Chất lượng tài sản ngân hàng vẫn là ‘quan ngại’ lớn với tăng trưởng kinh tế

(Banker.vn) Kinh tế Việt Nam đang phục hồi, tăng trưởng tín dụng cải thiện, tuy nhiên chất lượng tài sản ngân hàng vẫn là “quan ngại” lớn.
Tài sản của các ngân hàng tăng cao MSB đa dạng hóa doanh thu, lãi đậm ở mảng ngoại hối Tổng tài sản hệ thống ngân hàng vượt 21 triệu tỷ đồng

Tổng số nợ được coi là xấu lên đến 7,9%

Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 8/2024 của WB đưa ra nhận định, kinh tế nước ta đang phục hồi, tăng trưởng tín dụng có cải thiện. Tuy nhiên, chất lượng tài sản ngân hàng vẫn là “quan ngại” lớn.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng được cải thiện từ sau giai đoạn tăng rất chậm hồi đầu năm 2024. Tính đến cuối tháng 6/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 13,5% so cùng năm trước, chủ yếu là nhờ vào các hoạt động xuất khẩu, sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo, bất động sản, thương mại, vận tải và viễn thông được cải thiện.

Tuy nhiên, số liệu mới nhất về cho vay tiêu dùng của các ngân hàng lại cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng vẫn yếu, khi các khoản vay mua nhà và mua ô tô giảm trong Quý 1/2024 so với cuối năm 2023. Tổng tín dụng cho vay tiêu dùng Quý 1 năm nay chỉ tăng 6,8% so cùng kỳ năm trước và thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,1% trong 5 năm trước đây.

“Chất lượng tài sản ngân hàng vẫn là một mối quan ngại kể từ năm 2023 khi tỷ lệ nợ xấu và dự phòng tổn thất tín dụng tăng lên” - chuyên gia WB nhận định.

Theo đó, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng tăng mạnh, từ 1,9% năm 2022 lên 4,6% tổng dư nợ cho vay năm 2023, chủ yếu do ghi nhận nợ xấu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB). WB cho rằng, tổng nợ vay được coi là xấu có thể lên đến 7,9% nếu tính cả các khoản vay được tái cơ cấu và nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Nếu không được cơ cấu nợ, giãn nợ, chắc chắn nợ xấu của doanh nghiệp bất động sản sẽ phình to trong thời gian tới.
Chất lượng tài sản ngân hàng vẫn là một mối quan ngại kể từ năm 2023 khi tỷ lệ nợ xấu và dự phòng tổn thất tín dụng tăng lên

Thực tế, số liệu mới nhất cho Quý I/2024 cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của 27 ngân hàng thương mại niêm yết, chiếm 83% tổng dư nợ tín dụng trong khu vực ngân hàng, tăng từ 1,9% trong Quý 4/2023 lên 2,2% trong Quý I/2024, trong điều kiện nợ xấu tăng kết hợp với tăng trưởng tín dụng chững lại. Ngoài ra, các biện pháp gia hạn cơ cấu nợ nhằm ứng phó đại dịch Covid-19 dự kiến chấm dứt vào tháng 12/2024, có thể khiến cho tỉ lệ nợ xấu còn cao hơn nữa.

Đánh giá về diễn biến nợ xấu trên thị trường, giới chuyên gia phân tích cho rằng, nhu cầu dự kiến về tăng dự phòng, bổ sung dự phòng tổn thất vốn vay, đang tạo thêm áp lực cho lợi nhuận của các ngân hàng vốn đã bị co kéo do thu nhập ròng tiền lãi, phí và hoa hồng đang chững lại.

Về lãi suất, qua quan sát thị trường, mặc dù lãi suất qua đêm của Việt Nam gần đây đã tăng, nhưng chênh lệch lãi suất qua đêm giữa hai đồng tiền VND - USD vẫn ở mức đáng kể, khoảng 166 điểm cơ bản, trong nửa đầu năm 2024. Do đó, vẫn khiến dòng vốn chảy ra nước ngoài do các nhà đầu tư tìm kiếm lợi suất tốt hơn. Hơn nữa, do đồng đô-la Mỹ mạnh lên, tỷ giá tăng từ 24.258 VND trong tháng 12/2023 lên 24.760 VND vào cuối tháng 3/2024. Những diễn biến này được cho là đã tạo áp lực cho đồng nội tệ và làm dấy lên quan ngại về khả năng đồng tiền tiếp tục bị mất giá.

Theo các chuyên gia của WB, do người dân tìm kiếm công cụ đầu tư khác như vàng, nên nhu cầu mua vàng trong nước tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước, kết hợp với các biện pháp kiểm soát nguồn cung, khiến cho vàng bị đội giá cao gây ra tình trạng mua và nhập khẩu vàng phi chính thức tăng lên. “Kết quả là khoản mục “Lỗi và sai sót” - bao gồm dòng vốn ra nước ngoài phi chính thức, tăng gấp 4 lần, từ 1,9% GDP trong Quý 4/2023 lên 7,9% (8 tỷ USD) trong Quý1/2024, cao hơn nhiều so với mức bình quân 2,5% trong các năm 2017 - 2019, dẫn tới cán cân thanh toán bị thâm hụt ở mức thấp (-1,37 tỷ USD), mặc dù tài khoản vãng lai và tài khoản tài chính đều thặng dư” - WB đánh giá.

Trước những diễn biến của tỷ giá, thanh khoản trên thị trường ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các biện pháp bao gồm can thiệp trên thị trường ngoại hối và thắt chặt thanh khoản nhằm giảm áp lực lên tỷ giá đồng Việt Nam. Cụ thể, nhà điều hành đã giảm tỷ giá trung tâm 1,2% từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2024, cho phép tỷ giá thị trường giảm thêm 3,6% trong cùng kỳ; đồng thời áp dụng các biện pháp can thiệp ngoại hối để giảm áp lực tỷ giá đồng Việt Nam như: Dự trữ ngoại hối theo ước tính đã giảm từ 90 tỷ USD trong tháng 12/2023 xuống khoảng 83 - 84 tỷ USD vào cuối tháng 6/2024 (tương đương 2,7 tháng trị giá nhập khẩu). Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã hút thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng vào giữa tháng 3/2024 bằng cách phát hành tín phiếu với lãi suất cao hơn (4,25%). Các biện pháp đó đẩy lãi suất liên ngân hàng qua đêm từ mức 0,9% trong tháng 3/2024 lên 3,25% trong tháng 5/2024, trước khi hạ xuống còn 2,8% trong tháng 6/2024.

“Lãi suất liên ngân hàng tăng lên làm giảm áp lực cho tiền đồng Việt Nam” - chuyên gia WB khẳng định.

Chất lượng tài sản ngân hàng vẫn là ‘quan ngại’ lớn với tăng trưởng kinh tế
Việt Nam cần tận dụng được quỹ bảo hiểm xã hội, xem đây là một nguồn lực chủ đạo tiềm năng trong việc thúc đẩy phát triển thị trường vốn

Tìm nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế

Việt Nam cần phát triển thị trường vốn mạnh mẽ tạo ra nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế thay vì đang phụ thuộc nhiều từ nguồn vốn ngân hàng. Đó có thể là kênh trái phiếu và thị trường chứng khoán. Thực tế là vấn đề vốn cho nền kinh tế, bên cạnh nguồn vốn từ ngân hàng, đã được đề cập rất nhiều lần tại các cuộc hội thảo, diễn đàn nhưng vẫn chưa giải quyết được tận gốc vấn đề.

Để Việt Nam khai mở ra tiềm năng của thị trường vốn, chuyên gia WB cho rằng, cần phải vượt qua một số rào cản cụ thể nhằm đảm bảo tăng trưởng lành mạnh và bền vững. Trong đó, cần tận dụng được quỹ bảo hiểm xã hội, xem đây là một nguồn lực chủ đạo tiềm năng trong việc thúc đẩy phát triển thị trường vốn.

Các chuyên gia đánh giá, bảo hiểm xã hội là nhà đầu tư tổ chức lớn nhất ở Việt Nam, quản lý một danh mục tương đương 10% GDP, lớn hơn toàn bộ các nhà đầu tư tổ chức trong nước khác cộng lại. Song do các quy định pháp lý, tài sản của bảo hiểm xã hội đang tập trung chủ yếu vào trái phiếu chính phủ.

Nếu bảo hiểm xã hội đa dạng hóa đầu tư sang các thị trường chứng khoán doanh nghiệp như cổ phiếu và trái phiếu, sự đầu tư của bảo hiểm xã hội sẽ hỗ trợ sự phát triển của các thị trường đó qua đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư và tạo ra tình trạng ổn định tương đối với tư cách là nhà đầu tư dài hạn.

“Nếu được triển khai hợp lý theo từng bước nhỏ, đa dạng hóa đầu tư sẽ làm tăng lợi nhuận đầu tư cho bảo hiểm xã hội về lâu dài” - WB khuyến nghị và cho rằng cần có khung chính sách mạnh mẽ hơn để bảo hiểm xã hội trở thành nhân tố chính thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn.

Bên cạnh đó, một nguồn lực được giới phân tích đề cập nhiều, đó là hàng tỷ USD của các quỹ đầu tư toàn cầu sẽ được rót vào các thị trường vốn nếu Việt Nam được nâng cấp thành thị trường mới nổi. Vì thế, Việt Nam cần từng bước đa dạng hóa kênh đầu tư quỹ của bảo hiểm xã hội để cải thiện lợi nhuận dài hạn, tăng nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư vào khu vực doanh nghiệp.

Duy Minh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục