Chân dung anh em doanh nhân họ Trịnh điều hành doanh nghiệp nghìn tỷ tại Thanh Hóa

(Banker.vn) Hai anh em ông Trịnh Xuân Nghiệm và Trịnh Xuân Hiệu là những doanh nhân có tiếng của tỉnh Thanh Hóa. Xuất phát từ cán bộ cao cấp của PVC Thanh Hóa, bộ đôi 'họ Trịnh' nổi danh với những thương vụ triển khai dự án khiến không ít người bất ngờ.
Chân dung anh em doanh nhân họ Trịnh điều hành doanh nghiệp nghìn tỷ tại Thanh Hóa
Tính đến hết năm 2021, số vốn điều lệ của Công ty Anh Phát đã lên đến 2.000 tỷ đồng, cao hơn 15 lần so với 6 năm trước

Tổng nhu cầu diện tích sử dụng đất lên tới 491,9 ha

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định cho phép thực hiện dự án Khu công nghiệp Đồng Vàng tại Khu kinh tế Nghi Sơn do Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát – CTCP (Công ty Anh Phát) làm chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cập nhật dự án vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022 tại thị xã Nghi Sơn, tổng nhu cầu diện tích sử dụng đất là 491,9 ha.

Trước đó, cuối tháng 3/2022, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã ký quyết định về chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp Đồng Vàng. Dự án này được triển khai tại các xã Tân Trường, Phú Lâm, Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn, với quy mô 491,9ha; tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng.

Theo văn bản, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu nhà đầu tư - Công ty Anh Phát chỉ được thực hiện dự án sau khi thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, rừng sản xuất sang mục đích khác theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan và dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Công ty Anh Phát phải giữ nguyên hiện trạng toàn bộ đất rừng tự nhiên trong khu vực thực hiện dự án và không tính phần diện tích này vào phần diện tích đất cây xanh của dự án...

UBND tỉnh Thanh Hóa được giao tổ chức thực hiện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng giao UBND tỉnh Thanh Hóa chịu trách nhiệm đảm bảo việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng rừng sản xuất, đất trồng lúa trong chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất trồng rừng, đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp được Chính phủ cho phép tại Nghị quyết số 43.

Chân dung anh em 'đại gia' họ Trịnh

Theo tìm hiểu, Công ty Anh Phát thành lập từ tháng 6/2005, với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Anh Phát, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng, có trụ sở ở thành phố Thanh Hóa. Xuất phát điểm từ số vốn khiêm tốn, mãi sau hơn một thập kỷ chào đời, Công ty Anh Phát mới bắt đầu hành trình tăng vốn ấn tượng, đơn cử, hồi tháng 4/2016, Công ty nâng vốn điều lệ từ 130 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng.

Lúc này, nhóm cổ đông gia đình gồm có ông Trịnh Xuân Nghiệm (sinh năm 1971) góp 350 tỷ đồng, sở hữu tương ứng 70% cổ phần; bà Đào Ngọc Dung (sinh năm 1973), vợ ông Nghiệm, góp 100 tỷ đồng (20% cổ phần) và ông Trịnh Văn Hiệu (sinh năm 1968), anh trai ông Nghiệm, góp 50 tỷ đồng còn lại, tức 10% cổ phần.

Ông Trịnh Xuân Nghiệm là chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm người đại diện pháp luật, trong khi ông Trịnh Xuân Hiệu đảm nhiệm vai trò tổng giám đốc. Trong suốt hành trình tăng vốn, thời điểm tháng 2/2019 chứng kiến lần đầu tiên vốn điều lệ của Công ty Anh Phát cán mốc 1.000 tỷ đồng, với tỷ lệ sở hữu các cổ đông không thay đổi.

Sau một vài đợt mở rộng quy mô, tính đến hết năm 2021, số vốn điều lệ của Công ty Anh Phát đã lên đến 2.000 tỷ đồng, cao hơn 15 lần so với 6 năm trước và duy trì đến thời điểm hiện tại.

Ở Thanh Hóa, Công ty Anh Phát nổi danh với những thương vụ thâu tóm dự án gây xôn xao dư luận. Còn nhớ tháng 11/2006, doanh nghiệp này có đơn xin thuê 962,5m2 đất của Chi nhánh nông sản Agrexim tại phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa để xây dựng trụ sở văn phòng giao dịch của công ty.

Chưa đầy 1 tháng sau, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đồng ý thu hồi thửa đất trên để cho Công ty Anh Phát thuê lại. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ, trong danh sách các dự án được thâu tóm bởi doanh nghiệp này, từ dự án cây xăng dầu, khai thác khoáng sản, dự án bất động sản thâu tóm "đất vàng", khách sạn… cho đến hàng loạt dự án tại khu kinh tế Nghi Sơn. Đáng nói nhất là lùm xùm liên quan đến dự án cung cấp nước tại khu kinh tế Nghi Sơn hồi năm 2016, năm mà Công ty Anh Phát bắt đầu màn tăng vốn "khủng".

Thực tế, trước khi bước ra con đường kinh doanh độc lập, anh em ông Trịnh Xuân Nghiệm, Trịnh Văn Hiệu đã tích lũy một bề dày kinh nghiệm ở doanh nghiệp nhà nước có sức ảnh hưởng lớn với tỉnh nhà. Đó là Công ty CP Xây lắp dầu khí Thanh Hóa (PVC Thanh Hóa). Sau nhiều năm cống hiến, ông Nghiệm từng lên đến vị trí thành viên hội đồng quản trị, còn ông Hiệu cũng là một cựu Trưởng ban kiểm soát của PVC Thanh Hóa.

Trái ngược với sự nổi tiếng của Công ty Anh Phát, cặp đôi doanh nhân họ "Trịnh" lại vô cùng kín tiếng, hiếm khi lộ diện trước truyền thông. Bên cạnh đó, khối tài sản của hai "đại gia" này vẫn chưa được chính thức tiết lộ.

Theo số liệu mà Kinh tế Chứng khoán nắm được, tài sản của Công ty Anh Phát tính đến cuối năm 2021 đã đạt 6.305 tỷ đồng, là thành quả sau nhiều năm liên tiếp được bồi đắp.

Đối ứng nguồn vốn, Công ty Anh Phát ưa sử dụng nợ vay. Năm 2021, tổng nợ vay đã gần cán mốc 2.750 tỷ đồng, với gần 2.400 tỷ đồng là khoản vay dài hạn. Con số này năm sau luôn cao hơn năm trước.

Với thêm khoảng 1.400 tỷ đồng nợ thương mại, nợ phải trả của Công ty Anh Phát đứng ở mức 4.218 tỷ đồng, gấp đôi vốn chủ sở hữu là 2.087 tỷ đồng. Được biết, ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Thanh Hóa là đơn vị miệt mài cấp tín dụng nhất cho Công ty Anh Phát, dựa trên hàng loạt các tài sản bảo đảm từ cổ phần các doanh nghiệp, đất đai, dự án... cho đến ô tô trong suốt giai đoạn 2016 đến nay.

Vay nhiều buộc Công ty Anh Phát phải chịu áp lực trả lãi lớn. Mỗi năm, chỉ riêng khoản chi cho lãi vay đã ngốn hàng trăm tỷ đồng, là nguyên nhân chính gây hao mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Không chỉ Công ty Anh Phát, ông Trịnh Xuân Nghiệm và vợ còn sở hữu lượng lớn cổ phần ở Công ty CP Anh Phát Petro, Công ty CP Metal Petrochem, Công ty CP NSControl... với tổng tài sản ước tính cả nghìn tỷ đồng. Đồng thời, ông Nghiệm cũng có mặt trong danh sách cổ đông của Công ty CP Đầu tư Khoáng sản Đại Dương, doanh nghiệp tiếng tăm của tỉnh Thanh Hóa.

Trong tháng 9/2022, Bộ Xây dựng đã yêu cầu làm rõ tính pháp lý của dự án Đường ống dẫn xăng dầu từ Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn tới kho xăng dầu Anh Phát, tỉnh Thanh Hóa, do Công ty Anh Phát làm chủ đầu tư.
Dự án Đường ống dẫn xăng dầu từ Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn tới kho xăng dầu Anh Phát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tổng mức đầu tư 185,59 tỷ đồng. Theo Báo cáo nghiên cứu khả thị, dự án đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp chấp thuận hướng tuyến.
Tháng 8/2022 Bộ Công Thương có văn bản gửi tới Bộ Xây dựng xin ý kiến đối với hồ sơ dự án. Tháng 9/2022, Bộ Xây dựng chính thức có văn bản hồi âm gửi tới Bộ Công Thương.
Theo Bộ Xây dựng, dự án trên cần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư để đảm bảo căn cứ triển khai các bước tiếp của dự án.
Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm soát chủ đầu tư thực hiện các quy hoạch xây dựng của dự án đã được chấp thuận, phê duyệt. Bên canh đó, năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân thực hiện công tác khảo sát, thiết kế xây dựng và thẩm tra thiết kế cần được cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ Công Thương rà soát, kiểm tra đảm bảo điều kiện năng lực theo quy định.
Thuyết minh Báo cáo nghiên cứu khả thi về danh mục quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng của dự án chưa đầy đủ theo quy định. Bộ Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư cần rà soát để cập nhật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thay thế các tiêu chuẩn đã hết hiệu lực như: QCVN 01:2008/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng; QCVN 06:2010/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình...
Tại phần căn cứ pháp lý của dự án, cần rà soát để cập nhật, bổ sung các văn bản pháp luật thay thế các văn bản đã hết hiệu theo quy định.
Về bảo vệ môi trường, Bộ Xây dựng cho rằng, dự án cần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ môi trường cho ý kiến theo các quy định của pháp luật hiện hành của Luật Bảo vệ môi trường. Thiết kế cơ sở cần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về phòng cháy chữa cháy góp ý kiến theo các quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ.
Cùng với đó, khâu quản lý chi phí đầu tư xây dựng cũng cần được rà soát, hoàn chỉnh đảm bảo các quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ.
Hồ sơ dự án cũng cần được hoàn chỉnh đảm bảo các bản vẽ thiết kế cơ sở đúng quy cách theo quy định trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng…

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục