Chân dung "trùm" dầu khí Aramco muốn xây nhà máy tại Việt Nam: Quy mô khổng lồ, lợi nhuận bằng Apple, Alphabet và Microsoft cộng lại

(Banker.vn) Sau cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đại diễn Tập đoàn Dầu khí lớn nhất thế giới Aramco ngỏ ý muốn đầu tư xây dựng nhà máy lọc hóa dầu tại Việt Nam để mở rộng địa bàn hoạt động sang khu vực châu Á.
Chân dung
“Ông vua” dầu khí thế giới Aramco muốn xây nhà máy lọc hóa dầu tại Việt Nam

Ngày 19/10 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm Saudi Arabia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - GCC, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp gỡ với ông Yasser M.Mufti - Phó Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Dầu khí lớn nhất thế giới Aramco.

Phó Chủ tịch Điều hành Aramco cho biết, mặc dù Tập đoàn hoạt động tích cực tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là đối tác cung cấp dầu thô cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, tuy nhiên, cho đến hiện tại, Tập đoàn vẫn chưa có dự án đầu tư trực tiếp nào tại Việt Nam.

Vì vậy, ông Yasser M.Mufti bày tỏ mong muốn tìm hiểu thị trường, nắm bắt các cơ hội để tiến hành đầu tư tại Việt Nam, chủ yếu là trong việc xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu.

Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Aramco tham gia đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt là những dự án lọc hóa dầu lớn trong nước, phát triển hợp tác thương mại trong lĩnh vực sản phẩm dầu, khí, hóa chất dầu khí như dầu thô, khí hỏa lỏng, hạt nhựa, phân bón…

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị Aramco tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ dầu khí tại Saudi Arabia và tìm các dự án lớn để cùng đầu tư, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dầu khí.

Aramco có tỷ lệ sinh lời cao nhất thế giới

Aramco là Tập đoàn Dầu khí lớn đến từ đất nước Ả Rập Xê – út (Saudi Arabia ). Arab Saudi hiện là một trong những nền kinh tế lớn nhất khu vực Trung Đông, với lợi thế trữ lượng dầu mỏ, vàng lớn. Ước tính, GDP bình quân đầu người của nước này năm 2022 đạt trên 27.500 USD (khoảng 660 triệu đồng/người).

Được biết, Aramco là tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới và nhiều thời điểm đã giữ vị trí công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu. Theo tính toán của các công ty toàn cầu Companies Market Cap, tập đoàn năng lượng khổng lồ Saudi Aramco của Saudi Arabia là công ty có lợi nhuận cao nhất trên thế giới với lợi nhuận trong 12 tháng kết thúc vào tháng 6/2022 đạt 279,4 tỷ USD (hơn 6,7 triệu tỷ đồng).

Với mức lợi nhuận “khủng” nói trên, Aramco gần bằng lợi nhuận của cả Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Microsoft cộng lại.

Theo tính toán, Apple - công ty đứng đầu trong số các công ty toàn cầu về giá trị vốn hóa thị trường vẫn chỉ xếp ở vị trí thứ hai về chỉ số sinh lời, có lợi nhuận 120,5 tỷ USD. Tiếp đến là Alphabet với lợi nhuận 85,7 tỷ USD và Microsoft đứng ở vị trí thứ tư với lợi nhuận 83,7 tỷ USD.

Tổng lợi nhuận của Apple, Alphabet và Microsoft đạt khoảng 289,9 tỷ USD, chỉ cao hơn 10 tỷ USD so với Aramco. Ngoài Aramco, danh sách các công ty dầu mỏ có lợi nhuận cao nhất trên toàn cầu trong quý II/2022 còn có ExxonMobil, Chevron, Shell, BP (Anh) và Total (Pháp).

Riêng trong quý II/2022, Aramco thông báo đạt lợi nhuận kỷ lục 48,4 tỷ USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước giữa lúc giá dầu thô tăng vọt do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Trong quý I/2022, Aramco cũng ghi nhận lợi nhuận cao với con số 39,5 tỷ USD.

Ngày 12/3/2023, Tập đoàn dầu khí Aramco của Saudi Arabia thông báo lợi nhuận năm 2022 đạt mức kỷ lục hơn 161 tỷ USD, tăng 46% so với mức 110 tỷ USD năm 2021 trong bối cảnh giá năng lượng leo thang, lượng dầu bán ra tăng và lợi nhuận của các sản phẩm lọc dầu gia tăng.

Kể từ khi được niêm yết trên thị trường từ năm 2019, đây là mức lợi nhuận cao nhất của Aramco. Được biết, hầu hết cổ phần của Aramco thuộc sở hữu của Chính phủ.

Thời gian tới, Aramco đang hướng tới đầu tư vào công nghệ phát thải carbon thấp, giúp hạn chế lượng khí thải gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, tập đoàn này đang triển khai kế hoạch đến năm 2027 sẽ tăng sản lượng dầu lên 13 triệu thùng/ngày. Chi tiêu vốn của Aramco tăng 18% lên 37,6 tỷ USD trong năm 2022 và dự kiến chi tiêu trong năm nay sẽ trong khoảng từ 45 - 55 tỷ USD.

“Lấn sân” sang lĩnh vực điện khí

Hồi giữa tháng 10 vừa qua, tại Hội nghị Tình báo Năng lượng, Giám đốc điều hành tập đoàn dầu mỏ Aramco Amin Nasser cho biết, Aramco đang có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để củng cố kế hoạch trở thành tập đoàn dẫn đầu thị trường khí đốt hàng hải.

Ông Amin Nasser cho biết, LNG rất quan trọng và tập đoàn này đang xem xét các khoản đầu tư bổ sung để trở thành một trong những công ty LNG hàng đầu trên thị trường.

Trước đó, vào tháng 9, Aramco cho biết đã đồng ý mua lại cổ phần thiểu số chiến lược của công ty LNG MidOcean Energy - công ty đang trong quá trình mua lại quyền lợi trong 4 dự án LNG của Úc với giá 500 triệu USD, kèm theo tùy chọn tăng quy mô cổ phần.

Được biết, MidOcean Energy được thành lập và quản lý bởi EIG - một nhà đầu tư tổ chức trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng toàn cầu. Aramco đã ký thỏa thuận bán 49% cổ phần của Công ty Đường ống dẫn dầu Aramco cho MidOcean Energy vào năm 2021.

Bên cạnh đó, Aramco cũng đã cân nhắc việc mua cổ phần tại Port Arthur LNG ở Mỹ - một gã khổng lồ trong ngành dầu mỏ cũng đang kinh doanh điện khí.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tham gia kinh doanh LNG là một hoạt động sinh lợi khác cho Saudi Aramco vì nhu cầu LNG dự báo sẽ chỉ tăng trong những năm tới, khi châu Âu dần loại bỏ khí đốt của Nga và châu Á có thể sẽ sử dụng nhiều khí đốt tự nhiên thay vì than đá.

Cuộc chạy đua đầu tư sân bay của các nước Đông Nam Á, từ Việt Nam đến Thái Lan, Singapore

Nikkei Asia cho hay, các quốc gia Đông Nam Á đang gấp rút mở rộng các sân bay chủ chốt để đáp ứng nhu cầu ...

Chaebol Hàn Quốc “rót” 500 triệu USD để xây dựng nhà máy vật liệu phân hủy sinh học lớn nhất thế giới tại Việt Nam

Chaebol lớn thứ ba Hàn Quốc SK tiết lộ với truyền thông nước này, công ty con SKC của họ sẽ xây dựng nhà máy ...

T&T Group hợp tác với BNK - Tập đoàn tài chính hàng đầu Hàn Quốc

Ngày 16/10, tại Hà Nội, Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn Tài chính BNK (nằm trong TOP 10 tổ chức tài chính lớn nhất ...

Ngọc Bích

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán