Cảnh báo về ma túy Fentanyl, Hải quan siết chặt kiểm tra

(Banker.vn) Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ thành địa bàn trung chuyển, tập kết, tiêu thụ hoặc tàng trữ hoá chất, tiền chất và sản phẩm có chứa ma tuý Fentanyl.
Bóc gỡ đường dây ma túy lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay Tội phạm ma túy gia tăng, Hải quan lập 'hàng rào' kiểm soát Phú Thọ: Triệt phá đường dây buôn ma tuý xuyên quốc gia

Nguy cơ ma tuý Fentanyl xâm nhập thị trường

Ngày 22/4/2025, Chi cục Điều tra chống buôn lậu (Cục Hải quan) đã có Văn bản số 82/ĐTCBL-P1 gửi Chi cục Hải quan các khu vực về việc tăng cường kiểm tra, giám sát các hành vi vận chuyển trái phép hàng hoá có chứa tiền chất ma tuý và ma tuý Fentanyl bất hợp pháp vào Việt Nam.

Cảnh báo về ma túy Fentanyl, Hải quan siết chặt kiểm tra
Fentanyl có màu sắc rực rỡ đang nhắm mục tiêu vào giới trẻ - ma túy. Ảnh minh họa

Trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm ma tuý có liên quan tới các chất ma tuý Fentanyl và các dẫn xuất của nó có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức mạnh mẽ trên toàn cầu. Fentanyl là loại ma tuý tổng hợp cực kỳ nguy hiểm, có độc tính cao, dễ gây tử vong khi sử dụng sai liều.

Theo báo cáo thường niên của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đánh giá Fentanyl - một loại thuốc tổng hợp gây nghiện, mạnh hơn heroin từ 30-50 lần, mạnh gấp 100 lần morphine (được sử dụng hết sức hạn chế trong hoạt động điều trị y tế với công dụng gây mê, giảm đau) đang làm “biến dạng” thị trường buôn bán vốn giao dịch chất Opioid (cũng là một loại thuốc tổng hợp gây nghiện có công dụng tương tự Fentanyl nhưng tác dụng nhẹ hơn).

Hiện nay, Fentanyl đang bị sản xuất và sử dụng trái phép với mục đích gây “phê” thay thế heroine hoặc các loại ma tuý truyền thống khác, gây ra tình trạng nghiện nặng và tử vong hàng loạt tại nhiều quốc gia, đặc biệt ở Bắc Mỹ (Hoa Kỳ).

Tại khu vực Đông Nam Á, hoạt động mua bán trái phép Fentanyl và các loại tiền chất đã được phát hiện tại Myanmar, Thái Lan, Lào. Riêng Thái Lan đã thu giữ hơn 510 tấn Anilin, lượng tiền chất này có thể sản xuất ra 85 tấn Fentanyl để gây tử vong cho hàng trăm triệu người.

Về nguy cơ đối với Việt Nam, Chi cục Điều tra chống buôn lậu nêu rõ: Hiện nay mặc dù chưa phát hiện các vấn đề liên quan tới Fentanyl, tuy nhiên Việt Nam vẫn đang đối mặt với nguy cơ từ hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển Fentanyl bất hợp pháp.

Cụ thể, Việt Nam nằm trong khu vực chiến lược của Đông Nam Á, có đường biên giới trải dài, tiếp giáp và là điểm trung chuyển giữa Trung Quốc, Lào và Campuchia, có hệ thống cảng biển, cửa khẩu dày đặc; khu vực Tam giác Vàng nằm sát khu vực biên giới các nước Lào, Myanmar, Thái Lan, được xác định là nguồn cung ma túy lớn thứ hai trên thế giới, hàng năm cung cấp ra thị trường.

Do đó, Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ thành địa bàn trung chuyển, tập kết, tiêu thụ hoặc tàng trữ hoá chất, tiền chất và sản phẩm có chứa Fentanyl.

Thị trường trong nước ngày càng được mở rộng, người sử dụng có xu hướng tìm tới các loại ma tuý tổng hợp mới, giá rẻ, có tác dụng mạnh. Điều này làm tăng nguy cơ ma tuý Fentanyl xâm nhập và bị lạm dụng trong nội địa.

Một số tiền chất dùng để sản xuất Fentanyl chưa có trong danh mục kiểm soát của Công ước quốc tế, tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng nhập khẩu để sử dụng vào mục đích sản xuất trái phép Fentanyl.

Xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển Fentanyl

Hiện nay, Fentanyl và 28 chất tương tự Fentanyl đã được đưa vào danh mục chất ma tuý thuộc Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ ban hành danh mục các chất ma tuý và tiền chất; đồng thời thuộc số thứ tự số 18, phụ lục I, danh mục dược chất gây nghiện quy định tại Thông tư số 20/2017/TT-BYT ngày 10/5/2017 của Bộ Y tế. Việc nhập khẩu, lưu thông và sử dụng Fentanyl trong y tế được cấp phép và giám sát nghiêm ngặt.

Tại Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ ban hành danh mục các chất ma tuý và tiền chất, có 5 loại tiền chất để sản xuất Fentanyl. Việc quản lý tiền chất cũng được thực hiện theo quy định tại Nghị định 105/2021/NĐ-CP ngày 4/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý.

Từ tình hình trên thế giới và khu vực, cũng như những tiềm ẩn rủi ro cao đối với Việt Nam, Chi cục Điều tra chống buôn lậu đề nghị các đơn vị phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển các loại tiền chất để tổng hợp Fentanyl như: Anilin, toluene, acetone... cùng các loại tiền chất, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể trà trộn các loại ma tuý nói chung và Fentanyl bất hợp pháp vào Việt Nam đặc biệt là qua biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia và Việt Nam - Trung Quốc.

Bên cạnh đó, phổ biến, nâng cao nhận thức tới cán bộ, công chức làm công tác kiểm soát tại đơn vị nắm và thực hiện theo đúng pháp luật hành chính, văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan tới ma tuý; tập trung công tác điều tra cơ bản nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc vận chuyển Fentanyl và các chất dùng sản xuất Fentanyl trái phép qua biên giới vào Việt Nam.

Quá trình kiểm tra, kiểm soát phát hiện có vi phạm, các đơn vị kịp thời báo cáo về Chi cục Điều tra chống buôn lậu để phối hợp, phục vụ công tác đánh giá rủi ro và nắm tình hình nhằm báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo các cấp trong việc nâng cao công tác phòng, chống vận chuyển trái phép các chất ma tuý, tiền chất nói chung và kiểm soát Fentanyl bất hợp pháp vào Việt Nam nói riêng.

Tội phạm trong khu vực đang chuyển hướng sang sản xuất ma tuý tổng hợp, trong đó Fentanyl là mục tiêu tiềm tàng vì lợi nhuận cao, dễ ngụy trang che dấu để vận chuyển.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục