CEO Lương Hoài Nam khẳng định Bamboo Airways không có ý định nộp đơn xin phá sản |
Theo Bloomberg, trong cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin này, tân CEO Lương Hoài Nam - người được trao trọng trách dẫn dắt quá trình tái cấu trúc của Bamboo Airways, đang nỗ lực chứng minh rằng hãng hàng không 6 tuổi vẫn có tương lai, mặc dù đã cắt giảm 2/3 đội bay và 80% mạng bay.
“Chúng tôi cần khách hàng tin tưởng vào tương lai của hãng. Chúng tôi cần khiến các nhà đầu tư, cổ đông và nhà đầu tư tiềm năng tin tưởng vào tương lai của mình. Chúng tôi nhất định phải đi thật nhanh”, ông Nam nói.
Bamboo Airways hiện đang nỗ lực giảm bớt “núi nợ” 11.000 tỷ đồng (tương đương 454 triệu USD) và trong quá trình đàm phán với các ngân hàng về vấn đề huy động vốn. Năm ngoái, hãng hàng không này báo lỗ 17.600 tỷ đồng do phải trích lập dự phòng nợ xấu.
Tình cảnh bi đát hiện tại của Bamboo Airways khác xa viễn cảnh tương lai dưới thời cựu Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết với tham vọng những chuyến bay thẳng tới Mỹ, thực hiện IPO và hướng tới mức vốn hóa công ty lên tới 1 tỷ USD. Ở thời kỳ đỉnh cao, Bamboo từng vận hành 66 đường bay nội địa và 15 đường bay quốc tế nhưng hiện chỉ còn hoạt động tại 16 đường bay nội địa và nhận bay thuê bao nguyên chuyến (charter) tại các đường bay quốc tế.
“Đại dịch COVID-19 đã khiến các hãng bay của Việt Nam suy kiệt về tài chính”, ông Brendan Sobie, nhà sáng lập công ty tư vấn Sobie Aviation chia sẻ với Bloomberg. Vị chuyên gia này cũng nói thêm, nhìn rộng ra, thị trường hàng không Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng nhờ vé rẻ. Điều này không có tính bền vững. Hiện tại, Việt Nam đang áp giá trần đối với vé máy bay hạng phổ thông.
Trở lại với Bamboo Airways, trong bối cảnh số chuyến bay giảm mạnh và nợ nần ngày càng chồng chất, hãng hàng không này đã phải chấm dứt hợp đồng với các phi công người nước ngoài và hướng tới việc cắt giảm 60% chi phí nhân công vào cuối tháng 3. Bên cạnh đó, Bamboo Airways đã đạt được một thỏa thuận thanh toán tiền lương cho những phi công người nước ngoài vẫn còn nợ lương.
Bamboo Airways đã trả lại 19 chiếc máy bay, trong đó có 3 chiếc Boeing 787 cho các công ty thuê máy bay. Theo đó, hãng hàng không này chỉ còn 11 máy bay, chủ yếu là Airbus và Embraer SA. Về vấn đề này, CEO Lương Thành Nam cho hay, để cải thiện tính hiệu quả, Bamboo Airways dự định chỉ sử dụng máy bay Airbus và sẽ tăng số lượng máy bay lên 30 chiếc trong 3 hoặc 4 năm nữa – khi tình hình của hãng cải thiện, ổn định trở lại.
Trước đó, Cục Thuế tỉnh Bình Định – nơi Bamboo Airways đặt trụ sở – đã ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với hãng này, do trễ hạn đóng thuế 103 tỷ đồng quá 90 ngày so với thời hạn quy định. Theo ông Nam, Bamboo Airways hiện đang đàm phán để gia hạn thanh toán.
Ông Lương Hoài Nam nhấn mạnh, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) - chủ nợ chính của Bamboo Airways đang tìm cách đầu tư vào hãng hàng không này và hỗ trợ quá trình tái cấu trúc. Vị CEO 60 tuổi cũng cho biết thêm, theo quy định của Việt Nam, lượng cổ phần lớn nhất mà Sacombank có thể nắm giữ là 11% và nhà băng này cũng cần có sự chấp thuận từ phía nhà nước để rót vốn cho Bamboo Airways. Tuy nhiên, khung thời gian cụ thể (nếu có thể xảy ra) về thương vụ này không được tiết lộ.
Sau khoản đầu tư của Sacombank, Bamboo Airways cũng sẽ tìm kiếm một số nguồn hỗ trợ tài chính khác để có thể “đứng vững” trong bối cảnh hiện nay. Đó có thể là vay ngân hàng, phát hành trái phiếu hoặc sử dụng các công cụ tài chính khác.
CEO Bamboo Airways chia sẻ, trong khi thực hiện kế hoạch giai đoạn 2024 – 2028 là kêu gọi các nhà đầu tư trong nước, hãng cũng đang nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài và sẽ xem xét việc chào bán cổ phần cho họ. Theo luật định, nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm giữ tối đa 34% cổ phần của một hãng hàng không Việt.
“Chúng tôi không có kế hoạch nộp đơn xin phá sản. Các chủ nợ của chúng tôi – bao gồm cả ngân hàng và nhà cung cấp – đều muốn Bamboo Airways tiếp tục kinh doanh”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Lương Hoài Nam được bổ nhiệm vào vị trí CEO Bamboo Airways từ ngày 23/10/2023, sau rất nhiều biến động về nhân sự thượng tầng tại hãng bay này. Tân CEO, với “profile khủng” được kỳ vọng sẽ “vực dậy” hãng bay trẻ tuổi đang phải đối mặt với vô vàn thách thức. Ông Nam sở hữu Tiến sĩ hàng không của Nga, có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không - du lịch, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý, điều hành cấp cao tại các hãng hàng không lớn như: Trưởng ban Kế hoạch thị trường và Tổng biên tập Tạp chí Heritage của hãng hàng không Vietnam Airlines, Tổng giám đốc Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines (thành viên của Vietnam Airlines Group), Giám đốc điều hành Air Mekong, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn bất động sản Nam Long, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty Hàng không Lưỡng dụng Ngôi Sao Việt… Thời gian gần đây, ông Nam thường xuất hiện với tư cách là chuyên gia hàng không, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB). |
Bamboo Airways "đau đầu" chuyện trả lương để giữ chân phi công Reuters dẫn hai nguồn tin độc quyền cho hay, trong hai tháng qua, một số phi công của Bamboo Airways đã rời khỏi hãng hàng ... |
Cựu lãnh đạo Pacific Airlines và Air Mekong sang làm Tổng Giám đốc Bamboo Airways Trong vòng 6 tháng trở lại đây, Bamboo Airways đã thay đổi vị trí Tổng Giám đốc đến 3 lần và lần bổ nhiệm này ... |
Sacombank muốn trở thành cổ đông của Bamboo Airways, SSI chỉ ra những lo ngại Thông tin Sacombank có dự định trở thành cổ đông của Bamboo Airways đã dấy lên những lo ngại về mặt quản trị doanh nghiệp ... |
Thái Hà
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|