Cần tăng cường giám sát, quản lý thị trường trái phiếu

(Banker.vn) Năm 2020, thị trường trái phiếu đã có một năm sôi động với 477 mã trái phiếu niêm yết. Tuy nhiên, để thị trường trái phiếu phát triển bền vững, trở thành một cột trụ trong huy động vốn cho nền kinh tế, theo các chuyên gia kinh tế, cần sự tăng cường quản lý, giám sát đồng bộ.

Trái phiếu Chính phủ sôi động

Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ Phát triển Thị trường Ủy ban chứng khoán Nhà nước hiện có 477 mã trái phiếu niêm yết (trong đó có 454 mã trái phiếu chính phủ và 23 mã trái phiếu doanh nghiệp) với giá trị niêm yết đạt 1.388 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với cuối năm 2019 (tương đương 23% GDP).

Điểm đáng lưu ý trên các thị trường trái phiếu đó là sự tham gia tích cực mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2020 nhà đầu tư nước ngoài đã tích cực mua ròng với tổng giá trị mua ròng là 4.134 tỷ đồng, điều này cho thấy thị trường trái phiếu đang dần trở thành kênh đầu tư thay thế an toàn và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thị trường cổ phiếu có những diễn biến khó lường tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.

Trong đó, năm 2020 là một năm thành công của thị trường trái phiếu Chính phủ. Huy động vốn Trái phiếu Chính phủ ở mức cao nhất hơn 350 nghìn tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2019. Đặc biệt, lãi suất phát hành giảm trên tất cả các kỳ hạn từ mức lãi suất bình quân 4,59% xuống còn 2,85%/năm giúp tiết kiệm chi phí huy động của Chính phủ. Trên thị trường thứ cấp, thanh khoản giao dịch Trái phiếu Chính phủ tăng 13% so với năm 2019, bình quân đạt 10.393 tỷ đồng/phiên.

Đánh giá về trái phiếu, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương cũng có nhận định năm 2020 là một năm sôi động của thị trường trái phiếu Chính phủ khi cả cung và cầu đều tăng. Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Chính phủ tăng phát hành Trái phiếu nhằm bù đắp thiếu hụt ngân sách trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cùng với đó, hệ thống các tổ chức tín dụng dư thừa thanh khoản, lãi suất huy động giảm, tiền nhàn rỗi tăng, do đó cầu mua Trái phiếu Chính phủ trên thị trường cũng tăng. Điều này dẫn đến Bộ Tài chính đẩy mạnh huy động Trái phiếu Chính phủ để cơ cấu lại danh mục theo hướng lãi suất thấp hơn và kỳ hạn dài hơn.

Với sự bổ sung mạnh mẽ từ nguồn cung sơ cấp, quy mô thị trường Trái phiếu Chính phủ tiếp tục được mở rộng đáng kể, ước tính đạt 31,5% GDP, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất từ trước tới nay. Kỳ hạn phát hành cũng được kéo dài lên khoảng 14 năm, tăng 0,56 năm so với năm 2019, giúp giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn cũng như tăng cường tính bền vững của nợ công.

Trên thị trường thứ cấp, giao dịch cũng diễn ra hết sức sôi động. Trong bối cảnh NHNN phát đi định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ một cách mạnh mẽ, lãi suất điều hành giảm và duy trì ở mức thấp, thanh khoản VNĐ trong trạng thái dư thừa lớn, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định tương đối, niềm tin cơ bản được giữ vững, Trái phiếu Chính phủ trở thành một loại tài sản có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư và giúp củng cố mạnh mẽ lực cầu. Thanh khoản Trái phiếu Chính phủ thứ cấp, đã chứng kiến mức tăng trưởng đột biến lên tới gần 50% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, thị trường Trái phiếu Chính phủ năm 2020 vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế mang tính chất cố hữu. Theo TS. Nguyễn Anh Tú, đó là các vấn đề cơ cấu đầu tư trên thị trường còn chưa đa dạng, NHTM vẫn là chủ thể giao dịch chính trên thị trường với tỷ trọng chiếm khoảng hơn 80%, quy mô thị trường còn tương đối nhỏ so với các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc (63%), Malaysia (62%), Hàn Quốc (49%), Singapore (41%), Thái Lan (40%) và Việt Nam (31,5%) so với GDP. Đồng thời, lãi suất của thị trường Trái phiếu Chính phủ chưa làm được vai trò lãi suất neo cho các thị trường tài chính khác và biến động lãi suất chưa là tín hiệu hiệu lực cho các lãi suất khác.

Trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng nhiều bất cập

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận nhiều thương vụ phát hành lớn thuộc các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng – tín dụng, doanh nghiệp dịch vụ và sản xuất. Phát hành trong nước khoảng 408.000 tỷ đồng, tăng 22,7% so với năm 2019, phát hành ra thị trường quốc tế đạt 185 triệu USD, tương đương 61,7% khối lượng phát hành cả năm 2019.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, giá trị phát hành tăng dần từng tháng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thị trường đã bộc lộ những rủi ro tiềm ẩn của thị trường, đe dọa sự phát triển bền vững của thị trường. Các nhà đầu tư tư nhân không có khả năng tiếp cận thông tin của doanh nghiệp một cách đầy đủ và hạn chế về năng lực đánh giá rủi ro của doanh nghiệp phát hành. Có hiện tượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu, liên tục huy động thông qua chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành và tăng mức lãi suất để thu hút nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2020 nâng cao các điều kiện phát hành, siết chặt các quy định về quản lý rủi. Gần đây nhất, sau khi Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực pháp luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.   

Dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển mạnh nhưng đang đặt ra những câu hỏi về tính bền vững của thị trường. Các định chế xếp hạng tín nhiệm, định chế bảo hiểm rủi ro chưa phát triển. Quy mô của thị trường nhỏ, nhà đầu tư chưa quen với việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và phát hành trái phiếu chưa trở thành kênh huy động vốn chủ yếu của doanh nghiệp. Thị trường thứ cấp chưa phát triển, thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp sau khi phát hành thấp, tính công khai minh bạch còn hạn chế, làm giảm tính hấp dẫn của thị trường. Cơ sở hạ tầng thị trường vẫn chưa hoàn thiện và còn thiếu một số các yếu tố quan trọng như: Chưa có tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đủ uy tín hoạt động và cung cấp dịch vụ, chưa có tổ chức định giá trái phiếu. Các cơ sở dữ liệu về trái phiếu doanh nghiệp mới được hình thành, chưa đủ độ rộng và sâu cần thiết để cung cấp thông tin cần thiết cho nhà đầu tư đánh giá rủi ro và cơ hội. Cơ sở nhà đầu tư còn mỏng, thiếu các nhà đầu tư dài hạn có tiềm lực tài chính mạnh…

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, thị trường vốn (chủ yếu là cổ phiếu, trái phiếu) trong giai đoạn 2021-2030 sẽ được tăng cường quản lý, giám sát để phát triển bền vững, đồng bộ giữa các cấu phần và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp nhà nước.

TS. Nguyễn Anh Tú cho rằng để thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chúng ta cần đẩy nhanh cơ cấu thị trường chứng khoán theo Đề án đã được phê duyệt cùng với việc hoàn thiện cơ cấu bộ máy, xây dựng lại thị trường cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh theo hướng chuyên môn hóa, tiếp tục tái cơ cấu hệ thống các định chế trung gian

Đồng thời, giám sát chặt chẽ, cảnh báo và có các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động phát hành và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Hoàn thiện hành lang pháp lý, rà soát, hoàn thiện các quy định về đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm tính minh bạch, khả năng đánh giá rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Khuyến khích phát triển những tổ chức xếp hạng tín nhiệm chuyên nghiệp, tin cậy. Tăng cường vai trò của quản lý nhà nước đối với giám sát việc phát hành, phân phối, cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp. Phát triển cơ sở hạ tầng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nghiên cứu tổ chức thị trường giao dịch đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tăng cường thông tin tuyên truyền về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ