Chặng đường gia nhập EU của Ukraine: Niềm vui ngắn ngủi?

(Banker.vn) Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động đàm phán về vấn đề Ukraine và Moldova gia nhập khối này, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình gia nhập EU.
Tổng thống Putin: Nga sẵn sàng đàm phán hòa bình ở Ukraine; thế giới đa cực đã trở thành hiện thực Ukraine “thăng hạng” trên thứ bậc “con nợ” của IMF Nga ngăn chặn Ukraine tập kích tàu sân bay, nêu điều kiện khởi động hòa đàm

Các nhà phân tích cho rằng, sự khởi đầu này sẽ gây nhiều tác động đến các bên liên quan như Ukraine, Moldova, EU... Tuy nhiên, vấn đề Ukraine và Moldova gia nhập EU vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), các nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận vào ngày 21/6, quyết định khởi động tiến trình đàm phán về vấn đề Ukraine và Moldova gia nhập EU vào ngày 25/6, đồng thời phê chuẩn khuôn khổ đàm phán.

Ngay sau đó, lễ khởi động đàm phán việc Ukraine và Moldova gia nhập EU đã được tổ chức. Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib tham dự buổi lễ và phát biểu đại diện EU. Bỉ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên EU năm 2024. Phó thủ tướng Ukraine phụ trách hội nhập châu Âu Olha Stefanishyna cho biết, ngày này là một “ngày trọng đại” đối với Ukraine.

Khởi đầu khó khăn

Đã hơn 2 năm kể từ khi Ukraine và Moldova nộp đơn xin gia nhập EU. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine leo thang vào tháng 2/2022, Ukraine đã khởi động trình tự xin gia nhập EU trong cùng tháng. Tháng 3/2022, Moldova cũng nộp đơn xin gia nhập EU cùng với Gruzia. Đồng thời, quá trình mở rộng về phía Đông của EU cũng được khởi động trở lại sau thời gian dài “ngủ đông”. Tháng 6/2022, Ủy ban châu Âu (EC) đã phê chuẩn Ukraine và Moldova trở thành các nước ứng cử viên của EU.

Chặng đường gia nhập EU của Ukraine: Niềm vui ngắn ngủi?
Ngày 25/6, EU đã chính thức khởi động các cuộc đàm phán với Ukraine và Moldova về vấn đề kết nạp thành viên. Ảnh: Sofiaglobe

Tháng 11/2023, EC đã công bố báo cáo đánh giá hằng năm về việc gia nhập EU, kiến nghị EC khởi động đàm phán với Ukraine và Moldova về việc gia nhập EU. Khi đó Ukraine và Moldova chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cải cách của EU, nhưng EC đã “bật đèn xanh” cho 2 nước này đàm phán gia nhập EU. Mặc dù vậy, tháng 12/2023, Hội đồng EU đã quyết định khởi động đàm phán về vấn đề Ukraine và Moldova gia nhập EU. Sau đó, tiến trình Ukraine và Moldova gia nhập EU bị chậm lại. Hiện tại, EU đang khởi động đàm phán về vấn đề 2 nước gia nhập khối. Nút thắt này dường như không phải ngẫu nhiên.

Đầu tiên, bắt đầu từ ngày 1/7, Hungary sẽ thay Bỉ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên EU cho đến ngày 31/12/2024. Trong 6 tháng tới, Hungary sẽ xây dựng chương trình nghị sự hằng tuần, đồng thời tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng tại Brussels để quyết định những chủ đề nào nên được ưu tiên. Lập trường trước đây của Hungary về vấn đề xung đột Nga-Ukraine gây lo ngại về việc tiến trình Ukraine gia nhập EU có thể bị hoãn lại nửa năm. Thủ tướng Orban coi việc chấm dứt xung đột Nga-Ukraine là một trong những ưu tiên hàng đầu, đồng thời đề cập đến tiến trình các nước Tây Balkan gia nhập EU.

Thứ hai, kết quả của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu được tổ chức đầu tháng 6/2024 đã gây chấn động chính trường châu Âu. Tại Pháp, sẽ tổ chức cuộc bầu cử quốc hội sớm, các đảng cực hữu đang được ủng hộ mạnh.

Kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu cũng cho thấy châu Âu đang “chuyển sang cánh hữu”. Ngoài ra, khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu kết thúc, EU chào đón đội ngũ lãnh đạo mới, các ứng cử viên đã được lựa chọn trước khi Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 27/6.

Chuyên gia Đinh Thuần, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu châu Âu tại Đại học Phúc Đán, Giáo sư danh dự Đại học Jean Monnet của Pháp, Chủ tịch Hiệp hội châu Âu Thượng Hải cho rằng, xét từ góc độ nội bộ EU, việc khởi động đàm phán vào thời điểm này “phản ánh sự ủng hộ nhất định tiến trình 2 nước gia nhập EU, thái độ này không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong tình hình chính trị nội bộ”

Việc EU khởi động đàm phán vào thời điểm có nhiều lo ngại cả trong và ngoài EU cũng cho thấy sự hội nhập với châu Âu vẫn có sức hấp dẫn đối với các nước ngoài EU”, chuyên gia nhận định.

Đặc biệt xét đến tình hình kinh tế xã hội của Ukraine và Moldova đang gặp khó khăn đáng kể, EU vẫn đồng ý khởi động đàm phán, mang lại hy vọng cho các nước tiềm năng khác gia nhập EU.

Ngoài ra, xét từ góc độ xung đột Nga-Ukraine, chuyên gia này cho biết: “Việc thúc đẩy 2 nước gia nhập EU cũng thể hiện thái độ kiên quyết của EU trong việc ủng hộ Ukraine". Ukraine hiện đang chìm trong xung đột, Moldova lại là một trong những điểm đến chính của người tị nạn Ukraine, nước này cũng có mâu thuẫn với Nga về vấn đề Transnistria.

Nhiều trở ngại

Ngoài ra, chuyên gia Đinh Thuần cho rằng, việc Ukraine và Moldova tiến thêm một bước trong việc gia nhập EU cũng sẽ gây ra nhiều tác động. Đối với Ukraine và Moldova thì đây là nguồn khích lệ lớn. Đặc biệt là việc phương Tây viện trợ quân sự cho Ukraine gặp phải những trở ngại trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn còn tiếp diễn. Đối với EU, sự khởi đầu này vẫn đồng nghĩa với cuộc đàm phán và tiến trình đọ sức nội bộ kéo dài, cũng có thể khiêu khích Nga, khiến quan hệ EU-Nga tiếp tục xấu đi.

Theo chuyên gia Trung Quốc, trong nội bộ EU có sự chia rẽ về vấn đề Ukraine và Moldova gia nhập EU. Việc 2 nước gia nhập EU có thể tác động tới mối quan hệ giữa một số nước thành viên EU với Nga. Chẳng hạn như Hungary từng phản đối việc Ukraine gia nhập EU. Một số nước cũng lo ngại về việc liệu 2 nước có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của EU hay không. Đan Mạch cũng bày tỏ lo ngại về việc Ukraine gia nhập EU.

Chặng đường gia nhập EU của Ukraine: Niềm vui ngắn ngủi?
Tổng thống Zelensky và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola cùng cầm cờ EU khi ông Zelensky đến phát biểu tại thượng đỉnh khối này hồi tháng 2/2023. Ảnh: X

Đồng thời, vẫn còn có những tranh cãi về việc EU có nên tiếp tục mở rộng về phía Đông hay tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ. Nghị viện châu Âu cũng xuất hiện những tiếng nói phản đối việc EU tiếp tục mở rộng về phía Đông. Điều đáng nói là Ukraine với dân số khoảng 38 triệu người và có vị trí địa lý tiếp giáp với các nước thành viên EU là Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania. Điều này có nghĩa là nếu Ukraine gia nhập EU, trọng tâm của EU sẽ dịch chuyển thêm về phía Đông và gánh nặng sẽ tăng lên.

Tiến trình của Ukraine và Moldova gia nhập EU dường như được “đẩy nhanh” bất thường, có thể gây ra sự mâu thuẫn của các nước ứng cử viên khác. Một số nước như Hà Lan từng nói, 2 nước này không nên gia nhập EU bằng “con đường tắt”.

Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 1987, trở thành nước ứng cử viên vào năm 1999 và tiến hành đàm phán gia nhập EU vào năm 2005, nhưng quá trình đàm phán gặp nhiều trở ngại. Trong khi, các nước Bắc Macedonia, Montenegro, Albania… đang “xếp hàng chờ”.

Đối với Ukraine và Moldova, việc khởi động đàm phán gia nhập là một bước tiến lớn trên con đường trở thành thành viên EU, nhưng cũng có thể là con đường gập ghềnh kéo dài vài năm.

Được biết, từ ngày 25/6, EC xem xét lại tất cả các luật và quy định của Ukraine liên quan đến các lĩnh vực pháp quyền, thị trường chung, nông nghiệp, năng lượng... để đảm bảo phù hợp với luật pháp và quy định của EU.

Theo kinh nghiệm trước đây, giai đoạn này có thể kéo dài 1 năm. Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết: “Chỉ sau giai đoạn này, Hội đồng EU mới có thể đưa ra quyết định sơ bộ và bắt đầu tập trung đàm phán về một số điều khoản”. Sau đó, mỗi bước đi để nước ứng cử viên gia nhập EU đều cần có sự đồng thuận nhất trí của tất cả 27 nước thành viên, có thể sẽ có hàng chục cuộc biểu quyết liên quan.

Chuyên gia Đinh Thuần cho rằng, Ukraine và Moldova vẫn còn chặng đường dài phía trước để gia nhập EU. Đầu tiên, từ góc độ điều kiện khách quan, mặc dù EC đã tuyên bố vào tháng 3/2024 rằng sẽ xây dựng khuôn khổ mới cho việc Ukraine gia nhập EU, tuy nhiên điều này không có nghĩa là Ukraine có thể gia nhập EU mà không cần cải cách sâu rộng.

Về mặt chính trị, các vấn đề tham nhũng của Ukraine cũng như việc tranh chấp lãnh thổ với Nga, vấn đề Transnistria của Moldova đều là những trở ngại tương đối khó vượt qua trong quá trình gia nhập EU.

Về mặt kinh tế, Ukraine đang lún sâu vào cuộc xung đột Nga-Ukraine, nền kinh tế quốc gia không chịu được tác động của sự cạnh tranh trên thị trường chung EU. Ở châu Âu, Moldova cũng có nền kinh tế yếu kém trong thời gian dài và hiện tại đang phải đối mặt với làn sóng người tị nạn Ukraine.

Việc 2 nước Đông Âu có nền kinh tế phát triển tương đối lạc hậu gia nhập EU sẽ mang lại gánh nặng tài chính nặng nề hơn cho các nước Tây Âu. Do đó vấn đề này có thể vấp phải sự phản đối từ các nước đóng góp tài chính chủ yếu cho EU”, chuyên gia Đinh Thuần nhấn mạnh.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương