Cấp bách hỗ trợ để doanh nghiệp trụ vững

(Banker.vn) Không chỉ sụt giảm đơn hàng do sức mua toàn cầu thấp, doanh nghiệp còn phải chống đỡ với những khó khăn do chậm cải cách môi trường kinh doanh trong nước.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế-xã hội năm tháng đầu năm 2023 cho thấy tình hình của khu vực doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sự cải thiện.

Ðáng lưu ý, nguyên nhân của những khó khăn cho cộng đồng sản xuất, kinh doanh không chỉ đến từ chu kỳ khó khăn của kinh tế thế giới mà còn do những vấn đề nội tại của nền kinh tế.

Sản xuất thiết bị vệ sinh tại Công ty Toto Việt Nam ở khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh MINH HÀ)
Sản xuất thiết bị vệ sinh tại Công ty Toto Việt Nam ở khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh MINH HÀ)

Doanh nghiệp phá sản vẫn tăng cao

Theo Tổng cục Thống kê, năm tháng đầu năm 2023, cả nước có 88 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và hoàn tất thủ tục phá sản, tăng 22,6% so cùng kỳ. Bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhưng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ðáng lưu ý, vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm 24,1% so cùng kỳ, chỉ còn trung bình 9,2 tỷ đồng, thấp hơn giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19.

Báo cáo Kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) công bố mới đây cũng cho thấy 82,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự kiến từ nay đến cuối năm phải giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh vì quá khó khăn. Ðối với các doanh nghiệp còn trụ lại thị trường, 71,2% số doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô lao động với mức giảm hơn 5%; 80,7% số doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu hơn với mức giảm 5%, trong đó tỷ lệ giảm doanh thu hơn 50% là 29,4% số doanh nghiệp.

Năm tháng đầu năm 2023, cả nước có 88 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và hoàn tất thủ tục phá sản, tăng 22,6% so cùng kỳ. Bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhưng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Từ những con số nêu trên, TS Phan Ðức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định "sức khỏe" của cộng đồng doanh nghiệp đã bị bào mòn đi nhiều so với năm ngoái. Ðáng tiếc là trong bối cảnh Quốc hội, Chính phủ đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều trở ngại do những khó khăn về thủ tục hành chính và nguy cơ hình sự hóa quan hệ kinh tế.

Thực trạng này cho thấy vẫn có những rào cản mới không hề nhỏ được tạo ra, thậm chí có trường hợp bỏ thủ tục này thay bằng thủ tục khác. Trong thời điểm này, cơ quan quản lý nhà nước không nên ban hành các quy định mới làm phát sinh thêm chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp buộc phải ban hành, cần có cơ chế hỗ trợ để tuân thủ quy định mới như kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã áp dụng. "Trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là yêu cầu phải được ưu tiên và thực hiện mạnh mẽ hơn với các phương thức giải quyết hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả và nhanh hơn. Chính phủ đã làm tốt những yêu cầu này trong giai đoạn dịch Covid-19, do vậy, cần tiếp tục phát huy", TS Phan Ðức Hiếu nhấn mạnh.

Trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là yêu cầu phải được ưu tiên và thực hiện mạnh mẽ hơn với các phương thức giải quyết hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả và nhanh hơn. Chính phủ đã làm tốt những yêu cầu này trong giai đoạn dịch Covid-19, do vậy, cần tiếp tục phát huy.

TS Phan Ðức Hiếu

Tạo thêm nguồn lực cho doanh nghiệp

Trong kết quả khảo sát của Ban IV, các doanh nghiệp chỉ ra bốn khó khăn, thách thức lớn đang phải đối mặt. Ðó là khó khăn do không có đơn hàng; khó tiếp cận vốn vay; thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật; nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế.

Ðáng lo ngại là niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đang xuống thấp, nhất là đối với các doanh nghiệp ngành xây dựng, doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.

Cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, 84% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.

Theo TS Phan Ðức Hiếu, tại thời điểm khó khăn này cần phải chắt chiu từng cơ hội cho doanh nghiệp tồn tại và trụ vững. Nếu để doanh nghiệp vì quá khó khăn mà buông xuôi, phá sản, sau này chi phí vận hành lại sẽ rất lớn.

Nếu có cơ hội, dù là rất nhỏ cũng phải nắm lấy để doanh nghiệp cầm cự, duy trì hoạt động vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trước mắt, kiến nghị hoàn thuế của doanh nghiệp phải được giải quyết sớm, dứt điểm. Vấn đề này đã được đưa ra rất lâu, qua nhiều cuộc làm việc mà vẫn chưa có giải pháp. Không thể để doanh nghiệp thiếu tiền, phải đi vay trong khi tiền hoàn thuế tồn đọng nhiều năm. Ðây cũng là nội dung được đề cập trong Báo cáo của Ban IV.

Theo Giám đốc Ðiều hành Ban IV Phạm Thị Ngọc Thủy, có những thủ tục hoàn thuế doanh nghiệp kiến nghị ba năm chưa được tháo gỡ, việc cần làm lúc này là đẩy nhanh hoàn thuế theo cơ chế đặc biệt. Từ cuối năm ngoái, các doanh nghiệp ngành gỗ, cao-su... đã liên tục kêu cứu vì bị "giam" hàng nghìn tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) suốt thời gian dài trong khi doanh nghiệp kiệt quệ tài chính vì khó khăn do đại dịch Covid-19 và biến động của thị trường đầu ra.

Ban IV đề xuất cơ chế cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế trong vòng ba tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng và kết hợp với các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế. Cơ chế này sẽ tạo điều kiện cho số đông các doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật mà vẫn có thể chống gian lận thuế.

Một giải pháp được cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia, tổ chức nghiên cứu kiến nghị thực hiện là đẩy mạnh đầu tư công để bơm tiền cho nền kinh tế, tập trung vào nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia. Trong đó chú trọng các hạ tầng kết nối giữa các trung tâm kinh tế đã hiện hữu với các địa phương lân cận để tạo cơ hội thu hút các làn sóng đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài thế hệ mới.

Giải pháp cấp bách trong lúc này cũng bao gồm việc cần giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tăng khả năng tiếp cận vốn vay.

Theo đó, nên kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn dịch Covid-19 như giảm 2% thuế VAT; nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực, doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục