Châu Á xuất khẩu than và sản xuất điện than tăng kỷ lục

(Banker.vn) Theo Tổ chức tư vấn môi trường Ember, năm 2023 sản lượng điện từ than trên toàn thế giới đạt mức cao kỷ lục, trong đó tập trung ở khu vực châu Á.
Châu Á trở thành động lực chính cho sự tăng trưởng nhu cầu khí đốt toàn cầu năm 2024 Xuất khẩu than và sản xuất điện toàn cầu đạt mức cao kỷ lục mới Xuất khẩu than của Nga sang Đông Nam Á tăng 47%

Tổ chức tư vấn môi trường Ember cho biết, năm 2023, sản lượng điện từ than trên toàn thế giới đạt mức cao kỷ lục mới, trong khi xuất khẩu than lần đầu tiên vượt 1 tỷ tấn do việc sử dụng than dùng cho nhiệt điện (than nhiệt) trong các hệ thống điện tiếp tục tăng bất chấp những nỗ lực mạnh mẽ nhằm cắt giảm nhiên liệu hóa thạch.

Theo tổ chức tư vấn môi trường Ember, tính đến tháng 10/2023, sản lượng điện đốt than là 8.295 terawatt giờ (TWh), tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức cao nhất được ghi nhận. Dữ liệu theo dõi tàu biển từ Kpler cho thấy, năm 2023, tổng xuất khẩu than nhiệt là 1,004 tỷ tấn, tăng 62,5 triệu tấn, tương đương 6,6% so với năm 2022. Ember cho biết, tính đến tháng 10/2023, lượng khí thải từ sản xuất điện đốt than cũng đạt mức cao mới, vượt quá 7,85 tỷ tấn CO2 tương đương, nhiều hơn khoảng 66,7 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Tập trung chủ yếu ở khu vực châu Á

Việc khai thác và xuất khẩu than cũng như việc sử dụng than trong sản xuất điện tập trung chủ yếu ở châu Á, trong khi nhiều nơi khác trên thế giới bao gồm châu Âu và Bắc Mỹ đã áp dụng các biện pháp giảm dần. Tuy vậy, ngay cả khi khu vực địa lý sử dụng và buôn bán than đang bị thu hẹp, khối lượng khai thác, xuất khẩu và tiêu thụ hoàn toàn trong các nhà máy điện vẫn có xu hướng gia tăng.

Năm 2023, Indonesia là nước xuất khẩu than hàng đầu, với mức kỷ lục 505,4 triệu tấn, tăng 54 triệu tấn hay 12% so với mức của năm 2022. Theo dữ liệu của Kpler, đây là lần đầu tiên, Indonesia chiếm hơn 50% tổng lượng vận chuyển than nhiệt trong một năm. Australia là nước xuất khẩu than nhiệt lớn thứ hai, với 198 triệu tấn, tăng 12,5 triệu tấn (7%) so với năm 2022. Tiếp theo đó là Nga, Nam Phi và Colombia, xuất khẩu lần lượt 103 triệu tấn, 60 triệu tấn và 51 triệu tấn cũng trong năm 2023.

Trung Quốc đang là nước nhập khẩu than lớn nhất của Nga
Trung Quốc đang là nước nhập khẩu than lớn nhất (Ảnh: Minh họa)

Về mặt nhập khẩu, Trung Quốc là nước mua than nhiệt nhiều nhất, với mức kỷ lục 325 triệu tấn, cao hơn 109 triệu tấn so với tổng lượng của năm 2022. Xếp thứ 2 là Ấn Độ, với mức nhập khẩu 172 triệu tấn, tiếp theo là Nhật Bản - 109 triệu tấn, Hàn Quốc - 80 triệu tấn và Đài Loan (Trung Quốc) - 51 triệu tấn.

Ngoài ra, các nhà nhập khẩu đáng chú ý khác còn có Philippines - 37 triệu tấn và Việt Nam - 31 triệu tấn, cả hai đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ ở mức hai con số trong nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2022.

Tương lai cho năng lượng tái tạo?

Cũng theo dữ liệu của Ember, năm 2023, tại các quốc gia nhập khẩu than lớn, sản lượng điện đốt than tăng so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể ở Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Sản lượng đốt than giảm 8,2% ở Nhật Bản và 4% ở Hàn Quốc, nhưng mức giảm đó gần như được bù đắp bằng mức tăng chỉ riêng ở Việt Nam trong năm ngoái.

Ember cho biết thêm, trên toàn cầu, khoảng 82% tổng sản lượng điện đốt than diễn ra ở châu Á vào năm 2023, tăng từ mức trung bình khoảng 75% vào năm 2019. Tại châu lục này, tỷ lệ sử dụng và nhập khẩu than sẽ tiếp tục tăng khi các khu vực khác tiếp tục giảm tiêu thụ than. Tổng khối lượng than nhập khẩu và tiêu thụ để sản xuất điện của châu Á cũng có khả năng sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là ở các quốc gia có nền kinh tế lớn và đang phát triển nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines và Indonesia, nơi nguồn năng lượng giá rẻ vẫn rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của ngành.

Những quốc gia này cũng cam kết thúc đẩy việc triển khai các nguồn năng lượng tái tạo, nhưng trong tương lai, tổng lượng than sử dụng và lượng khí thải ở các nước này có khả năng còn gia tăng hơn nữa.

Việc tiếp tục mở rộng sử dụng than và phát thải đưa ra lời nhắc nhở rõ ràng cho các nhà theo dõi khí hậu rằng, ngay cả khi các nguồn năng lượng mặt trời, gió và năng lượng sạch khác được triển khai với tốc độ kỷ lục, nhiên liệu năng lượng gây ô nhiễm cao vẫn không thể thiếu trong các hệ thống năng lượng quan trọng.

Thu Hường tổng hợp từ Reuters

Theo: Báo Công Thương