Cảnh báo 3 hình thức lừa đảo qua điện thoại xuất hiện gần đây

(Banker.vn) Thời gian qua, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) – Cục An toàn thông tin đã tiếp tục ghi nhận phản ánh về một số hình thức lừa đảo qua tin nhắn và cuộc gọi từ các số điện thoại lạ.

Chiêu trò “ứng trước lương” qua ngân hàng

Trong khi các cơ quan chức năng liên tục truyền thông về những hình thức lừa đảo để cảnh báo người dân thì các đối tượng lừa đảo cũng liên tục “tung” nhiều chiêu trò dụ dỗ, đặc biệt mới nhất là thủ đoạn “ứng trước tiền lương”.

Các đối tượng gọi điện thông báo “đủ điều kiện ứng trước 6 tháng lương qua ngân hàng. Để biết thêm chi tiết vui lòng bấm số 1 để nhân viên hướng dẫn nhập thông tin cần thiết và nhận lương”.

Để nhận 6 tháng lương được ứng trước đó, khách hàng cần phải thanh toán một khoản phí gọi là phí cước chuyển tiền.

Sau khi người dùng chuyển tiền, đối tượng thực hiện các biện pháp như chặn liên lạc, xóa mọi dấu vết. Đây là một dạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản khá mới trong thời gian qua. Người dân có thể gặp những rủi ro sau:

- Lộ lọt thông tin cá nhân trong quá trình điền thông tin nhận ứng lương.

- Mất khoản phí gọi là phí cước chuyển tiền.

Người dân khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi thông báo về việc “ứng trước lương”, hãy kiểm tra lại nguồn tin và không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào. Người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin, không chuyển tiền bằng các hình thức nào. Nếu có thắc mắc vui lòng tra cứu thông tin, trang web chính thống của ngân hàng và liên hệ tới tổng đài hỗ trợ khách hàng của ngân hàng đang sử dụng để hỏi thông tin và được trợ giúp.

Giả danh nhân viên trung tâm đăng kiểm xe gọi điện lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản

Phổ biến hiện nay có một số đối tượng giả mạo nhân viên các trung tâm đăng kiểm gọi điện đến các chủ xe thông báo rằng:

- Ô tô chuẩn bị hết hạn hoặc đã quá hạn kiểm định và phải gia hạn đăng kiểm.

- Trung tâm đăng kiểm đổi tem kiểm định mới, đề nghị người dân cập nhật mẫu đăng kiểm.

- Thông tin đã khai tại trung tâm đăng kiểm bị sai lệch, cần cung cấp thông tin cá nhân để cập nhật.

- Phần mềm đăng kiểm đã cập nhật, gọi điện yêu cầu hỗ trợ.

Trong quá trình trao đổi, các đối tượng sẽ yêu cầu người dân làm theo một số bước như bấm vào link cài đặt ứng dụng, chuyển… Nếu người dân tin tưởng và làm theo hướng dẫn, các đối tượng có thể đánh cắp thông tin cá nhân, mã OTP, điện thoại của người dùng sẽ bị chiếm quyền điều khiển, nếu trên điện thoại có cài các ứng dụng ngân hàng (internet banking) thì sẽ có nguy cơ bị mất hết tiền trong tài khoản hoặc bị đánh cắp các thông tin quan trọng lưu trữ trong điện thoại.

Giả mạo Bộ Công an nhắn tin phạt nguội xe vi phạm

Theo ghi nhận, người dân nhận thường được tin nhắn với nội dung: Đây là Cục CSGT bạn có một biên lai cần nộp phạt, để được biết thông tin chi tiết hãy liên hệ số điện thoại…

Nhiều người dân khi được nghe thông báo này rất hoang mang, lo sợ nên đã sập bẫy, mất tiền. Các đối tượng này yêu cầu người nghe máy chuyển tiền vào tài khoản định sẵn của đối tượng lừa đảo hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra, xử lý “phạt nguội”. Đồng thời, yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt. Khi đã chuyển xong tiền, gọi lại số điện thoại kia thì đều không liên lạc được.

Theo quy định của luật xử lý vi phạm hành chính (Nghị định 100 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Thông tư 65 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông): Tất cả các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện, thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, đều được lực lượng Cảnh sát giao thông gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện, hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm đề nghị tới đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý (phạt nguội). Khi nhận được giấy thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ xe hoặc người điều khiển mang đầy đủ giấy tờ cần thiết lên trụ sở công an làm việc.

Trước thực trạng các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo diễn ra, người dân cần lưu lại các bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) thực hiện phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý nếu có hiện tượng trên. Ngoài ra, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại Trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự để được hướng dẫn kịp thời.

P.V

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ