Câu chuyện về BYJU: Từ “kỳ lân” công nghệ Ấn Độ đến nhà tài trợ chính thức cho FIFA WORLD CUP 2022

(Banker.vn) Từ một startup non trẻ, BYJU đã trở thành "siêu kỳ lân" trong lĩnh vực công nghệ giáo dục. Tại World Cup 2022, họ sẽ là nhà tài trợ chính thức của giải đấu, bên cạnh những ông lớn như Coca-Cola, Vivo, Hisense...

Đối với đa phần fan hâm mộ của giải bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup, những cái tên như Hyundai, Coca-Cola, Visa hay Hisense đã trở thành thương hiệu “đến hẹn lại lên” giống như cách mà thủ môn Guillermo Ochoa của đội tuyển Mexico được nhắc tên mỗi kỳ World Cup diễn ra.

Nằm trong số 7 nhà tài trợ chính thức của World Cup 2022, BYJU, Công ty công nghệ giáo dục hay nói chính xác hơn là một startup “kỳ lân” đến từ Ấn Độ lại có thể ngồi chung mâm với những thương hiệu hàng đầu thế giới là một bất ngờ.

Siêu "kỳ lân" trị giá 10 tỷ USD

Xét trên bình diện toàn thế giới, BYJU còn là một thương hiệu xa lạ nhưng tại quốc gia tỷ dân Ấn Độ, ứng dụng học tập Byju App có đến hơn 115 triệu người dùng và đã từng được định giá 10.5 tỷ USD vào năm 2020.

Câu chuyện về BYJU: Từ “kỳ lân” công nghệ Ấn Độ đến nhà tài trợ chính thức cho FIFA WORLD CUP 2022
BYJU là 1 trong 7 nhà tài trợ chính thức của FIFA World Cup 2022

Byju's được phát triển bởi Think and Learn Pvt Ltd. Công ty này được thành lập bởi chủ tịch và cũng từng là một giáo viên Tiếng Anh Byju Raveendran vào năm 2011.

Năm 2006, Byju Raveendran bắt đầu ôn luyện cho sinh sinh viên vượt qua các kỳ thi toán. Đến năm 2011, anh thành lập một công ty giáo dục với sự giúp đỡ của các sinh viên của mình cung cấp các chương trình học tập dựa trên video trực tuyến cho phân khúc K-12 cũng như các kỳ thi cạnh tranh.

Vào tháng 8/2015, sau 4 năm phát triển, Công ty đã ra mắt ứng dụng học tập Byju's. Ngay sau khi ra mắt, ứng dụng đã được hơn 2 triệu sinh viên tải xuống trong vòng 3 tháng đầu tiên. Đến tháng 12/2016, ứng dụng này nằm trong số các ứng dụng tốt nhất theo xếp hạng của Google Play ở Ấn Độ.

Năm 2016, Mark Zuckerberg đã đầu tư 50 triệu USD cho công ty ed-tech này thông qua tổ chức từ thiện Chan Zuckerberg Initiative. Đây là công ty đầu tiên tại châu Á nhận được khoản tài trợ này.

Cuối năm 2018, Think & Learn Pvt. Ltd trở thành một trong những startup công nghệ giáo dục (ed-tech) giá trị nhất thế giới – được định giá 3,6 tỉ USD. Chỉ mới gia nhập câu lạc bộ startup kỳ lân vào đầu năm 2018, trong vòng 9 tháng Byju's đã huy động được 540 triệu USD để mở rộng ra thị trường toàn cầu.

Vào giữa năm 2020, Byju's đã trở thành "siêu kỳ lân" (định giá từ 10 tỷ USD) sau vòng gọi vốn mới nhất trị giá 100 triệu USD do Bond Capital dẫn đầu.

Ấn Độ, với 260 triệu trẻ em ở độ tuổi đi học, là thị trường chính của Byju's, đóng góp phần lớn trong số 3,5 triệu thuê bao trả tiền. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2020, doanh thu hàng năm của công ty tăng lên 371 triệu USD so với con số 207 triệu USD của năm ngoái.

Tại sao BYJU lại đầu tư vào World Cup 2022?

Câu hỏi này được đưa ra vì tại Ấn Độ, quốc gia có đến hơn 1.4 tỷ dân thì cricket mới là môn thể thao được nhiều người quan tâm nhất. Đội tuyển bóng đá quốc gia Ấn Độ hiện xếp thứ 106 trên bảng xếp hạng FIFA và kém Việt Nam đến 9 bậc (Việt Nam xếp thứ 97). Còn trong lần gần nhất hai đội giao hữu với nhau trên sân vận động Thống Nhất, đoàn quân của HLV Park Hang Seo đã dễ dàng vượt qua Ấn Độ với tỷ số 3-0.

Vì vậy, có thể nói để vươn tầm Châu Á còn khó, hướng đến World Cup thì còn là giấc mơ quá xa với đối với quốc gia Nam Á này.

Câu chuyện về BYJU: Từ “kỳ lân” công nghệ Ấn Độ đến nhà tài trợ chính thức cho FIFA WORLD CUP 2022
Tham vọng của BYJU là tiến ra các thị trường quốc tế sau kỳ World Cup

Tuy nhiên, có thể khẳng định, tham vọng của BYJU không phải là hướng người Ấn Độ quan tâm đến bóng đá. Cái đích họ nhắm đến xa hơn rất nhiều: Biến Byju App trở thành ứng dụng học tập có ảnh hưởng trên toàn thế giới chứ không chỉ đơn thuần tại thị trường trong nước.

Được biết, chi phí tài trợ của BYJU đối với kỳ World Cup 2022 lần này là 35 triệu USD, số tiền không quá nhiều so với doanh thu 1.3 tỷ USD của Công ty trong năm qua. “Cái bắt tay” với FIFA dự kiến sẽ hỗ trợ “cựu thầy giáo” Byju Raveendran và các cộng sự trong công cuộc tiến vào các thị trường trọng điểm như Anh, Mỹ, Úc, hướng đến những quốc gia tiềm năng ở Châu Mỹ như Brazil và Mexico...

Hoàng Việt

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán