Căng thẳng Iran -Israel: Vì sao eo biển này là tâm điểm lo lắng với giới đầu tư dầu mỏ?

(Banker.vn) Eo biển Hormuz là điểm mấu chốt trong dòng chảy dầu quốc tế. Nhiều chuyên gia lo ngại căng thẳng Iran - Israel có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.
Anh xây dựng hàng loạt nhà máy điện khí mới; IEA nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ Giá dầu sẽ cao nhất mọi thời đại trong bối cảnh xung đột Iran - Israel? Liệu giá dầu thế giới có tiếp tục xô đổ kỷ lục trong những ngày tới?

Eo biển Hormuz, một tuyến đường thủy hẹp ở cửa Vịnh Ba Tư, đang là trung tâm chú ý của giới đầu tư dầu mỏ toàn cầu. Sự leo thang xung đột giữa Iran và Israel vừa qua đã làm dấy lên những lo ngại mới về sự đứt quãng trong chuỗi cung ứng dầu thô đi qua khu vực này.

Căng thẳng Iran -Israel: Vì sao eo biển này là tâm điểm lo lắng với giới đầu tư dầu mỏ?
Eo biển Hormuz đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư dầu mỏ trong bối cảnh căng thẳng Iran - Israel leo thang. Nguồn ảnh: Getty Image

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các tàu chở dầu đã vận chuyển khoảng 15,5 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ mỗi ngày từ Saudi Arabia, Iraq, Kuwait, UAE và Iran qua eo biển này trong quý đầu tiên năm 2024. Eo biển này cũng rất quan trọng đối với khí tự nhiên hóa lỏng, với hơn 20% nguồn cung toàn thế giới, chủ yếu từ Qatar, đi qua eo biển này trong quý 1 năm nay.

Được biết, Iran đã nhiều lần nhắm mục tiêu vào các tàu buôn đi qua tuyến đường này và từng đe dọa chặn quá cảnh eo biển Hormuz trong quá khứ. Vào ngày 13 thàng 4 vừa qua, trước khi tiến hành cuộc không kích và Israel, phía Iran cũng đã bắt giữ một tàu container có nguồn gốc từ Israel ở gần eo biển này. Cũng vào tháng 4 năm ngoái, Iran đã bắt giữ một tàu chở dầu từ Mỹ như là một hành động trả đũa việc nước này đã bắt giữ một con tàu của Iran ngoài khơi bờ biển Malaysia.

Thực tế, eo biển Hormuz đã từng suýt bị đóng cửa trong cuộc xung đột giữa các tàu chở hàng của Iraq và Iran vào những năm 1980. Trong thời gian này, có hơn 451 tàu chở hàng đi qua eo biển Hormuz đã bị tấn công, nhưng về mặt lâu dài, ngành thương mại dầu thô đã không bị ảnh hưởng đáng kể. Khi Iran bị áp dụng lệnh trừng phạt vào năm 2011, nước này cũng đã từng đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz, nhưng cuối cùng lại rút lui. Thực tế, nhiều nhà đầu tư nghi ngờ khả năng nước này sẽ đóng cửa hoàn toàn eo biển vì điều đó sẽ ngăn cản Iran xuất khẩu dầu mỏ của chính mình.

Yếu tố về chênh lệch quân lực giữa Mỹ và Iran cũng làm các nhà đầu tư tự tin hơn về dự đoán này. Hồi năm 2019, Mỹ đã phát động Chiến dịch Sentinel và cử nhiều máy bay B-52 đến eo biển Hormuz để đáp trả việc Iran làm gián đoạn hoạt động vận chuyển. Mặc dù hiện tại Mỹ đang tập trung lực lượng vào cuộc giao tranh tại Biển Đỏ, theo các chuyên gia, tương quan giữa Hải quân Iran và Hạm đội 5 Hải quân Mỹ đang là quá lớn để Iran có thể leo thang căng thẳng tại khu vực này.

Ngoài ra, việc đóng cửa eo biển Hormuz sẽ có ảnh hưởng nặng nề đến những nền kinh tế lớn trong khu vực. Được biết, tuy Saudi Arabia và UAE có thể chuyển hướng dòng chảy dầu đến các bến cảng khác trong khu vực, những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn khác như Iraq, Kuwait, Qatar và Bahrain phụ thuộc phần lớn và thậm chí là hoàn toàn vào eo biển Hormuz để vận chuyển hàng hóa. Thực tế, khi Iran làm gián đoạn vận tải tại Hormuz vào 2019, các quốc gia Saudi Arabia, UAE và Bahrain đã hợp tác với Mỹ để bảo vệ trật tự hàng hải trong khu vực.

Trung Đông liệu có tiếp tục nóng bỏng?

Tuy khả năng đóng cửa eo biển Hormuz là thấp, nhiều nhà đầu tư vẫn đang thận trọng, khi tình hình địa chính trị tại khu vực Trung Đông tiếp tục biến đổi khó lường. Bà Tina Fordham, người sáng lập công ty tư vấn Fordham Global Foresight nhận xét: “Chúng ta nên cảnh giác cao độ khi có nguy cơ căng thẳng leo thang hơn nữa ở Trung Đông. Israel đã cho Iran thấy rằng họ có thể khai hỏa và sẽ sẵn sàng khai hỏa bên trong lãnh thổ Iran”.

Ông Ziad Daoud, nhà phân tích thị trường đứng đầu tại Bloomberg nhận xét: “Sự leo thang căng thẳng tại Trung Đông sẽ có tác động mang tính toàn cầu, nhưng đó sẽ là rủi ro tiềm năng hơn là vấn đề hiện hữu… Thực tế, đang có một cuộc chiến tranh khốc liệt ở Trung Đông và gián đoạn thương mại ở Biển Đỏ nhưng chúng tôi chưa thấy tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu - và đó là vì dòng dầu vẫn tiếp tục chảy.”

Đồng quan điểm, bà Gita Gopinath - Phó Giám đốc điều hành tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chia sẻ với trang Bloomberg: “Ta đã có thể có một cú sốc dầu nghiêm trọng, nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra. Tuy các nước trong khu vực có thể bù lại sụt giảm nguồn cung dầu của Iran trong tương lai, nhưng nếu có sự leo thang quy mô lớn ở Trung Đông thì sẽ là một vấn đề lớn.”

Tình hình giá xăng dầu trong nước và thế giới ngày 24-4-2024

Ghi nhận trên Oilprice lúc 17h00 ngày 24/4/2024 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI giao tháng 6 đang ở mốc 83 USD/thùng, giảm 0,36% so với phiên hôm trước. Tương tự, giá dầu Brent giao tháng 6 đang ở mốc 88.17 USD/thùng, giảm 0,28%.

Trong nước, giá xăng dầu hôm nay ngày 24-4-2024 được quy định dựa vào phiên điều hành giá ngày 17-4 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng lên mốc 24.226 đồng/lít; xăng RON 95 lên mốc 25.237 đồng/lít.

Ngược lại giá dầu đồng loạt giảm trong phiên điều chỉnh lần này. Cụ thể, giá dầu diesel giảm xuống mốc 21.446 đồng/lít; dầu hỏa xuống mốc 21.416 đồng/lít. Riêng đối với dầu mazut được điều chỉnh tăng 198 đồng/kg lên mốc 17.206 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành ngày 25-4 sắp tới, chuyên gia dự đoán có nhiều khả năng giá xăng dầu sẽ cùng giảm do giá xăng dầu thế giới tuần qua giảm.

Phú Quý (theo Bloomberg)

Theo: Báo Công Thương