Cần sớm có cơ chế đặc thù cho điện gió ngoài khơi và điện khí

(Banker.vn) Đây là ý kiến thống nhất của các đại biểu tại cuộc họp Tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án điện gió ngoài khơi và điện khí theo Quy hoạch điện VIII.
Bàn giải pháp phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII Cần hoàn thiện chính sách thúc đẩy đầu tư phát triển thị trường điện khí Thái Bình chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy nhiệt điện LNG với quy mô 1.500 MW

Những khó khăn vướng mắc

Tại cuộc họp ngày 15/12/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo Quyết định số 500/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, tổng công suất đặt hệ thống điện đến 2030 là 150,489 GW (gần gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay, khoảng 80 GW). Trong đó tổng công suất các nguồn điện khí phải đầu tư xây dựng mới là 30.424 MW (khi trong nước 10 dự án với tổng công suất 7,900 MW và LNG có 13 dự án với tổng công suất 22.824 MW); Tổng công suất các nguồn điện gió ngoài khơi khoảng 6.000 MW và có thể tăng lên trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tài hợp lý).

Thời gian từ nay đến năm 2030 chỉ còn 7 năm, thì đây là một thách thức rất lớn không chỉ về quy mô, thời gian, các yêu cầu đảm bảo cung cấp điện, an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng theo cam kết quốc tế.

Nguồn điện khíđiện gió ngoài khơi theo quy hoạch điện VIII có vai trò rất quan trọng, chiếm tới 46% nguồn điện tăng thêm từ nay đến 2030. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện đang gặp khó khăn vướng mắc cần các giải pháp kịp thời.

Cần sớm có cơ chế đặc thù cho điện gió ngoài khơi và điện khí
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho thấy, đối với điện khí, theo Quy hoạch điện VIII được duyệt, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khi được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành trước năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án), trong đó: 10 Dự án sử dụng khi khai thác trong nước (7.900 MW); 13 Dự án sử dụng LNG (22.824 MW).

Đối với các dự án điện gió ngoài khơi, công suất đến năm 2030 đạt 6000 MW, định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000 MW đến 91.000 MW. Điện gió ngoài khơi có suất đầu tư rất lớn, khoảng 2 - 3 triệu USD/1 MW và thời gian thực hiện khoảng từ 6 - 8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát.

Hiện điện gió ngoài khơi đang gặp 4 vướng mắc chính gồm các quy định về khảo sát, điều tra, đo đạc trên biển để lập dự án; Chưa có quy hoạch không gian biển quốc gia; Chưa có quy định rõ về vấn đề chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế giá mua bán điện, bao tiêu sản lượng điện.

Cần sớm có cơ chế đặc thù cho điện gió ngoài khơi và điện khí

Cần sớm có cơ chế đặc thù

Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp đầu tư, các uỷ ban của Quốc hội, chuyên gia đều thống nhất về tầm quan trọng của nguồn điện khí và điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII. Thống nhất cần sớm có cơ chế đặc thù cho 2 loại hình nguồn điện này.

Chuyên gia Bùi Xuân Hồi cho rằng, đối với bất kỳ nguồn điệ nào, cần giải quyết vấn đề cơ chế giá là quan trọng. Khi thống nhất được cơ chế giá sẽ đẩy nhanh quá trình triển khai dự án.

Đơn cử, với điện khí, ngoài cơ chế giá thị trường cần có cam kết về sản lượng hoặc có thể không đưa các nhà máy điện khí vào thị trường điện cạnh tranh. Đối với điện gió ngoài khơi cần xây dựng cơ chế giá FIT.

Ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, các ỷ ban của Quốc hội đã nhận diện đầy đủ các khó khăn thách thức trong phát triển năng lượng. Ngày 13/12, Chủ tịch Quốc hội đã phê duyệt Nghị quyết về giám sát chuyên đề, trong đó có vấn đề năng lượng. Theo đó, có nhiều luật, văn bản cần sửa đổi.

Tuy nhiên, đối với những dự án cần cơ chế đặc thù để đợi sửa văn bản Luật cần ít nhất 2 năm, trong khi tiến độ các dự án không thể chờ đợi.

Cần sớm có cơ chế đặc thù cho điện gió ngoài khơi và điện khí
Ông Tạ Đình Thi phát biểu ý kiến tại cuộc họp

Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng, với những vấn đề cấp bách cần sớm có văn bản, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để làm cơ sở triển khai sớm. Có như vậy mới đạt được mục tiêu đề ra.

Liên quan đến cơ chế giá FIT cho điện gió có thể xây dựng song cần linh hoạt điều chỉnh.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định tầm quan trọng của các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi trong quy hoạch điện VIII vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính (cam kết COP26).

Khối lượng công việc lớn, thời gian không còn nhiều nhưng việc triển khai đang gặp nhiều vướng mắc do đó, các đại biểu đều thống nhất cần có văn bản báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền theo hướng “cơ chế đặc thù” để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo; Thống nhất đưa các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi vào danh mục trọng điểm quốc gia.

Bộ trưởng đề nghị các tập đoàn, công ty năng lượng như PVN, EVN rà soát các vấn đề vướng mắc báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương sớm; Đề nghị các Hiệp hội liên quan, các chuyên gia có ý kiến đóng góp về xây dựng cơ chế, giải pháp để Bộ tổng hợp báo cáo.

Bộ trưởng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì phối hợp với các cục vụ, đơn vị liên quan xây dựng hoàn thiện dự thảo báo cáo cấp có thẩm quyền để lấy ý kiến và trình trong năm 2023.

Nguyên Vũ

Theo: Báo Công Thương