Cẩn trọng với sóng "siêu cổ phiếu"

(Banker.vn) Theo các chuyên gia, trên thị trường chứng khoán, ranh giới cổ phiếu tốt và cổ phiếu không tốt rất “mong manh”, "đặt cửa" là tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư...

Bối cảnh thị tường chứng khoán liên tiếp điều chỉnh giảm sâu, thị giá nhiều “cổ phiếu” từng gây choáng váng với các nhà đầu tư cũng đã lùi sâu đến 80-90%, thậm chí có cổ phiếu còn bị điều chỉnh về mức giá không bằng "cốc trà đá”. Tuy nhiên, hiện tại có vẻ như mọi thứ đã đảo chiều một cách nhanh chóng.

Cẩn trọng với sóng

Cổ phiếu đầu tiên không thể không nhắc đến L14 (Licogi 14). Sau 13 phiên liên tiếp tăng hết biên độ, cổ phiếu này đã bứt phá 163% so với vùng đáy để lên mức 62.200 đồng/cp (phiên 2/12). Thậm chí trong những phiên nhóm cổ phiếu bất động sản giao dịch ảm đạm, L14 vẫn không ngừng “tỏa sáng” với sắc tím bao phủ.

Với đà tăng trần liên tiếp, L14 đã trở thành cổ phiếu có mức tăng mạnh nhất thị trường giai đoạn vừa qua. Đà tăng này cũng giúp L14 khép lại tháng 11 với mức tăng ròng hơn 55%, dù trước đó đã giảm sàn liên tục trong 2 tuần đầu tháng.

Đây cũng là tháng giao dịch tích cực nhất từ đầu năm của mã cổ phiếu gắn liền với tên tuổi “thầy A7” Nguyễn Mạnh Tuấn, Thành viên HĐQT Licogi 14. Tuy nhiên, so với mức thiết lập đầu năm, thị giá cổ phiếu từng “đắt đỏ” nhất sàn chứng khoán vẫn “bay” hơn 76%.

Tương tự, từ ngày 16/11 - 22/11, cổ phiếu CEO (Tập đoàn CEO) cũng đã tăng hết biên độ 5 phiên liên tiếp và chỉ bị ngắt quãng vào phiên ngày 23/11 khi cổ phiếu này giảm tới 8,73%. Như vậy, kể từ nửa tháng 11 đến nay, cổ phiếu CEO đã tăng gần 147%, hiện giao dịch ở mức 22.000 đồng/cp. Dù vẫn thấp hơn 74% so với mức đỉnh đầu năm, nhưng đà phục hồi mạnh trong 2 tuần đã giúp CEO khép lại tháng 11 với mức tăng gần 42% và là tháng tăng giá đầu tiên sau 10 tháng giảm liên tiếp trước đó.

Trước những phiên tăng trần liên tiếp, lãnh đạo Licogi 14 cũng như Tập đoàn CEO đều giải trình với một lý do như một “bài văn mẫu” giống các công ty khác từng giải trình. Đó là: giá cổ phiếu tăng hoàn toàn phụ thuộc vào cung – cầu của thị trường và thị hiếu, nhu cầu của nhà đầu tư. Công ty vẫn hoạt động bình thường và không có bất kỳ tác động gây ảnh hưởng đến giá giao dịch trên thị trường.

Cũng là cái tên tăng “nóng” một thời, cổ phiếu DIG (Đầu tư phát triển xây dựng) ghi nhận đà hồi phục từ 16/11 đến nay. Từ 10.100 đồng/cp, thị giá cổ phiếu DIG đã tăng lên mức 18.050 đồng/cp, tương ứng tăng gần 80%.

Hay như bộ ba cổ phiếu APS (Chứng khoán Apec), API (Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương) và IDJ (Đầu tư IDJ) thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Apec từng gây chú ý bởi quá trình tăng giá thần tốc bằng lần trong năm 2021, sau thời gian bị “thất sủng” cũng bắt đầu rục rịch trở lại khi đồng loạt tăng kịch trần loạt phiên liên tiếp. Theo đó, API, APS phục hồi hơn 112% từ đáy, IDJ cũng lấy lại gần 95% chỉ sau 10 phiên giao dịch.

Mặc dù mức tăng vẫn “kém cạnh” hơn so với những cổ phiếu trên, song “siêu cổ phiếu” một thời SCR (Địa ốc Sài Gòn Thương Tín) cũng ghi nhận đà hồi phục khá tốt với nhiều sắc xanh và tím là màu chủ đạo. Từ giữa tháng 11 đến nay, cổ phiếu này đã tăng từ 3.900 đồng/cp lên 6.600 đồng/cp, tức tăng gần 70%.

Bài học còn đó

Nhìn chung, những “siêu cổ phiếu” một thời đang trỗi dậy đa phần là cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản. Những yếu tố tích cực như dòng vốn ngoại giải ngân mạnh mẽ và bối cảnh vĩ mô ổn định hơn khi tỷ giá dần hạ nhiệt, hay việc có ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho vay đã hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu này thu hút mạnh mẽ dòng tiền trở lại, sau thời gian bị “thất sủng”.

Chưa kể, sau những đợt chiết khấu khá sâu, nhóm cổ phiếu này bật tăng mạnh là điều dễ hiểu. Hơn nữa, sau khi thua lỗ nặng nề trong thời gian qua, tâm lý "gỡ gạc" lại càng khiến nhà đầu tư quyết tâm “xuống tiền” khi họ nhận thấy thị trường đang phát tín hiệu tích cực trở lại. Tuy nhiên, sau đó những cổ phiếu này có giữ được đà tăng hay không lại là câu chuyện khác.

Thực tế cho thấy, dòng tiền đầu cơ đến rất nhanh và đi cũng rất vội. Đã nhiều lần cổ phiếu quay đầu trong “phút mốt” khiến nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng, không biết phải xử lý ra sao với danh mục của mình vì lỡ ôm những cổ phiếu tăng “nóng".

Tuy nhiên, khi sóng gió qua đi, “sắc tím” lại nở rộ, cổ phiếu đầu cơ lại tạo một sức hút mới, mạnh mẽ như lần đầu tiên khi nhà đầu tư bắt đầu “lên tàu”. Cho nên, dù có bao nhiêu lần phải ngậm ngùi cắt lỗ, khi cổ phiếu tăng trần vài phiên, họ vẫn ồ ạt đua lệnh.

Theo các chuyên gia, trên thị trường chứng khoán, ranh giới cổ phiếu tốt và cổ phiếu không tốt rất “mong manh”, "đặt cửa" là tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư.

Chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư vẫn nên hướng tới yếu tố cơ bản vì hiện tại có rất nhiều cổ phiếu tốt, định giá giá rẻ có thể thể lựa chọn. Còn nếu vẫn muốn "lướt sóng" thì cần xác định con sóng đầu cơ có thể kết thúc bất cứ lúc nào và người sau cùng luôn nhận phải thiệt hại lớn.

Riêng với những cổ phiếu đầu cơ của nhóm bất động sản, các chuyên gia không đánh giá cao đợt hồi phục của nhóm cổ phiếu này. Hiện tại vẫn là thời điểm nhạy cảm để đưa ra khuyến nghị mua hay bán cho nhà đầu tư. Bởi rất có thể, những phiên tăng trần liên tiếp gần đây chỉ mang tính chất “trả điểm” sau chuỗi giảm 80-90% từ đầu năm.

Trong khi đó, giai đoạn còn lại của năm 2022, những khó khăn của ngành bất động sản được cho là vẫn tồn tại và áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn của nhóm doanh nghiệp này vẫn rất cao, thậm chí những khó khăn này có thể còn kéo dài trong 1-2 năm tới.

"Nhà đầu tư tạm thời chưa nên giải ngân vào nhóm xây dựng, bất động sản hoặc các ngân hàng tư nhân có quy mô đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn", ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Agriseco đưa ra khuyến nghị.

Linh Đan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán