Xử lý nghiêm những vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn
Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, từ năm 2018 đến nay, các Tòa án đã giải quyết được 2.427.859 vụ án các loại trong tổng số 2.490.699 vụ án đã thụ lý. So với cùng kỳ của 05 năm trước (2013-2017), số lượng các vụ án Tòa án phải giải quyết tăng 507.849 vụ; đã giải quyết tăng 487.903 vụ.
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình |
Mặc dù số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều và có tính chất ngày càng phức tạp nhưng các Tòa án đã chủ động triển khai thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử.
Đặc biệt, năm 2022, số lượng các loại vụ việc thụ lý tăng 29.944 vụ so với năm trước nhưng các Tòa án đã giải quyết đạt tỷ lệ 88,9%, cao hơn năm trước 7,7%. Hầu hết các vụ việc được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật. Chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan được hạn chế ở mức thấp (dưới 1,5%), đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Về giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, trong 5 năm qua (từ 2018-2022), các Tòa án đã thụ lý 38.783 vụ; đã giải quyết, xét xử được 35.561 vụ. Số liệu thống kê qua các năm cho thấy, số lượng các vụ án hành chính có xu hướng tăng dần qua các năm với tính chất các vụ án ngày càng phức tạp.
Quá trình giải quyết, các Tòa án đã chú trọng tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện; khắc phục việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ vụ án, thu thập đầy đủ chứng cứ cần thiết nhằm đảm bảo giải quyết vụ án đúng pháp luật; tăng cường đối thoại trong quá trình giải quyết để nâng cao tỷ lệ các vụ án được đối thoại thành, góp phần giải quyết triệt để các tranh chấp làm phát sinh kiếu kiện các vụ án hành chính…
Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đột phá, năm 2022, các Tòa án đã thụ lý 11.746 vụ; đã giải quyết, xét xử được 8.524 vụ (so với năm 2021, thụ lý tăng 1.018 vụ; đã giải quyết, xét xử tăng 2.831 vụ); đạt tỷ lệ 72,6%; vượt 12,6% so với chỉ tiêu theo Nghị quyết Quốc hội.
Về giải quyết, xét xử các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, trong 5 năm qua (từ 2018-2022), các Tòa án đã thụ lý 12.723 vụ với 26.376 vụ; đã giải quyết, xét xử được 12.244 vụ với 25.144 bị cáo; trong đó, năm 2022, các Tòa án đã thụ lý 3.405 vụ với 7.653 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 2.926 vụ với 6.421 bị cáo.
Các vụ án kinh tế, tham nhũng mà Tòa án đã xét xử chủ yếu là phạm các tội về “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”, “Tham ô tài sản”, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”...
Quá trình giải quyết, các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; đồng thời, chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại.
Đáng chú ý, đã xử lý nghiêm các vụ án, nhất là những vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm; đồng thời chú trọng tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với các bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Về giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, trong 5 năm qua (từ 2018-2022), tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao phải giải quyết là 46.226 đơn/vụ; đã giải quyết được 41.166 đơn/vụ.
Năm 2022, với việc tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp đề ra, Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao đã giải quyết được 8.403/13.463 đơn/vụ, đạt tỷ lệ 62,4%; vượt 2,4% so với chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.
Giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng còn gặp khó khăn
Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan. Chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án tiếp tục được nâng lên tuy nhiên tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tỷ lệ giải quyết đơn yêu cầu tuyên bố phá sản còn chưa cao.
Việc giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng còn gặp khó khăn, vướng mắc như: Nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về một số quy định của pháp luật còn chưa thống nhất; việc xác định thiệt hại thực tế trong một số trường hợp rất khó khăn, việc giám định thiệt hại thường bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án…
Trong thời gian tới, Tòa án nhân dân các cấp, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao sẽ thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ rà soát, phát hiện bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật để đề xuất phát triển thành án lệ; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/2023/CT-CA ngày 03/01/2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, trong đó giao chỉ tiêu cho các Tòa án trong việc đề xuất bản án là nguồn để phát triển án lệ.
Bên cạnh đó, phát động phong trào thi đua đề xuất án lệ, đưa nội dung “có bản án, quyết định được lựa chọn phát triển thành án lệ” là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng đối với Thẩm phán và các chức danh tư pháp trong Tòa án. Tăng cường công tác truyền thông về án lệ; huy động, khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn tham gia đề xuất các bản án phát triển án lệ. Nâng cao chất lượng viết bản án, tạo nguồn để phát triển án lệ. Tăng cường công tác tập huấn kĩ năng viết bản án cho các Thẩm phán trong cả nước (bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến); kỹ năng viện dẫn và áp dụng án lệ.
Quỳnh Nga
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|