde ước tính, các công ty EU “có thể huy động thêm khoảng 470 tỷ Euro/năm trên thị trường vốn nếu EU có thể hoàn thành việc thống nhất thị trường vốn”. Tuy nhiên, trước khi tạo ra “sự thống nhất giữa tiết kiệm và đầu tư”, điều còn hấp dẫn hơn “sự thống nhất thị trường vốn”, sẽ cần nhiều cuộc thảo luận giữa các quốc gia thành viên.

Mở rộng châu Âu

Nhiệm kỳ lập pháp sắp tới nếu chưa phải lúc mở rộng thì sẽ là thời điểm để thảo luận sâu hơn về quy mô của EU. Lời hứa dành cho Ukraine, Moldova, Gruzia và các nước Tây Balkan về vị trí trong gia đình châu Âu đòi hỏi các nước ứng viên phải thực hiện một lộ trình đầy thử thách để điều chỉnh theo luật pháp, tiêu chuẩn và giá trị châu Âu. Bên cạnh đó, 27 quốc gia thành viên phải thống nhất về các ưu tiên chung, từ đó dẫn đến các cuộc thảo luận về các nguồn tài chính và tổ chức thể chế cần thiết.

Mặc dù Charles Michel đặt mục tiêu đến năm 2030, cả 2 bên đều sẽ “sẵn sàng”, tối thiểu về mặt kỹ thuật và pháp lý, nhưng không phải tất cả các quốc gia thành viên đều có chung quan điểm. Đối với một số quốc gia, trong đó có Bỉ, các cải cách nội bộ phải diễn ra trước khi mở rộng, trái ngược với những lần mở rộng trước đây.

Romano Prodi, người từng là Chủ tịch Ủy ban châu Âu 20 năm trước, nhắc lại: “Trước đợt mở rộng quy mô lớn vào năm 2004, chúng ta đã có một cam kết rõ ràng: các quy tắc cần phải thay đổi. Nhưng chúng ta chỉ thực hiện những thay đổi nhỏ. Ngày nay, tuyệt đối cần phải thực hiện việc này”. Trong ngắn hạn, điều này có thể sẽ không dẫn đến việc sửa đổi các hiệp ước, do thiếu sự quan tâm của các lãnh đạo quốc gia và các chính phủ.

Quốc gia mới nhất lên tiếng về vấn đề này là Ba Lan, theo Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski: “Về việc xem xét lại các thỏa thuận của châu Âu, tôi không chắc chắn rằng điều này là cần thiết”.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng bày tỏ quan điểm tương tự: “Hiệp ước Lisbon đã cho phép làm rất nhiều việc”. Trong khi đó, Đức và Pháp ủng hộ mở rộng cơ chế bỏ phiếu theo đa số trong lĩnh vực chính sách đối ngoại và thuế quan, nhằm tránh tình trạng quyền phủ quyết gây tê liệt liên minh. Tuy nhiên, khối động cơ Pháp-Đức vẫn chưa đủ sức kéo theo cả đoàn tàu châu Âu.

Dù vậy, những chỉnh sửa thể chế có thể mang lại một số sắc thái mang tính dân chủ hơn đối với hoạt động của các tổ chức, như việc 800 người dân đã đầu tư thời gian và công sức tổ chức một hội nghị về tương lai của châu Âu song kết quả của nó đã bị các tổ chức che đậy. Đây là một dấu hiệu tồi tệ, vì trong mỗi cuộc bầu cử, EU đều cam kết thoát khỏi cái bóng của mình để xích lại gần người dân châu Âu hơn.

Từ ngày 6-9/6/2024, tương lai của châu Âu sẽ phụ thuộc vào các hòm phiếu. Theo các cuộc thăm dò dư luận, những người ủng hộ tích cực cho phe cực hữu có thể giành được 1/4 số ghế trong Nghị viện châu Âu, nơi họ hy vọng sẽ chôn vùi dự án châu Âu. Quả thực, các vấn đề đặt ra cho nhiệm kỳ lập pháp sắp tới đều mang tính nền tảng, thậm chí là sống còn. Chúng không chấp nhận sự trì trệ hay chia rẽ, điều mà 27 quốc gia thành viên EU đã tránh được trong 5 năm qua để bảo vệ sự đoàn kết trong những hoàn cảnh rất khó khăn.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục