Canada có thể là cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng quy mô và đi ra thế giới

(Banker.vn) Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, đến nay Việt Nam vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN và là đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Canada.
Canada muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trong bối cảnh mới Xuất khẩu gỗ sang thị trường Canada vẫn nhiều khó khăn

Việt Nam tiếp tục là đối tác nhập khẩu quan trọng nhất của Canada

Dẫn số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam sang Canada đạt trên 5.6 tỷ USD, giảm 11.3% so với cùng kỳ năm 2022. Còn theo số liệu sở tại vừa công bố ngày 9/1/2024, tính đến hết tháng 11/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 9,03 tỷ USD vào địa bàn.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, sự khác biệt rõ rệt này là do Canada tính cả luồng trung chuyển nhập khẩu qua Hoa Kỳ vào Canada. Nếu tính theo số liệu sở tại, Canada hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng, lớn thứ 7 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan và Hồng Kông - Trung Quốc).

Canada có thể là cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng quy mô và đi ra thế giới
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh nền kinh tế Canada suy thoái, xuất khẩu của Việt Nam vào Canada trong 11 tháng đầu năm 2023 giảm nhẹ 2.4% cũng nằm trong xu thế giảm nhập khẩu chung của Canada (giảm 2.4%). Canada cũng giảm nhập khẩu từ hầu hết các quốc gia xuất khẩu chủ yếu trong ASEAN như: Indonesia (-7.7%), Malaysia (-18.8%), Thái Lan (-10.9%).

Hiện, trong các nước ASEAN, Việt Nam tiếp tục là đối tác nhập khẩu quan trọng nhất của Canada, chiếm 45% tổng kim ngạch Canada nhập khẩu từ khu vực. Trong top 10 đối tác thương mại hàng đầu của Canada, Việt Nam lại vượt Italia và chiếm vị trí đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Canada.

Về mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada, theo số liệu của Cơ quan thống kê Canada, top 2 nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn giữ được mức tăng trưởng dương là điện tử, điện thoại di động tăng 9.8%; lò phản ứng nồi hơi tăng 57.3%). Một số mặt hàng khác vẫn ghi nhận tăng trưởng tốt như: Túi xách (1.6%), ô tô phụ tùng (64.6%), tàu thuỷ (224.5%), đồng và sản phẩm từ đồng (12.2%).

Về nhập khẩu, theo số liệu của Việt Nam ghi nhận, trong năm 2023 Canada đã xuất khẩu được 620 triệu USD vào Việt Nam (giảm 12.7% so với cùng kỳ năm 2022). Ngược lại, số liệu của địa bàn cho thấy, trong 11 tháng đầu năm, Canada đã xuất khẩu 529 triệu USD, ghi nhận xu hướng giảm 20.4% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhập khẩu của Việt Nam từ Canada giảm hầu hết trong các lĩnh vực mặt hàng là nguyên liệu đầu vào công nghiệp và một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Canada (trừ hạt có dầu), cùng chung xu thế giảm của chỉ số sản xuất công nghiệp, chỉ số PMI và tiêu dùng trong nước.

Các và máy thiết bị, linh kiện điện tử của Canada vào Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng dương. Đặc biệt, sau khi Việt Nam gỡ bỏ những hạn chế liên quan đến cỏ kế đồng trong ngũ cốc nhập khẩu từ Canada (áp dụng từ 1/11/2023), xuất khẩu ngũ cốc của Canada vào Việt Nam đã tăng 1039% (đạt 73 triệu USD).

Mặc dù có sự khác biệt với số liệu giữa hai nước, xu hướng thặng dư lớn của Việt Nam với Canada sẽ vẫn được duy trì (theo số liệu địa bàn, tính đến hết tháng 11/2023, Việt Nam đã ghi nhận thặng dư lên tới 8.5 tỷ USD) và là nước Canada có mức thâm hụt lớn thứ 4 (Canada thâm hụt nhiều nhất lần lượt với Trung Quốc, Mexico, Đức và Việt Nam).

Canada tiếp tục định vị Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng

Thông tin về thị trường Canada năm 2024, bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế ảm đạm, gánh nặng chi trả lãi thế chấp ngân hàng lớn, lạm phát trong lĩnh vực thực phẩm vẫn duy trì ở mức cao (ít nhất 20% so với cách đây hai năm) các hộ gia đình Canada được dự báo sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt tiêu dùng (giảm chi tiêu cho mua sắm quần áo, giày dép, đồ bếp/bát đĩa, điện thoại, thiết bị điện tử, máy ảnh...).

Đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào địa bàn, chỉ xuất phát từ góc độ cầu của thị trường, chưa nói đến góc độ cạnh tranh, xuất khẩu của chúng ta sang địa bàn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong một vài năm tới”- bà Trần Thu Quỳnh cho hay.

Hiện nay, hàng xuất khẩu Việt Nam sang Canada tính bằng đồng USD, do đồng CAD duy trì chính sách tỷ giá thấp để thúc đẩy xuất khẩu, hàng Việt Nam cũng trở nên kém cạnh tranh hơn vì báo giá bằng USD. Mặt khác, trong bối cảnh lạm phát cao (đặc biệt là lạm phát thực phẩm) và lãi suất cao, người tiêu dùng Canada đã đặc biệt thắt chặt chi tiêu vào các nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu để dồn ngân sách chi trả các khoản vay thế chấp và ăn uống thiết yếu.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, lợi thế thuế quan mà Hiệp định CPTPP mang lại cho hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ dần mất đi do Canada đã có và đang đẩy mạnh ký kết các Hiệp định thương mại tự do với một loạt các đối tác Nam Mỹ và trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Canada-ASEAN…). Đây đều là những nước có cơ cấu mặt hàng khá tương đồng với Việt Nam.

Canada cũng kêu gọi các doanh nghiệp hướng về khối kinh tế Nam Mỹ và hướng về các nước đồng minh (nearshoring/friendshoring) để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và đáng tin cậy. Xu hướng này bắt đầu tác động tiêu cực đến xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như trái cây, thuỷ sản, dệt may.

Ngoài việc mất lợi thế về thuế quan, chi phí logistics nội địa tại Canada cao khiến giá xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh so với các nước láng giềng Nam Mỹ. Yếu tố giá xăng dầu vận tải cao, tình trạng chậm bốc dỡ hàng tại các cảng ở Canada do thiếu nhân công, chi phí logistics cao cũng là những lý do khiến hàng Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nhà xuất khẩu Nam Mỹ.

Tuy nhiên, bà Trần Thu Quỳnh nhấn mạnh, Việt Nam vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN và là đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Canada; Canada là đối tác xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Mỹ. "Canada tiếp tục định vị Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng trong chiến lược đa dạng hoá thương mại, đa dạng hoá nguồn cung và tăng cường sự bền vững của chuỗi cung ứng. Giữa hai nước có sự bổ trợ chứ không cạnh tranh về mặt hàng"- bà Quỳnh cho biết.

Canada có thế mạnh về máy móc công nghệ cao, công nghệ năng lượng, công nghệ viễn thông, y sinh và các sản phẩm đầu vào cho công nghiệp của Việt Nam như khoáng sản, nhựa, gỗ, dầu khí, ngũ cốc, hạt có dầu, phân bón… Ngược lại, Việt Nam có thể cung cấp các sản phẩm gia dụng, gia dày, dệt may, nội thất… cho thị trường Canada nhờ lợi thế ưu đãi thuế quan trong CPTPP.

Theo bà Trần Thu Quỳnh, dự kiến, hợp tác kinh tế-thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa hai nước sẽ có những dự án cụ thể trong năm 2024 và các năm tới. Với những lợi thế về công nghệ, tài chính, mạng lưới bạn hàng và logistics ở châu Mỹ, Canada có thể là cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng quy mô và đi ra thế giới. Ngược lại, với lợi thế về mạng lưới hiệp định thương mại tự do, lợi thế về thị trường, về lao động có kỷ luật và chất lượng cao cũng như hạ tầng vận tải xuyên Á, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cửa ngõ cho các doanh nghiệp Canada vào ASEAN.

Hiện nay, cơ cấu hàng xuất khẩu công nghiệp nội địa của Việt Nam sang Canada chủ yếu là nhóm ngành hàng dệt may, đồ chơi và đồ gỗ nội thất (40% giá trị kim ngạch), nhóm mặt hàng này dự báo khó có khả năng giữ mức tăng trưởng cao trong năm 2024 và các năm tới.

Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Canada dự báo trong các năm tới, nhóm mặt hàng vẫn có khả năng tăng trưởng xuất khẩu tốt là: Da giày, sản phẩm từ da, sản phẩm mũ đội đầu. Nhóm các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như cao su, sắt thép, chất dẻo nguyên liệu và hoá chất (5%)… có sự sụt giảm mạnh và tiềm năng tăng trưởng trở lại phụ thuộc vào tốc độ khôi phục các đơn hàng và tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Canada.

Trong năm 2024, bà Trần Thu Quỳnh cho biết, Thương vụ Việt Nam tại Canada sẽ tiếp tục các hoạt động nhằm thúc đẩy sự kết nối chuỗi cung ứng/kết nối logistics giữa Việt Nam và Canada; giúp các doanh nghiệp hai bên hiểu rõ hơn về Hiệp định và cách thức tận dụng CPTPP trong chiến lược đầu tư kinh doanh.

Đồng thời, Thương vụ tai Canada sẽ tiếp tục chú trọng công tác hỗ trợ xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; chú trọng tổ chức đoàn về nước mua hàng/tìm kiếm cơ hội làm ăn kinh doanh, trong đó có đoàn gồm trên 100 doanh nghiệp sẽ vào Việt Nam trong tháng 3/2024 và đoàn mua hàng trong lĩnh vực dệt may vào Việt Nam dự Hội chợ Sourcing Việt Nam tháng 6/2024.

Bên cạnh đó, Thương vụ sẽ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ của Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm chế biến tham gia thương mại quốc tế thông qua các giải pháp thương mại điện tử và tham gia hội chợ triển lãm ở Canada; đẩy mạnh hợp tác với mạng lưới doanh nghiệp kiều bào và phát triển thương mại thông qua hệ thống doanh nghiệp của kiều bào (nhà hàng Việt, người Việt dùng hàng Việt, hướng dẫn công thức nấu ăn Việt…).

Bà Trần Thu Quỳnh thông tin thêm, một trong những trọng tâm công tác của năm 2024 sẽ là hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa tham gia vào thương mại dịch vụ, nhất là trong dịch vụ xây dựng hạ tầng đường xá, hạ tầng điện gió và điện mặt trời, xây dựng nhà ở dân dụng. "Đối với các địa phương, Thương vụ sẽ chú trọng phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại đầu tư công nghiệp và năng lượng tại địa bàn, đặc biệt hỗ trợ các địa phương hợp tác phát triển mô hình quản lý thương mại biên giới, khu vực kinh tế biên giới, và trung tâm logisctíc phức hợp biên giới. Đối với các hiệp hội và các đơn vị trong Bộ, Thương vụ sẽ đảm bảo công tác thông tin, phối hợp hoạt động và tích cực vận động, thu hút các dự án hỗ trợ năng lực"- bà Quỳnh cho hay.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương