Cần xem xét nới "room" tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế

(Banker.vn) Dưới góc nhìn chuyên gia, nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần xem xét nới room tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế năm nay.

Các ngân hàng "mạnh tay" tăng lãi suất đầu tháng 9

NHNN đang có sự điều hành linh hoạt, đồng VND sẽ không mất giá quá 3%

Cần xem xét nới “room” tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế (Ảnh minh họa)

Cần xem xét nới “room” tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế

(Ảnh minh họa)

Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022 diễn ra vào ngày 26/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết room tín dụng sẽ được điều chỉnh vào đầu tuần.

Trong thông điệp của mình, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng không công khai mức nới room cho từng ngân hàng, song khả năng chỉ một số ngân hàng thương mại được nới room.

Trước đó, với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức 14%, có điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế trong, ngoài nước, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước phân bổ tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng ngân hàng trên 2 tiêu chí.

Đó là, kết quả xếp hạng từng ngân hàng theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018 gồm vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường.

Đồng thời, xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí ngân hàng tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng trong quá trình phân bổ, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng.

Theo số liệu trước đó từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 8, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 9,62% so với cuối năm 2021, không thay đổi nhiều so với số liệu tăng trưởng vào cuối tháng 6 và 7.

Dưới góc nhìn chuyên gia, nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần xem xét nới room tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế năm nay.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt về hạn mức tăng trưởng tín dụng. Không nên chờ đến quý IV mới nới “room” tín dụng vì như vậy là quá trễ so với nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và của doanh nghiệp.

“Ngân hàn Nhà nước chưa lỏng tay với room tín dụng vì còn lo ngại hai vấn đề là lạm phát và thanh khoản hệ thống ngân hàng.”, TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm.

Có cùng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng nếu giảm được lạm phát xuống dưới mức kỳ vọng thì có cơ hội xem xét tăng room tín dụng. Ông Nghĩa cho rằng room tín dụng tăng lên 15-16% là mức có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến lo ngại khi nới “room” tín dụng. Tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, đánh giá mức tăng trưởng tín dụng 14%,cao hơn mức tăng 13,6% của năm trước, là mức tăng trưởng phù hợp trong năm nay khi mà các nền kinh tế khác đang thắt chặt chính sách tiền tệ.

“Nhiều người kỳ vọng phải nới hơn mức 14% thì tôi thấy hơi quá đà. Bởi vì nới room tín dụng lên 15%,16% hay 17% rất dễ nhưng cũng dẫn đến những bất ổn vĩ mô sau này.", chuyên gia nhận định.

Theo ông Ngọc, vấn đề hiện nay là khi nào thì phân bổ nốt hạn mức tín dụng của năm nay cho 6 tháng cuối năm. Dự kiến đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng đã ở đâu đó khoảng 10%. Còn 4% thì sắp tới sẽ phân bổ như nào phù hợp với năng lực tài chính của từng ngân hàng.

Từ nguồn lực đó thì các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay ra nền kinh tế, khơi thông dòng vốn. Đây là những yếu tố tích cực, góp phần giúp Việt Nam tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô trong quý III và thời gian sắp tới. Đồng thời điều này cũng sẽ có tác động đến dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Theo báo cáo thị trường tiền tệ mới đây, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo room tín dụng sẽ được phân bổ thêm 3-5%, điều này tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng.

Hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán