Cao Bằng: Ngăn chặn hơn 20 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

(Banker.vn) Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng đã thành công ngăn chặn hơn 20 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Cao Bằng: Đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy, không để trở thành nơi tập kết phức tạp Cao Bằng: Hợp tác xã Thành Công bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn do nợ thuế Cao Bằng tiếp tục hành trình đưa điện đến với vùng sâu, vùng xa

Ngày 18/7, UBND tỉnh Cao Bằng thông tin, tính từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tỉnh đã tiếp nhận, phát hiện và điều tra 50 vụ có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có 26 vụ lừa đảo truyền thống, và 24 vụ lừa đảo trên không gian mạng. Trong đó, thủ đoạn các vụ lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng ngày càng tinh vi, như: Gọi điện thoại giả danh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử; thông qua tuyển dụng việc làm online, tuyển cộng tác viên, làm nhiệm vụ kiếm tiền; lợi dụng, giả danh hoạt động cho vay tiền; thủ đoạn bẫy tình, tặng quà có giá trị...

Cao Bằng: Ngăn chặn hơn 20 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng
Lực lượng chức năng tỉnh Cao Bằng tiến hành riệt phá vụ án gọi điện giả danh sàn thương mại điện tử gọi điện Shopee ngày 11/5/2024. (Nguồn ảnh: congan.caobang.gov.vn)

Đặc biệt, trong năm nay, các đơn vị chức năng tỉnh Cao Bằng đã kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ lừa đảo mạo danh lực lượng chức năng có quy mô lớn, với tổng số tiền nguy cơ bị chiếm đoạt trên 02 tỷ đồng. Tiêu biểu như vụ án ngày 26/3/2024, lực lượng Công an đã phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên việt kịp thời phát hiện, ngăn chặn ông T.V.M (SN: 1960; trú tại thị trấn Trùng Khánh) chuyển số tiền 400.000.000 đồng cho các đối tượng lừa đảo thông qua hình thức giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát gọi điện đe dọa. Cũng với thủ đoạn tương tự, lực lượng Công an cũng đã ngăn chặn vụ việc ông L.T.H (SN: 1960; trú tại: thị trấn Hòa Thuận, Quảng Hòa) chuyển số tiền 350.000.000 đồng cho các đối tượng lừa đảo vào ngày 29/01/2024.

Cũng trong năm nay, lực lượng chức năng tỉnh đã đấu tranh triệt phá nhiều vụ án sử dụng công nghệ cao, có dấu hiệu hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đáng chú ý là vụ án ngày 11/5/2024, Công an tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với Cục nghiệp vụ Bộ Công an và Công an Thái Nguyên tiến hành đấu tranh, triệt phá đường dây gọi điện giả danh sàn thương mại điện tử gọi điện Shopee, nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kết quả điều tra xác định, 12 bị can trong vụ án trên đã thực hiện hơn 1,9 triệu cuộc gọi giả mạo và đưa được trên 60.000 cá nhân tham gia nhóm Telegram làm nhiệm vụ. Hiện nay, lực lượng chức năng đã khởi tố 12 bị can về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông và đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Công tác phát hiện, tiếp nhận, xử lý, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng từ đầu năm đến nay cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Lực lượng chức năng đã tiến hành xác minh, giải quyết 50 đơn tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố về lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó tiếp nhận mới 19 tin về lừa đảo qua không gian mạng. Lực lượng chức năng cũng đã đã khởi tố 23 vụ án mới, đề nghị truy tố 12 vụ, tạm đình chỉ điều tra 2 vụ, chuyển cơ quan khác 2 vụ. Hiện lực lượng chức năng đang điều tra 9 vụ án, trong đó có 1 vụ án phục hồi do bắt được đối tượng truy nã quốc tế đang lẩn trốn tại Dubai về hành vi lừa đảo.

Nhằm kiềm chế phát sinh tình hình tội phạm lừa đảo trên địa bàn, trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị số 21/CT-TTg, chỉ đạo của UBND tỉnh, các quy định của pháp luật, những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, các cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng đã đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết tuyên truyền trên mạng xã hội Facebook và Zalo; niêm yết cảnh báo phòng ngừa tội phạm tại các địa điểm giao dịch ngân hàng, cây rút tiền tự động; gửi tin nhắn cảnh báo tới điện thoại di động của người dân; xây dựng, phát động các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; vận động, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật và cảnh giác phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các hành vi vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, trong năm nay, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương đã tổ chức hơn 400 buổi tuyên truyền về phòng chống tội phạm nói chung và lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, thu hút hơn 5.000 lượt người nghe. Qua đó, đại đa số người dân trong tỉnh đã nắm được phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của loại tội phạm này để chủ động phòng ngừa, phần nào hạn chế các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra.

Tuy nhiên, theo đánh giá, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi, đa dạng, thường xuyên thay đối, tìm ra các phương thức mới. Trong khi đó, một bộ phận nhân dân trình độ nhận thức còn hạn chế, nhất là tầng lớp trung niên, cao tuổi, người ở khu vực nông thôn đã nhẹ dạ, cả tin, chủ quan, lơ là, dẫn đến việc nhiều người trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo trên không gian mạng.

Vì vậy, để giải quyết triệt để tội phạm lừa đảo trong thời gian tới, Công an tỉnh Cao Bằng sẽ chủ động nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng có biểu hiện nghi vấn; áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, xử lý triệt để các đường dây, băng nhóm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công an tỉnh cũng sẽ thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tập trung điều tra, xử lý các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường phối hợp trong công tác đánh giá chứng cứ, thu thập tài liệu, giám định, điều tra xử lý nghiêm các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đảm bảo khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, phục vụ công tác tuyên tuyền, răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Phú Quý

Theo: Báo Công Thương