Chần chừ ký đơn hàng mới khiến giá gạo Việt “vuột" mất ngôi vương

(Banker.vn) Giá gạo Thái Lan liên tục tăng lên mức 669 USD/tấn còn gạo Việt Nam vẫn giữ giá 652 USD/tấn bởi chưa vào vụ thu hoạch khiến doanh nghiệp chưa ký đơn hàng mới.
Giá gạo Việt liên tục giảm, giá thế giới xu hướng tăng cao Những yếu tố giúp nhà xuất khẩu gạo lạc quan về giá trong nửa đầu năm 2024

Nhiều tuần nay giá gạo xuất khẩu tiêu chuẩn 5% tấm của Việt Nam vẫn duy trì mức giá 652 USD/tấn (theo cập nhật của Hiệp hội Lương thực Việt Nam - VFA), trong khi đó gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan liên tục tăng và hiện đã lên mốc 669 USD (theo cập nhật Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan - TREA).

Chần chừ ký đơn hàng mới khiến giá gạo Việt “vuột
Giá gạo Việt đứng im trong nhiều tuần qua

Cụ thể, theo TREA, trong tuần trước giá gạo 5% tấm của nước này đã tăng 22 USD lên mốc lịch sử 668 USD/tấn và cập nhật mới nhất vào chiều 24/1 từ TREA thì giá gạo này đã tăng thêm 1 USD/tấn, lên mức 669 USD/tấn. Như vậy 2 tuần qua tổng mức tăng là 23 USD/tấn.

Điều đáng chú ý, đây là lần đầu tiên trong khoảng 1 năm qua, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan vượt qua gạo cùng phẩm cấp của Việt Nam với khoảng cách lên tới 17 USD/tấn.

Lý giải việc giá gạo Thái Lan liên tục tăng cao còn gạo Việt đứng im, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV - cho biết, hiện tại lượng gạo hàng hóa trong dân ít nên các doanh nghiệp không dám ký hợp đồng mới mà chỉ tập trung làm hàng phục vụ thị trường Tết ở nội địa và trả nợ các hợp đồng cũ. “Hiện nay vụ thu hoạch mới phải qua Tết mới bắt đầu, trong khi đó thị trường nhiều rủi ro nên doanh nghiệp không dám chào ký các đơn hàng mới, khiến giá gạo theo đó cũng chững lại”- ông Thành lý giải và dự báo thị trường lúa gạo sẽ sôi động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bởi đó cũng là thời điểm vào đợt thu hoạch rộ lúa đông xuân - vụ lúa lớn nhất trong năm.

Đối với gạo Thái Lan, ông Thành cho hay, liên tục trong năm 2023 vừa qua giá gạo Việt Nam ở mức cao hơn Thái Lan nên các nhà mua hàng đã đổ dồn qua mua gạo của nước này. Thêm vào đó Thái Lan hiện đang vào giai đoạn thu hoạch vụ mùa lớn nhất trong năm nên giao dịch sôi động hơn.

Đồng quan điểm, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice- chia sẻ, doanh nghiệp Việt phải chờ có “chân hàng” mới dám chào ký hợp đồng mới vì lo ngại ký trước sẽ “bẻ kèo” như năm 2023, dẫn tới thua lỗ. Vì thế các giao dịch xuất khẩu thời điểm này hầu như không có mà chủ yếu vẫn là giao theo các hợp cũ.

Kim ngạch xuất khẩu gạo nửa đầu tháng 1/2024 tăng mạnh

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 1/2024, cả nước xuất khẩu 194.074 tấn gạo, kim ngạch đạt 135 triệu USD. So với cùng kỳ 2023, lượng gạo xuất khẩu giảm gần 32.000 tấn; tuy nhiên, kim ngạch tăng 18% tương đương gần 20 triệu USD.

Theo một số doanh nghiệp, vào thời điểm này năm ngoái đang kỳ nghỉ tết, nhưng năm nay chúng ta vẫn còn đến 2 tuần nữa mới đến tết. Việc xuất khẩu trong kỳ đầu tiên tháng 1 giảm là do lượng gạo hàng hóa ít, cũng như không có tồn kho từ năm trước chuyển sang như thường lệ vì năm 2023 chúng ta đã xuất khẩu đến 8,1 triệu tấn.

Thùy Dương

Theo: Báo Công Thương