Cấp bách tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp

(Banker.vn) Cần có những giải pháp đồng bộ để tiền chảy vào nền kinh tế nhiều hơn, cấp bách tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.
Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệpNgân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng cấp đủ vốn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

Tiếp cận vốn còn nhiều rào cản

Chia sẻ tạo Tọa đàm tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng nay 13/12 tại TP. Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhấn mạnh vốn là "mạch máu" của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp hồi phục và phát triển sau khi đại dịch COVID- 19 được kiểm soát. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là khả năng tiếp cận vốn rất hạn hẹp. Điều này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, làm chậm tiến trình hồi phục, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.

Cấp bách tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp

Tọa đàm tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp"

Thực tế, từ đầu năm đến nay kênh dẫn vốn quan trọng nhất là tín dụng ngân hàng, tăng trưởng của kênh này hiện cao nhất từ đầu năm trở lại đây, mang lại gần 1,4 triệu tỉ đồng cho nền kinh tế. dù vậy vẫn chưa đủ. Nhu cầu của doanh nghiệp là rất lớn, quan trọng hơn là ngoài mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng là bảo đảm ổn định dòng tiền để ổn định kinh tế vĩ mô, kềm chế lạm phát.

Năm 2022, lạm phát về đích nhưng không thể dự đoán trước. Lạm phát lõi và lạm phát các yếu tố phi tiền tệ sẽ tác động đến vòng 2 của giá hàng hoá. Hiện chưa có bóng dáng của lạm phát nhập khẩu đến lạm phát trong nước. Ngân hàng Nhà nước một mặt vẫn nới room tín dụng, đợt rồi đã nới 1% -2%, đến ngày nay tăng trưởng tín dụng đạt trên 12%. Từ nay đến cuối năm, còn 3 tuần để ngành ngân hàng tiêu 300.000 – 400.000 tỉ đồng là một thách thức dù nhu cầu vốn rất lớn. Trong bối cảnh này, ngân hàng thương mại cũng phải đốt đuốc tìm doanh nghiệp tốt để cấp hạn mức tín dụng, cho vay. Thực tế là khoảng cách giữa cung và cầu tín dụng là vấn đề rất khó trong điều hành ngành ngân hàng, làm sao cho khoảng cách này được rút ngắn và giữa ngân hàng với doanh nghiệp có tiếng nói chung.

Dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel cho rằng cần nhìn lại để thiết kế chính sách cho phù hợp hơn. Cụ thể như gói hỗ trợ 2% lãi suất, số lượng doanh nghiệp được hưởng, giải ngân được bao nhiêu? Ba kênh vốn là ngân hàng, chứng khoán và trái phiếu đều tắc nghẽn, chỉ còn vốn tín dụng, vì thế các kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp cần được khai thông nhanh hơn.

Ông Trương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh thì cho rằng ngành ngân hàng cũng cần nhanh hơn. Với sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp đều rất ghi nhận thời gian qua. Tuy nhiên, lúc này, việc tiếp cận để tăng vốn không dễ, vì vậy doanh nghiệp đang trông chờ rất lớn vào các chính sách kịp thời của Nhà nước. Riêng doanh nghiệp lương thực thực phẩm sản xuất hàng thiết yếu hằng ngày phục vụ tiêu dùng, thời gian vừa qua đối diện nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong ngành xác định phải nỗ lực cung ứng cho cung cầu thị trường nhất là dịp cuối năm. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần nhanh hơn, chia sẻ nhiều hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn để đi qua khó khăn hiện tại.

Cần có những giải pháp đồng bộ để tiền chảy mạnh vào nền kinh tế

Từ phía các ngân hàng, ông Đỗ Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết đến đầu tháng 12, ngân hàng đã cung hơn hơn 1,2 triệu tỉ đồng, tăng trưởng hơn 120.000 tỉ đồng (tương đương mức tăng khoảng 10,7% so với đầu năm). Lĩnh vực cho vay chủ yếu theo chỉ đạo của Chính phủ, tín dụng xanh và lĩnh vực thiết yếu. Riêng về room tín dụng, mới đây VietinBank được tăng thêm khoảng 20.000 tỉ đồng, góp phần đáp ứng kịp thời về vốn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tập trung rà soát chi phí, tiết giảm chi phí tối đa để kiềm chế mức tăng lãi suất cho vay hiện nay. VietinBank sẵn sàng đồng hành, đi cùng DN trong giai đoạn khó khăn.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định nới thêm 1,5 - 2%, tức là nâng tổng tăng trưởng chỉ tiêu tín dụng cả năm 2022 lên 15,5 - 16%.

Việc nới room tín dụng là rất tích cực, vì nhiều hồ sơ, nhiều công trình, dự án đang dở dang khi trái phiếu doanh nghiệp chưa phát hành được. Nay cần vốn cho những khoản nợ đến hạn phải thanh toán, người mua nhà phải giải ngân tiếp tục... Ngoài ra, cần chú ý các kênh dẫn vốn khác, như trái phiếu doanh nghiệp cần khẩn trương tháo gỡ, vì đây là kênh rất quan trọng với doanh nghiệp bất động sản và các doanh nghiệp khác- Tiến sĩ Lực nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần sớm sửa Nghị định 65 để tháo gỡ khó khăn cả về cung và cầu cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cung là doanh nghiệp sẽ phát hành dễ thở hơn; còn cầu là các tổ chức như ngân hàng, quỹ đầu tư, quỹ mở, công ty khác… mạnh dạn đầu tư hơn vào các doanh nghiệp. Và kiến nghị Bộ Tài chính mở hơn nữa kênh phát hành ra công chúng, để tăng tỉ lệ trong tổng giá trị phát hành lên. Như trước đây phê duyệt hồ sơ trong 60 ngày thì nay giảm xuống còn 30 hoặc 15 ngày.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế cho rằng phải đánh giá đúng nguyên nhân để tìm ra giải pháp. Thực tế, dòng vốn chỉ là một trong những yếu tố mà hiện nay đã ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Theo khảo sát của Tổng cục thống kê, 100% doanh nghiệp đối mặt với khó khăn về chi phí đầu vào, đứt gãy chuỗi giá trị; kể cả đầu ra và ở thị trường trong nước. Trong đó, khó khăn về vốn, lãi suất sẽ nằm ở thứ tự thứ 4,5. Do đó, khi bàn về tháo gỡ khó khăn thì cần phối hợp đồng bộ với những khó khăn hàng đầu, như về nguồn lực lao động.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là phối hợp đồng bộ các chính sách; cần chính sách chung và lựa chọn nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua tăng tín dụng cho nền kinh tế hoặc lãi suất cho vay không quá cao. Nhưng khi nới lỏng tiền tệ thì phải đối phó với nguy cơ lạm phát. Khi thông tin lạm phát lõi đang gia tăng, thì nguy cơ lạm phát tiền tệ trong năm 2023 rất cần lưu ý, do đó các yếu tố liên quan cần được chú ý để tiếp tục kiểm soát lạm phát vì sẽ ảnh hưởng đến chính sách tài khóa, chính sách thuế, cần áp dụng chính sách vĩ mô theo chu kỳ.

Thanh Thanh

Theo: Báo Công Thương