Cây an xoa hỗ trợ điều trị các bệnh về gan

(Banker.vn) Theo y học cổ truyền, cây an xoa là dược liệu quý hỗ trợ điều trị chữa nhiều bệnh, trong đó có các bệnh về gan.
“Mẹo” điều trị đau mỏi lưng ở giới trẻ Cây nhọ nồi điều trị gan nhiễm mỡ hiệu quả

Cây an xoa là một loại cây mọc hoang rất phổ biến ở nước ta và là dược liệu quý chữa nhiều bệnh, trong đó có các bệnh về gan như: Giải độc gan, tăng cường chức năng gan, điều trị viêm gan B…

Cây an xoa có tên khoa học là helicteres hirsuta Lour thuộc họ trôm (sterculiaceae) ở Việt Nam, cây an xoa cũng có rất nhiều tên gọi khác nhau tùy từng địa phương như: Cây dó lông, cây tổ kén, cây tổ kén cái. Tại Việt Nam cây mọc chủ yếu ở các vùng núi như Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La…

Ảnh minh họa
Cây an xoa là loại thuốc quý trong các bài thuốc điều trị bệnh gan. Ảnh minh họa

Cây an xoa thường mọc theo bụi, có chiều cao trung bình từ 1 – 3m, cành cây hình trụ, có lông bao quanh. Lá an xoa hình bầu dục, dài từ 5 – 17cm, đầu lá thuôn nhọn, mặt sau lá màu trắng. Hoa mọc thành cụm gồm nhiều hoa ngắn, thường mọc ở nách lá. Màu của hoa thường có màu hồng hoặc màu đỏ, có 5 cánh có gân ở cuống hoa, chia 5 răng; cánh hoa 5; cuống bộ nhị có vân đỏ; nhị 10, nhị lép bằng chỉ nhị; bầu có nhiều gợn, chưa 25-30 màu trong mỗi lá noãn. Quả nang hình trụ nhọn; hạt nhiều, hình lăng trụ.

Tác dụng của cây an xoa

+ Bộ phận dùng: Thân, rễ và lá.

+ Thu hái sơ chế: Cây có thể thu hoạch quanh năm, thông thường nên thu hoạch vào khoảng tháng 5 đến tháng 11 vì lúc này cây có sự phát triển mạnh và có nhiều dược tính.

+ Bào chế thuốc: Sau khi thu hoạch sẽ tiến hành phân loại phần lá và phân thân ra, rồi cắt nhỏ, đem phơi hoặc sấy khô. Sau đó hai phần nguyên liệu sẽ được trộn đều và bảo quản để dùng dần. Có thể dùng ở dạng sao vàng hạ thổ giúp đốt cháy lớp lông trên cây, hạn chế tình trạng ngứa rát cổ họng khi dùng thuốc.

+ Thành phần hóa học: Thành phần của cây an xoa có chứa nhiều hoạt chất flavonoid (apigenin, tiliroside), lignan, triterpenoid (lupeol), stigmasterol, nhiều enzyme và các nguyên tố vi lượng...

Trong đó hợp chất lignans (thuộc nhóm hợp chất phenolic), stigmasterol có khả năng kháng lại các tế bào ung thư, ngăn chặn sự phát triển của các khối u; còn hoạt chất flavonoid có khả năng chống oxy hóa và bảo vệ các tế bào miễn dịch, đồng thời có thể ngăn chặn hoạt động của các gốc tự do có thể gây bệnh.

Công dụng của cây an xoa

Cây an xoa có vị cay, mùi thơm, quy vào kinh Can. Trong Y học cổ truyền, thân an xoa được dùng là thuốc chữa ung nhọt. Rễ cây được dùng giảm đau, chữa lỵ, đậu sởi, cảm cúm và làm thuốc tiêu độc. Cây có tác dụng tốt trong hỗ trợ điều trị ung thư, nhất là ung thư gan, đồng thời hỗ trợ phòng và điều trị các bệnh về gan như men gan cao, viêm gan, xơ gan…; hỗ trợ giải độc gan, làm mát gan, hạ men gan và tăng cường chức năng gan; hỗ trợ điều trị bệnh mất ngủ, vàng da, chân tay yếu ớt. Ở một số nước Đông Nam Á, rễ cây an xoa còn dùng để trị sốt rét và bệnh đái tháo đường.

Theo một số ít những nghiên cứu đã công bố 6 hợp chất được phân lập từ thân cây an xoa có hoạt tính gây độc đối với tế bào ung thư phổi (Lu1), ung thư tuyến tiền liệt (LNCaP), ung thư vú ở người (MCF-7), cho thấy tiềm năng cho các nghiên cứu về thuốc kháng ung thư sau này.

Ở Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy một số hợp chất được chiết xuất từ thân cây an xoa có khả năng chống oxy hoá, hoạt tính bảo vệ gan (tác dụng bảo vệ gan, giảm mức tăng men gan, giảm tổn thương vi thể trong gan) và có khả năng gây độc dòng tế bào Hep-G2 (tiêu diệt tế bào ung thư gan)… góp phần giải thích công dụng chữa bệnh ung thư gan của loài thảo dược này.

Lưu ý khi sử dụng an xoa

Không dùng cây an xoa cho phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em, người huyết áp thấp và người dị ứng với thành phần của dược liệu.

Không dùng cây an xoa với thuốc Tây vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.

Thảo dược an xoa dùng làm thuốc cần phải được bào chế, chiết xuất, sử dụng đúng cách thì mới phát huy được những tác dụng của dược liệu.

Đặc biệt, cơ địa mỗi người bệnh là khác nhau, không phải ai bệnh ung thư (ung thư gan) dùng an xoa cũng đạt hiệu quả.

Vì vậy, người dân khi muốn sử dụng cây an xoa để chữa bệnh cần phải có sự thăm khám, hướng dẫn và theo dõi từ bác sĩ, từ người có chuyên môn… Không nên tùy tiện dùng hoặc nghe theo lời đồn để tránh các tai biến dẫn đến tiền mất, tật mang.

Lê Nguyệt

Theo: Báo Công Thương