CASA đứng trước áp lực giảm trong trung hạn?

(Banker.vn) Theo dữ liệu tổng hợp, tính đến hết quý II/2022, 18/27 ngân hàng có tỷ lệ CASA giảm so với đầu năm.Tỷ lệ CASA trung bình của 27 ngân hàng niêm yết ở mức 21,86%, giảm 68 điểm cơ bản so tỷ lệ cuối năm trước.
CASA đứng trước áp lực giảm trong trung hạn? (Ảnh minh họa)
CASA đứng trước áp lực giảm trong trung hạn? (Ảnh minh họa)

Dữ liệu thống kê của FiinGroup đối với 27 ngân hàng niêm yết cho biết, tổng lượng tiền gửi khách hàng tính đến hết quý II/2022 là 7,84 triệu tỷ đồng, tăng 4,7% so với đầu năm, trong đó lượng tiền gửi không kỳ hạn của 27 nhà băng ở mức 1,71 triệu tỷ đồng, tăng 1,5%. Theo đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trung bình ở mức 21,86%, giảm 68 điểm cơ bản so tỷ lệ hồi đầu năm.

Tăng trưởng CASA là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều ngân hàng nhằm tận dụng được nguồn vốn chi phí thấp. Các nhà băng đã triển khai nhiều chính sách thu hút dòng tiền này như miễn phí giao dịch, chương trình ưu đãi thanh toán...

Trong 6 tháng cuối năm, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam kỳ vọng tiền gửi phục hồi nhờ động lực lãi suất hấp dẫn, nhằm bù cho các rủi ronhư áp lực lạm phát và tăng lãi suất điều hành của các nền kinh tế lớn, dẫn đến rủi ro mất giá của đồng nội đị. Các ngân hàng đang điều chỉnh tăng lãi suất để thu hút dòng tiền tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn. Vì vậy, nhóm phân tích cho rằng các đợt điều chỉnh lãi suất sắp tới sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiền gửi.

Tuy nhiên, Mirae Asset cũng cho rằng lo ngại lạm phát cao và các bất ổn kinh tế trên thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng, gián tiếp suy giảm tỷ lệ CASA. Nhóm phân tích cho biết do các lo ngại về suy thoái kinh tế và mất giá đồng tiền, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chọn lọc hơn khi mua sắm, vì vậy, số dư trong tài khoản thanh toán giảm làm cho CASA của phần lớn các ngân hàng giảm.

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn để bù vào rủi ro lạm phát và suy giảm tỷ giá đang là lựa chọn hàng đầu, trong bối cảnh lãi suất từ các kênh đầu tư có thu nhập cố định (tiền gửi, trái phiếu) chưa đủ hấp dẫn.

Vì vậy, nhóm chuyên gia cho rằng CASA sẽ không có mức tăng tốt như giai đoạn 2020 và 2021 trong trung hạn. Cũng nhận thấy rằng CASA của các ngân hàng thương mại quốc doanh đang bắt kịp dần với tỷ lệ chung của các ngân hàng tư nhờ thay đổi chính sách thu phí giao dịch.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định trong các quý tới, tỷ lệ CASA có thể gặp áp lực giảm do các thị trường đầu tư tài sản kém thuận lợi và dòng tiền nhàn rỗi rút ra tập trung đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng ghi nhận lượng khách hàng thường xuyên tăng nhanh như Techcombank, MB, MSB, TPBank… sẽ có được nguồn vốn huy động dồi dào hơn và giảm được chi phí vốn trong dài hạn.

Trái ngược với nhận định của Mirae Asset và VCBS, Chứng khoán Yuanta Việt Nam lại cho rằng CASA sẽ phục hồi tăng trở lại khi hạn mức tín dụng được nâng lên vào cuối quý III/2022.

Nhóm chuyên gia đưa ra nhận định hầu hết các ngân hàng đều đã công bố tỷ lệ CASA thấp hơn quý II nguyên nhân là do tín dụng bị eo hẹp, khi các ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng ban đầu. Do đó, các ngân hàng không thể giải ngân và những người đi vay sẽ phải rút tiền gửi CASA để chi trả hoặc phân bổ vào những kênh đầu tư như bất động sản hay chứng khoán.

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán