Cẩn trọng khi Bitcoin lại “dậy sóng”

(Banker.vn) Sau khi giảm mạnh 25% trong tháng 3/2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Bitcoin đã hồi phục mạnh lên mức giá 33.099 USD/BTC, trước khi đóng cửa năm 2020 ở mức giá 29.000 USD/BTC, tăng khoảng 340% so với đầu năm.

Giá Bitcon liên tục đi xuống sau khi chạm ngưỡng kỷ lục

Đà tăng của Bitcoin tiếp tục được duy trì và vượt ngưỡng tâm lý 30.000 USD/BTC ngay trong ngày đầu năm 2021 và lập kỷ lục thời đại lên mức giá hơn 41.900 USD/BTC vào ngày 8/1/2021, khi tiền kỹ thuật số được cho là sẽ trở thành phương thức thanh toán chính thống và là kênh lưu trữ giá trị trong tương lai. Yếu tố dẫn dắt chủ yếu bắt nguồn từ các nhà đầu tư với kỳ vọng lạm phát tăng cao, tiềm năng thu lợi nhuận cao, phương pháp thanh toán chủ đạo, tài sản an toàn trong đại dịch và giá Bitcoin sẽ tăng theo giá vàng.

Tuy nhiên, cơn sốt Bitcoin có dấu hiệu hạ nhiệt và đồng tiền này đã giảm giá liên tiếp trong những ngày sau đó. Đến cuối ngày 12/1/2021, giá Bitcoin đã giảm xuống mức 33.500 USD/BTC và sẽ tiếp tục giảm thêm. Đà giảm giá Bitcoin diễn ra đồng thời với xu hướng phục hồi USD trên thị trường tài chính, khi giới đầu tư kỳ vọng về khả năng Chính phủ Mỹ sẽ đưa thêm những gói kích thích tài khóa mới để đẩy lùi đại dịch. Sau khi giảm 7% trong năm 2020 và 0,9% trong vài ngày đầu năm 2021, chỉ số USD index so với sáu đồng tiền chủ chốt đã tăng 0,11 điểm trong phiên giao dịch ngày 12/1/2021 lên 90,2 điểm, mức cao nhất trong hai tháng qua. Như vậy, đồng bạc xanh đã ghi nhận 4 ngày tăng giá liên tiếp, chấm dứt chuỗi thời gian mất giá trong gần 3 năm qua. Cùng với xu hướng phục hồi USD, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao trở lại. Hiện nay, các tổ chức đầu tư cũng đang cân nhắc bán những đồng tiền khác để mua gom USD, do đồng tiền này có thể đã chạm đáy.

Đà giảm của Bitcoin diễn ra giữa lúc có nhiều dự báo cho rằng, đồng tiền ảo này sẽ tiếp tục đi lên. Bởi vì đợt tăng giá lần này của Bitcoin được các chuyên gia nhận định bền vững hơn so với lần trước, do các gói kích thích kinh tế khổng lồ đã đẩy USD sụt giá từ năm 2018. Nhưng đến thời điểm này, bong bóng Bitcoin khó phát nổ đột ngột và chỉ giảm dần, do đại dịch vẫn ngoài tầm kiểm soát và mặt bằng lãi suất vẫn rất thấp. Trong năm nay, các loại vắc xin sẽ được phân phối rộng khắp trên thế giới, hoạt động kinh tế sẽ bình thường trở lại và các nhà đầu tư sẽ tập trung vào cổ phiếu, gây áp lực giảm giá Bitcoin và các loại tiền ảo nói chung.

Nếu so sánh với diễn biến trên các thị trường chứng khoán thế giới, mức tăng trên 300% trong năm 2020 của Bitcoin vẫn thấp xa so với nhiều cổ phiếu khác, đặc biệt là các cổ phiếu công nghệ. Như vậy, Bitcoin cũng chỉ là một loại “cổ phiếu”, nhưng do đồng tiền ảo này được cả thế giới biết đến và đông đảo nhà đầu tư quan tâm từ nhiều năm qua, trong khi những cổ phiếu khác chỉ là điểm đến của một nhóm các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Cho đến nay, thế giới có khoảng 5.660 loại tiền ảo khác nhau. Các biện pháp hạn chế đi lại trong dip bùng phát dịch COVID-19 đã thúc đẩy các hoạt động đầu tư trên các sàn giao dịch, mà thị trường tiền ảo là điểm đến thịnh hành nhất.  

Tương lai nào cho Bitcoin và tiền điện tử?

Năm 2020, COVID-19 đã thúc đẩy nhiều tổ chức trên toàn cầu sử dụng công nghệ số trong dịch vụ chuyển tiền. Trong tình huống mới này, các ngân hàng cũng phải vào cuộc để quan sát thị trường tiền điện tử, qua đó có thể kịp thời đưa ra giải pháp nhằm duy trì sức cạnh tranh. Với truyền thống và đầy đủ năng lực kinh doanh tiền tệ, các ngân hàng đã trở thành tác nhân quan trọng trong việc thúc đẩy áp dụng tiền điện tử như phương tiện thanh toán mới. Trong kỷ nguyên kỹ thuật số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các ngân hàng sẽ nâng cấp hệ thống thanh toán bù trừ giao dịch quốc tế, từng bước tạo ra một hệ thống tài chính toàn cầu tích hợp đầy đủ hơn nữa. Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt lớn về chi phí và thời gian chuyển tiền trên toàn thế giới và ngân hàng vẫn chiếm vị thế chủ đạo.

Trong bài viết do hãng tin Bloomberg đăng tải, Giáo sư Tyler Cowen đến từ Đại học George Mason cho rằng, thế giới luôn có một nhu cầu về tài sản thanh toán trực tiếp, không qua trung gian và tiền điện tử đáp ứng được chức năng này. Đó là lý do vì sao xuất hiện khái niệm đồng tiền ổn định (stablecoin), được hiểu là tài sản điện tử được gắn với đồng tiền chính danh vật lý, đã được minh chứng bởi những lợi ích dài hạn. Tuy nhiên, để ổn định tiền điện tử, cần phải có các lớp thể chế để bảo toàn giá trị.

Trong tương lai gần, các tổ chức chính danh sẽ tìm cách xây dựng stablecoin liên kết với đồng tiền chính danh để hạn chế rủi ro và nâng cao tính minh bạch của tiền điện tử, giảm dần mức độ phụ thuộc vào các loại tiền tệ chính danh và ngân hàng trung gian. Nếu nắm giữ hoặc giao dịch stablecoin, nhà đầu tư phải chấp nhận một số rủi ro.

Đầu tiên, cơ chế neo giá của stablecoin với đồng tiền chính danh một ngày nào đó có thể bị phá vỡ, đây là vấn đề liên quan tới tỷ giá hối đoái mà nhà kinh tế học Milton Friedman thường cảnh báo.

Một khi stablecoin và những tài sản tiền điện tử khác trở thành một phần chính của hệ thống tài chính, chúng sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của pháp luật hơn, lợi thế của loại tiền tệ này sẽ bị hạn chế nhiều hơn so với khu vực ngân hàng truyền thống. Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ Mỹ sẽ không muốn một hệ thống tài chính phát triển ngoài tầm kiểm soát của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Công ty Bảo hiểm ký thác liên bang (FDIC) và những cơ quan quản lý khác. Tương tự, NHTW châu Âu và nhiều NHTW khác sẽ không bỏ qua một loại tiền tệ nằm ngoài tầm kiểm soát.

Mặt khác, khu vực ngân hàng sẽ cố gắng cải thiện để duy trì lợi thế cạnh tranh, như chuyển sang thanh toán bù trừ nhanh hơn hoặc giới thiệu loại tiền dự trữ điện tử của riêng mình. Với cách làm đó, khách hàng có thể chuyển các tài sản điện tử hay đồng tiền điện tử chính danh trong hệ thống kế toán của NHTW và thực hiện chuyển khoản không qua trung gian, không cần sử dụng đến tiền điện tử.

Theo Giáo sư Tyler Cowen, tiền điện tử không hiển nhiên sẽ chiến thắng trên thị trường tài chính, một khi các tổ chức chính thống đã có được bài học từ chính sự thành công của loại tiền này. Vì vậy, chặng đường để Bitcoin và tiền điện tử nói chung trở thành một loại tiền tệ chính danh và là một loại tài sản đảm bảo an toàn vẫn sẽ là câu hỏi mở.

Tại Việt Nam, tiền ảo không được công nhận là tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán hợp pháp. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng Bitcoin cũng như các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.

Nguồn: Bloomberg, NDH, Reuters

Xuân Thanh

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: