Cảnh giác với những thông tin bịa đặt trên mạng xã hội

(Banker.vn) Trước những thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank, ông Kim Byoung-Ho vừa phát đi thông báo liên quan về sự việc.
Thêm dự án nhà ở được HDBANK cho vay lãi suất từ 0% HDBank tổ chức thành công Đại hội cổ đông HDBank và FWD Việt Nam hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng

Ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi đưa tin sai trái

Thay mặt Ngân hàng Thương mại cổ phần phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank - mã chứng khoán: HDB), ông Kim Byoung-Ho, Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết: Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện một số thông tin xuyên tạc về hoạt động của HDBank và cá nhân một số lãnh đạo HDBank. Trong đó, tài khoản giả mạo đã lấy tài khoản Facebook người vi phạm pháp luật để phát tán nội dung bịa đặt trên mạng xã hội.

Để bảo vệ thương hiệu HDBank trước những thông tin sai sự thật, lãnh đạo của HDBank đã gửi đến cơ quan chức năng kiến nghị làm rõ, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi đưa tin sai trái, ảnh hưởng doanh nghiệp, thị trường, bảo vệ khách hàng và những nhà đầu tư chân chính.

Cảnh giác với những thông tin bịa đặt trên mạng xã hội
Ông Kim Byoung-Ho, Chủ tịch HDBank vừa lên tiếng về những thông tin bịa đặt trên mạng xã hội

Đồng thời, HDBank khuyến cáo khách hàng, đối tác, cổ đông và cán bộ nhân viên HDBank cần cảnh giác với những thông tin không được kiểm chứng, không đúng trên mạng xã hội.

“Thời gian qua, Chính phủ đã liên tiếp chỉ đạo nhiều biện pháp để bảo đảm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững, bảo vệ các doanh nghiệp và các nhà đầu tư chân chính”, Chủ tịch HDBank, ông Kim Byong Ho cho biết trong thư gửi khách hàng, đối tác.

Trong một diễn biến khác, mới đây HDBank đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các nhà đầu tư tổ chức cá nhân quốc tế và trong nước. Tham dự sự kiện có Chủ tịch HĐQT Kim Byoung-Ho và Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Nguyễn Thị Phương Thảo, cùng Kinh tế trưởng Devendra Joshi và đại diện ban điều hành.

Cảnh giác với những thông tin bịa đặt trên mạng xã hội
Phía HDBank khẳng định ngân hàng vẫn đang hoạt động bình thường và đạt hiệu quả tốt

Tại sự kiện, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm của ngân hàng là "tốt nhất từ trước tới nay", trong bối cảnh nhiều biến động của thị trường và kinh tế thế giới.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý III/2022 của HDBank đạt 2.712 tỷ đồng, tăng 43,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất vượt 16.000 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập dịch vụ đạt trên 2.100 tỷ đồng, tăng 80,1% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận trước thuế đạt 8.016 tỷ đồng, tăng 31,7% và hoàn thành 82% kế hoạch cả năm 2022 được cổ đông giao.

Tin giả như "bóng ma" tác động khủng khiếp tới doanh nghiệp

Dù những người đứng đầu HDBank đã thông tin công khai, rộng rãi tới toàn bộ cổ đông, khách hàng song với những tin đồn thất thiệt đã khiến phía ngân hàng ảnh hưởng không nhỏ. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HDB chịu áp lực lớn khi tin đồn lan trên thị trường.

Về tình trạng trên, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng Bộ Công an cũng đã có khuyến cáo tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua.

Cụ thể, Trung tướng Tô Ân Xô lưu ý rằng, sau khi khởi tố vụ án ở Tập đoàn Đầu tư An Đông, có rất nhiều công ty cả trong và ngoài nước bị tung tin thất thiệt, sai sự thật, làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, sự phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Trong khi đó, 10 tháng đầu năm, Bộ Công an đã khởi tố và điều tra 572 vụ án phạm tội trên không gian mạng, tăng 144% so với cùng kỳ. Về các vụ việc tung tin sai sự thật trên các trang mạng, đã khởi tố 63 vụ với 68 bị can, xử phạt hành chính 455 đối tượng; gọi hỏi răn đe khoảng 1.500 đối tượng.

Gần đây, cơ quan công an cũng đã liên tiếp xử lý một số trường hợp thông tin sai sự thật về doanh nghiệp trên mạng xã hội; hay vừa qua một trường hợp cũng đã bị xét xử 2 năm tù với tội danh tương tự…

Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, tại buổi họp báo trên, thời gian tới lực lượng chức năng sẽ tiếp tục xử lý các vụ việc đăng tin sai sự thật, tung tin thất thiệt làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế. Những thông tin sai trái vừa qua đã làm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp.

Cảnh giác với những thông tin bịa đặt trên mạng xã hội
Tin giả như "bóng ma" tác động khủng khiếp tới doanh nghiệp

Đánh giá về tác động của “tin giả” tác động tới doanh nghiệp, tại buổi tọa đàm "Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 15/11 vừa qua, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Những năm gần đây, đặc biệt với sự phát triển mạng xã hội ở Việt Nam thì tin giả ảnh hưởng đến doanh nghiệp rất lớn. Chúng ta có thể hình dung khi mà những tin đồn về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp hay là những thông tin sai lệch xuất hiện lan tràn trên không gian mạng, lập tức doanh nghiệp lĩnh hậu quả ngay.

Theo đó, cổ phiếu của doanh nghiệp xuống giá, ngân hàng mà doanh nghiệp đang vay lập tức phải tìm hiểu ngay về "sức khỏe" của doanh nghiệp, thậm chí có thể đình trệ hợp đồng tín dụng, gây nên rất nhiều đối tác có thể cũng bị ảnh hưởng đến hoạt động, tức là tin giả nhưng hậu quả rất thật.

Và những yếu tố này gây ảnh hưởng rất khủng khiếp đối với hoạt động của doanh nghiệp, nhưng điều đáng ngại hơn là tác động của tin giả này nhiều lúc doanh nghiệp như đối đầu với "bóng ma", vì trước đây nếu nguồn gốc tin giả có thể biết là được một tờ báo, một địa điểm nào hay một người cung cấp tin nhưng hiện nay với mạng xã hội, từng doanh nghiệp một sẽ rất khó biết nó từ đâu ra, vì cái gì, liên quan đến ai? Cho nên ảnh hưởng đến doanh nghiệp rất lớn.

“Tác động của tin giả đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rất khủng khiếp, nó có thể làm cho một doanh nghiệp có thể sụp đổ và đằng sau đấy là rất nhiều việc làm thương hiệu đã được tạo lập rất nhiều năm. Chúng tôi thấy rằng đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn. Đã đến lúc chính quyền và các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc một cách tích cực”- ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Trong khi đó, dưới góc độ quản lý Nhà nước, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Trung tâm xử lý tin giả của Cục được thành lập vào tháng 4/2021, lúc ấy là cao điểm về chống dịch Covid-19 ở nước ta, đặc biệt là các tỉnh phía nam. Đến nay trung tâm đã tiếp nhận gần 5.000 tin giả gửi đến và phân loại xử lý, đóng dấu tin giả được 50 tin.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị tổ chức tiếp nhận những phản ánh của người dân, vì ngay trên địa bàn của mình dễ xác minh và xử lý. Địa phương sẽ tiếp nhận qua Sở Thông tin và Truyền thông và Văn phòng Ủy ban, nơi phát ngôn cũng như là nơi chuyển cho các sở, ngành có liên quan để xử lý các thông tin đó.

Số tổng đài hotline của Trung tâm xử lý tin giả: 1800.8108.

Hiện nay, Cục cũng có tài khoản, fanpage trên facebook để tiếp nhận, Cục cũng có mạng lưới với các tỉnh thành, các bộ, ngành để mà tiếp nhận và xử lý tin giả.

Mọi người có thể gửi về Cục, cũng có thể gửi về các đầu mối ở sở hay văn phòng ủy ban, Cục cũng thường xuyên nhận phản ánh tin giả từ doanh nghiệp, tổ chức, rồi trực tiếp từ các cá nhân, các cơ quan báo chí, chứ không phải chỉ nhận qua Trung tâm xử lý tin giả này.

PV

Theo: Báo Công Thương