Cát sông nhấn chìm cán bộ tha hóa

(Banker.vn) Ngoài những đối tượng coi thường pháp luật, nhiều cán bộ cũng vì cát mà mất nhân cách, tha hóa buông rơi đạo đức công vụ.
Nhiều cán bộ tha hóa, biến chất, tham nhũng Quyền lực và sự tha hóa

Ngày 25-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, xác nhận Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can với ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, về tội "Nhận hối lộ".

Nhận tiền tỉ để dung túng

Cơ quan điều tra xác định ông Thư có sai phạm trong vụ án hoạt động khai thác, kinh doanh cát của Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 (Công ty Trung Hậu) tại mỏ cát trên địa bàn xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Cát sông nhấn chìm cán bộ tha hóa - Ảnh 1.
Bị can Trần Anh Thư. Ảnh: BỘ CÔNG AN

Theo C03, sau những chỉ đạo trái pháp luật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư được nhận tiền và lợi ích vật chất từ Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Trung Hậu. Tổng số tiền ông này đã nhận là 1,2 tỉ đồng.

Ông Thư đã chỉ đạo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí hỗ trợ, tạo điều kiện giúp Công ty Trung Hậu được cấp phép thăm dò, khai thác, nâng trữ lượng, công suất khai thác cát… Ông này cũng chỉ đạo cấp dưới bỏ qua những sai phạm trong quá trình khai thác tại mỏ cát của công ty này.

Cát sông nhấn chìm cán bộ tha hóa - Ảnh 2.
Bị can Nguyễn Việt Trí. Ảnh: BỘ CÔNG AN

Trước ông Thư, ông Nguyễn Việt Trí bị khởi tố, bắt tạm giam cũng vì tội "Nhận hối lộ". 17 đồng phạm của ông này, trong đó nhiều người là cán bộ. Họ bị khởi tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thành công vụ", tội "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" hoặc tội "Đưa hối lộ".

Trước đó, qua nắm bắt tình hình, phát hiện các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp nhiều năm phức tạp về tình hình quản lý khai thác cát, lực lượng chức năng đã vào cuộc.

Ngày 28-7, người dân xã Bình Phước Xuân chứng kiến nhiều cảnh sát trên ca-nô từ phía bờ tỉnh Đồng Tháp tiến ra giữa sông Tiền. Tiếp đó, toàn bộ khu mỏ đang khai thác cát của Công ty Trung Hậu bị bao vây. "Tôi nghe tiếng la ó của những người trên sà lan, nhưng nhanh chóng sau đó cũng không nghe gì? Lúc đó, khu mỏ này có rất nhiều xáng cạp đang hoạt động, nhiều sà lan đang lấy cát, cũng có vài chiếc đang neo đậu" - một người dân kể lại thời điểm đó và quả quyết: "Tất cả đều bị bắt, nhanh lắm!".

Cát sông nhấn chìm cán bộ tha hóa - Ảnh 3.
Hiện trường hàng chục xáng cạp tại khu mỏ do Công ty Trung Hậu khai thác cát trên sông Tiền. Ảnh: VĨNH KỲ

Nghi vấn thiếu minh bạch

Trong khi đó, tại Đồng Tháp, sau rất nhiều năm chỉ cấp phép cho Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp (Công ty Xây lắp Đồng Tháp) khai thác cát mà không phải đấu thầu, đến ngày 7-7 vừa qua, lần đầu tiên UBND tỉnh Đồng Tháp mở thầu để nhiều doanh nghiệp tham gia đấu thầu khai thác cát sông. Trước sự việc này, dư luận cũng đã đặt nghi vấn có hay không việc độc quyền, thiếu minh bạch trong khai thác cát.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại Đồng Tháp. Kết quả thanh tra chỉ rõ UBND tỉnh Đồng Tháp đã cấp gia hạn khai thác 12 giấy phép hết hạn sau ngày 1-7-2011 là không đúng quy định; cấp mới 7 giấy phép khai thác cát chưa đúng quy định.

Báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp thể hiện tính đến năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 17 giấy phép khai thác cát sông còn hiệu lực hoạt động với trữ lượng được cấp phép là 32.876.048 m3, trữ lượng được phép khai thác còn lại 26.899.416 m3, công suất được phép khai thác đối với cát san lấp là 5.567.000 m3/năm, cát xây dựng là 789.000 m3/năm...

Cát sông nhấn chìm cán bộ tha hóa - Ảnh 4.
Khu mỏ liên quan Công ty Trung Hậu tại huyện Chợ Mới bị dừng hoạt động Ảnh: VĨNH KỲ

Tuy nhiên, qua xem xét báo cáo của UBND tỉnh và Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp, Thanh tra Chính phủ nhận thấy UBND tỉnh Đồng Tháp gia hạn khai thác cát đối với 12 giấy phép hết hạn sau ngày 1-7-2011 là không đúng quy định. Ngoài ra, tỉnh này cấp mới 7 giấy phép khai thác cát thuộc khu vực khoanh định không đấu giá nhưng chỉ xác định ưu tiên cung ứng cát cho các công trình trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình sử dụng vốn đầu tư công theo đề nghị của cơ quan chức năng dẫn đến đơn vị khai thác cát trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã cung cấp một khối lượng lớn cát ra thị trường là chưa đúng quy định.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ dự án Đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu (thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020) có nhu cầu sử dụng cát để san lấp là 495.653 m3. Trong đó, cát san lấp do Công ty Xây lắp Đồng Tháp khai thác tại các mỏ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, đất và đá để san lấp là do Công ty TNHH liên doanh Antraco khai thác tại các mỏ trên địa bàn tỉnh An Giang… Tuy nhiên, qua kiểm tra và theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp, Thanh tra Chính phủ phát hiện UBND tỉnh Đồng Tháp không cấp phép khai thác khoáng sản cung cấp cho dự án trên. Cát phục vụ san lấp tại dự án là do đơn vị thi công tự hợp đồng với đơn vị trung gian cung cấp và vận chuyển cát cho dự án.

Trách nhiệm những điều trên thuộc về chủ tịch UBND tỉnh, phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoảng sản, Giám đốc Sở TN-MT và các tổ chức, cá nhân có liên quan. "Qua quá trình kiểm điểm, xử lý, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển Cơ quan CSĐT xem xét theo thẩm quyền" - kết luận nhấn mạnh.

Dù rất đồng tình việc xử lý song dư luận An Giang đặt ra câu hỏi vì sao vụ việc khai thác cát trái phép và hàng loạt vụ sạt lở được báo chí nói đến khá nhiều nhưng cho đến bây giờ họ mới có thể chờ đợi và hy vọng vào những biện pháp nghiêm khắc được áp dụng với những người vi phạm pháp luật trên.
"Bôi trơn" để trục lợi

Theo điều tra, Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác tổng khối lượng hơn 1,53 triệu m3 cát để cung cấp cho 4 công trình. Lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, Lê Quang Bình đã chỉ đạo nhân viên và thuê các đối tượng liên quan tổ chức khai thác hơn 4,78 triệu m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép hơn 3,2 triệu m3, có giá trị tạm tính khoảng 253 tỉ đồng. Số lượng cát được khai thác trên không được ghi vào sổ sách và không được nộp nghĩa vụ tài chính.

Để tiêu thụ số cát khai thác trái phép trên, Bình cùng đồng phạm dùng thủ đoạn thông qua các công ty trung gian do mình thành lập, quản lý mua hóa đơn đầu vào khống nhằm hợp thức nguồn gốc cát. Số tiền thu được, Bình sử dụng chi cho một số cán bộ.

Ít ngày trước, người dân TP Long Xuyên xôn xao việc nhà Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư có công an đến khám xét. Cùng thời điểm này, trên Cổng thông tin điện tử An Giang, lịch công tác của ông Thư đã bị bỏ trống, hoặc điền vào một dòng cho có lệ.

nld.com.vn

Theo: Báo Công Thương