Chậm đóng BHXH, Viện đào tạo nhân tài của Chủ tịch Đèo Cả bị khóa thẻ BHYT

(Banker.vn) Bảo hiểm xã hội TP HCM vừa công bố danh sách 94 đơn vị bị khóa thẻ BHYT trong tháng 3/2024, trong đó có Viện Nghiên cứu – Đào tạo Đèo Cả.

Được biết, Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả có tổng cộng 4 lao động. Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV) làm Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện.

Tháng 9/2023, Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả (DCI) được thành lập, là kết quả của sự hợp tác giữa Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh (UTH) và Tập đoàn Đèo Cả để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kịp thời đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, công việc, ứng dụng công nghệ hiện đại.

Ngoài DCI, ngày 7/3/2024 tại Đà Nẵng, Tập đoàn Đèo Cả và Trường đại học Đông Á đã ký thỏa thuận hợp tác về đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực, cụ thể hóa việc thành lập Viện Đào tạo thực hành Đèo Cả. Dự kiến, Viện sẽ ra mắt vào tháng 4/2024. Được biết, Tập đoàn Đèo Cả sẽ giới thiệu cán bộ là lãnh đạo chủ chốt tham gia vào Hội đồng sáng lập và Ban điều hành của Viện Đào tạo thực hành Đèo Cả.

Chậm đóng BHXH, Viện đào tạo nhân tài của Chủ tịch Đèo Cả bị khóa thẻ BHYT
Viện Nghiên Cứu - Đào tạo Đèo Cả có tên trong danh sách đơn vị bị BHXH TPHCM khóa thẻ BHYT do chậm đóng

Đèo Cả nổi tiếng trong công tác đào đạo nguồn nhân lực. Vào tháng 11/2023, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, yêu cầu 4-6 năm nữa, các phó chủ tịch phải là tiến sĩ, thành viên ban điều hành là thạc sĩ. Yêu cầu này được Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả thông qua tại nghị quyết về việc giao nhiệm vụ học tập, nghiên cứu nâng cao học vị với người tham gia quản lý, điều hành do Chủ tịch HĐQT Đèo Cả Hồ Minh Hoàng ký.

Theo đó, các Phó chủ tịch HĐQT Đèo Cả (không gồm thành viên HĐQT độc lập) phải tham gia chương trình nghiên cứu sinh theo lĩnh vực được phân công và đến 31/12/2028 phải trở thành tiến sĩ.

Tập đoàn Đèo Cả có 20 công ty thành viên với hàng ngàn lao động, tập trung vào ba mảng là đầu tư, thi công xây lắp và quản lý vận hành các công trình hạ tầng giao thông.

Trong hệ sinh thái Đèo Cả, nổi bật có Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV). Đây là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư công trong thời gian khi tham gia thực hiện nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn.

Viện Nghiên Cứu - Đào tạo Đèo Cả mới thành lập vào tháng 9/2023
Viện Nghiên Cứu - Đào tạo Đèo Cả mới thành lập vào tháng 9/2023

Mới đây, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT HHV ký Nghị quyết về việc ký kết và thực hiện hợp đồng/giao dịch liên quan đến các gói thầu thuộc dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Trước đó, Đèo Cả đã thông qua chủ trương tham gia đầu tư, thi công xây lắp và thực hiện quản lý vận hành tại dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) giai đoạn 1 theo hình thức đối tác công tư (PPP) mà doanh nghiệp này phụ trách.

Doanh nghiệp này sẽ tham gia làm nhà đầu tư trực tiếp, góp vốn chủ sở hữu vào doanh nghiệp dự án PPP và cùng liên danh nhà đầu tư (bao gồm Đèo Cả – Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (công ty mẹ của Đèo Cả) – Công ty CP Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam – CTCP Xây dựng công trình 568), còn doanh nghiệp dự án sẽ ký kết hợp đồng BOT với UBND tỉnh Cao Bằng.

Đèo Cả sẽ tham gia phần vốn huy động khác của dự án theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), cho vay, phát hành trái phiếu và các hình thức khác đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

Đèo Cả cũng sẽ tham gia làm nhà thầu thi công xây lắp, cung cấp nhân công, vật tư, thiết bị cho dự án và tham gia đấu thầu quyền quản lý vận hành sau khi dự án hoàn thành giai đoạn xây dựng đưa vào khai thác.

Ngoài ra, trong năm 2024, Tập đoàn Đèo Cả dự kiến đầu tư, xây dựng 300km đường cao tốc, đường vành đai với tổng mức đầu tư hơn 82.000 tỷ đồng từ các dự án tiêu biểu như cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Tân Phú - Bảo Lộc, TP.HCM - Chơn Thành, Vành đai 4, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 2)…

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục