Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Nguyễn Minh Phương, công tác tại Ngân hàng BNP Paribas – chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.
“Bạn không thể diễn đạt trôi chảy một vấn đề bằng ngôn từ của người khác cho đến khi bạn thật sự trải nghiệm bằng chính cuộc đời mình và hiểu cách mà mọi thứ vận hành”.
Sinh ra trong một gia đình có ba và mẹ cùng là banker, tuổi thơ tôi vốn đã được tiếp xúc sớm với các từ ngữ chuyên ngành như “lạm phát”, “vốn ODA”, “rủi ro tín dụng”, ... nhưng dường như càng lớn lên tôi lại càng quên đi vì ước mơ thuở bé của mình lại là một ngành khác. Dù vậy, sau nhiều lần suy nghĩ về nghề nghiệp tương lai, tôi đã chọn bước đi trên con đường trở thành một banker như thế hệ ba mẹ mình vì trong những năm mà nhiều người thức trắng để chật vật với cơm áo gạo tiền thì ngành này vẫn đem lại cho gia đình tôi một nguồn thu nhập tương đối ổn định và gần như không bị đói bất cứ một ngày nào.
Qua bao cuộc phỏng vấn thất bại ở nhiều nơi, ngày 2/4/2018, tôi được gọi phỏng vấn tại một ngân hàng của xứ sở quý tộc và lãng mạn - nơi mà các cặp đôi luôn ao ước được một lần hôn nhau dưới chân tháp Eiffel trong các tác phẩm văn học châu Âu. BNP Paribas đến Việt Nam với hai chi nhánh chính, một đặt tại Thủ đô của đất nước và một được thừa hưởng sự bảo vệ an ninh nghiêm ngặt của các lãnh sự quán khi toạ lạc tại toà nhà Saigon Tower - một toà lâu đài cổ kính xen lẫn chút hiện đại giữa lòng thành phố mang tên Bác.
Vì là một trong hai ngân hàng Pháp duy nhất còn hoạt động và hiện diện tại Việt Nam (bên cạnh BPCE), tôi may mắn được góp mặt chào đón các đối tác cùng các cấp lãnh đạo trong khuôn viên của lãnh sự quán Pháp nhân dịp kỷ niệm 30 năm đến Việt Nam. Ở Pháp, BNP Paribas vốn là một trong những ngân hàng quốc dân và được nhiều người biết đến nhưng ở Việt Nam, hầu như ai cũng mắt chữ A mồm chữ O cho đến khi tôi nhắc đến việc tài trợ cho các giải quần vợt nổi tiếng thì họ mới gật gù và thêm vào dấu huyền ở các chữ cái ấy. Dù ít người biết và các chiến dịch truyền thông chưa được đẩy mạnh trong suốt thời gian hoạt động ở Việt Nam, BNPP vẫn luôn mở rộng vòng tay yêu thương và thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng (CSR) thông qua các chương trình thiện nguyện như xây nhà tình thương, tặng quần áo, sách vở hoặc kết hợp tổ chức các buổi hướng dẫn cho sinh viên mới ra trường. Với quy mô chỉ hơn 90 nhân viên ở cả hai chi nhánh, sự nồng nhiệt hưởng ứng các phong trào nội bộ và cộng đồng của BNPP không bao giờ suy giảm cho dù tuổi tác hay vị trí địa lý có thể là một trong những yếu tố ngăn cản. Có thế mới biết không phải banker nào cũng khô khan, chẳng qua đôi lúc cách chúng ta thể hiện khác nhau mà thôi.
Tôi đã bắt đầu sự nghiệp banker ở phòng Quan hệ khách hàng doanh nghiệp, rồi sau đó nhận lãnh một nhiệm vụ quan trọng hơn đó là Junior ARM (hỗ trợ Giám đốc Quan hệ khách hàng) trong thời gian chị đồng nghiệp nghỉ sinh. Mọi thứ mới mẻ, bao gồm những áp lực trong việc hỗ trợ các RM tìm hiểu thông tin doanh nghiệp để cập nhật KYC định kỳ hoặc trình lên Hội đồng tín dụng ... có những lúc khiến tôi trăn trở. Nếu như ngày trước, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, những gì được học đối với tôi toàn là những kiến thức khô khan được người đi trước đúc kết và truyền đạt một cách thụ động thì bây giờ chúng đều bày ra trước mặt tôi. Chỉ cần một chút sai sót, tôi có thể phải trả giá đắt và làm liên lụy đến người khác. Dù vậy, tôi rất biết ơn những cấp lãnh đạo, những đồng nghiệp không chỉ trong nội bộ phòng mà còn từ những phòng khác, luôn sẵn sàng tạo điều kiện, hướng dẫn và chia sẻ gánh nặng công việc với mình.
Văn hoá làm việc tại BNPP đối với tôi khá thoải mái và phù hợp bởi hầu hết các phòng ban đều chú trọng tới hiệu suất và tiến độ thực hiện công việc chứ không quá đặt nặng về việc tuân thủ khung thời gian hành chính như một số nơi khác. Ngày trước, BNPP có chương trình “Happy day” - mỗi nhân viên được thay phiên nhau về lúc 4h, mỗi tháng một lần và nhiều hoạt động khác để khuyến khích mọi người cân đối công việc và cuộc sống (work/life balance). Áp dụng không được bao lâu thì “Happy day” bị huỷ, chúng tôi cũng được khích lệ khi có thể về lúc 5h vào các ngày lễ và tất cả mọi người được free detox + trái cây vào đầu tuần. Vào các ngày thứ Sáu (cũng là ngày làm việc cuối cùng trong tuần), chúng tôi không phải “đóng thùng” trong những bộ đồ công sở nhưng được diện quần áo tự do cùng nhau nhảy flashmob đầu giờ để thêm năng lượng cho ngày làm việc hiệu quả.
Hiện tại, tôi đã chuyển sang phòng Global Transaction Banking (dịch vụ Ngân hàng giao dịch toàn cầu) và thấm thoát đã gắn bó với BNPP Việt Nam được 3 năm. Mặc dù khối lượng và một số tính chất khác trong công việc tại BNPP vẫn là một trong những nguyên nhân khiến các phòng ban phải triệu tập nhiều cuộc họp với nhau, chúng tôi vẫn luôn cố gắng đồng bộ, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng ngày một tốt hơn. Cùng nhau đưa ra phương án đáp ứng được sự phân công công việc hợp lý để có thể tiếp tục làm việc đồng bộ và giữ hoà khí còn quan trọng hơn cả những cuộc tranh cãi nảy lửa bởi vì có nhiều lúc bạn đâu thể lựa chọn làm việc chỉ với những người mình thích hoặc chỉ với những người hiểu mình (và mình hiểu họ) đúng không?
Tôi tin rằng bản thân cùng các đồng nghiệp tại BNPP vẫn luôn là những banker chăm chỉ làm việc để có thể trả những hoá đơn của chính mình vào cuối ngày và có thể đóng góp một phần công sức nhỏ bé trong sự phát triển của ngành Ngân hàng nói chung. Còn về ước mơ thuở bé, tôi vẫn sẽ cố gắng dành thời gian theo đuổi đam mê viết, nghệ thuật và công nghệ bằng cách khác bởi có nhiều banker mà tôi biết vẫn có thể vừa quân bình việc đảm bảo doanh số, vừa thực hiện đam mê dạy thêm vào cuối tuần...
NGUYỄN MINH PHƯƠNG
Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|