Cần lưu ý gì về giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng cao?

(Banker.vn) Việc giá gạo của Việt Nam tăng là điều tốt nhưng cũng cần đánh giá nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp trong bối cảnh thị trường lương thực thế giới biến động.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đắt nhất thế giới, mừng hay lo? Hà Nội: Thị trường gạo khá ổn định dù giá gạo xuất khẩu Việt Nam đang đắt nhất thế giới PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Các chỉ đạo về xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương đúng và trúng!

Ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice Group – đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Hơn một tháng sau lệnh Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, diễn biến thị trường gạo trong nước đến thời điểm này như thế nào, thưa ông?

Dưới góc nhìn của riêng tôi, sau lệnh Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá gạo thế giới và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng khá cao, tuy nhiên, giá gạo trong nước còn tăng nhanh cao hơn và nhanh hơn. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang trì hoãn đơn hàng hoặc đàm phán với khách hàng để điều chỉnh tăng giá hoặc hủy hợp đồng.

xuất khẩu gạo
Bắt bệnh vì sao giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đắt nhất thế giới?

Tuy nhiên, với giải pháp đàm phán tăng giá, đa phần khách hàng không đồng ý, bởi giá gạo Việt hiện tại đang cao hơn cả Thái Lan, Hoa Kỳ và đứng đầu thế giới.

Khi giá gạo quá cao trong khi chất lượng chỉ ở mức trung bình khá thì sẽ làm các doanh nghiệp nhập khẩu chọn nhà cung cấp khác.

Ví dụ điển hình nhất đó là thị trường Iraq thường mua gạo trắng của Việt Nam thời gian trước đó, tuy nhiên, vừa rồi gạo của Việt Nam tăng giá như vậy nên họ đã chuyển sang mua gạo bên Hoa Kỳ với số lượng 60.000 tấn.

Việt Nam xuất khẩu chính sang thị trường Trung Quốc, Indonesia, Malaysia,… Do điều kiện chúng ta tương đồng với Thái Lan, nhưng hiện giá gạo của Thái Lan rẻ hơn của Việt Nam.

Ví dụ, gạo trắng của Thái Lan rẻ hơn gạo trắng Việt Nam 40 USD/tấn, gạo Jasmine của họ cũng rẻ hơn của Việt Nam 60 USD/tấn. Vì vậy, không có lý do gì khách hàng chọn mua gạo của Việt Nam.

Do đó, cùng với một số hợp đồng buộc doanh nghiệp phải hủy thì dự báo các đơn hàng của chúng ta sẽ bị mất rất nhiều.

Giá gạo đứng ở mức cao nhất thế giới, rủi ro tiếp theo đó là nếu chúng ta không ký được hợp đồng kỳ hạn cuối năm 2023 thì mùa lúa gạo vụ Thu Đông (rơi vào tháng 9, tháng 10, tháng 11) sẽ tuột dốc.

Thực phẩm là mặt hàng chính, được tiêu dùng hàng ngày và có mức giá chung của quốc tế. Nếu mặt hàng lương thực tăng cao, đa số khách hàng sẽ lựa chọn các mặt hàng lương thực khác. Thay vì họ dùng gạo thì họ sẽ lựa chọn lúa mì, lúa mạch,… Đến nay, chúng ta đã mất một số thị trường khu vực châu Phi, nếu không cẩn trọng thì trong 1 - 2 tháng tới chúng ta sẽ mất luôn thị trường Philippines và Trung Quốc. Khi đó, chúng ta muốn đàm phán lại thì cần phải chờ đến sang năm.

Việc này không chỉ tác động đến hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới mà còn khiến hình ảnh gạo Việt trên thị trường quốc tế không đẹp.

Thái Lan khuyến nghị nông dân giảm diện tích trồng lúa nhưng giá gạo xuất khẩu của họ giữ ở mức ổn định. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu Việt Nam lại bị đẩy lên cao nhất thế giới, ông có thể lý giải về việc này?

Thái Lan không mở rộng diện tích trồng lúa, do diện tích của họ đã ở mức tối đa. Họ duy trì lượng gạo trắng vừa đủ nhưng họ tăng cường sản xuất dòng gạo thơm chất lượng cao (gạo Thái Hom Mali). Do đó, lượng gạo xuất khẩu của họ năm nào cũng đạt ngưỡng này (gọi là ngưỡng an toàn).

Ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công Ty TNHH Vrice Group (Ảnh: NVCC)
Ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice Group (Ảnh: NVCC)

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có nhiều lý do. Thứ nhất, họ muốn giữ vững giá lương thực trong nước ổn định, không ảnh hưởng đến an sinh trong nước. Tuy nhiên, theo quan điểm của các nhà xuất khẩu, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo là do họ muốn tăng giá xuất khẩu giữa các hợp đồng Chính phủ lên. Mặt khác, Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ ảnh hưởng đến tình hình thị trường gạo thế giới rất lớn.

Một số tổ chức thế giới như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đặt vấn đề với Ấn Độ mở lại xuất khẩu gạo, bù lại họ sẽ tài trợ cho Ấn Độ một lượng tài chính với lãi suất rất thấp. Ấn Độ là nước đang phát triển, với đề nghị này của IMF, theo tôi, sớm muộn gì họ cũng sẽ đồng ý.

Nga, UAE cấm xuất khẩu gạo sẽ không tác động đến thị trường gạo thế giới, vì UAE chỉ là nước nhập về để xuất khẩu chứ không phải là nước sản xuất, trong khi đó, Nga sản xuất chính là lúa mì, lúa mạch.

Giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới nói lên điều gì thưa ông?

Một số ý kiến cho rằng, do các doanh nghiệp xuất khẩu đẩy giá để đáp ứng đơn hàng đã ký trước đó. Đây chỉ là bề nổi.

Tôi cho rằng, nguyên nhân chính là do tại Việt Nam khi thị trường xuất khẩu thuận lợi sẽ có một nhóm lợi ích, một số thương nhân, một số cò mồi họ tập trung rất đông, họ đi tung tin và thu gom.

Họ thu mua thực tế chỉ một phần. Một phần khác, họ lập ra các diễn đàn lúa gạo và nhân danh thương nhân Trung Quốc, Philippines, Singapore, và đặt các đơn hàng rất lớn, hàng trăm ngàn tấn với giá rất cao. Ví dụ như gạo Jasmine, thị trường chung quốc tế giá khoảng 700 – 750 USD/tấn, nhưng họ trả giá 800 – 900 USD/tấn. Cũng có những doanh nghiệp ký hợp đồng với giá cao và chuyển tiền thật nhưng đây là các doanh nghiệp “cò mồi”, điều này gây lộn xộn thị trường.

Tại các vùng sâu, vùng xa, hay tại các cánh đồng lớn có một vài thương nhân bên ngoài (không phải là người bao tiêu lúa gạo của nông dân) họ đi mua hàng của nông dân với giá rất cao, một số nông dân hám lợi nhuận cao nên đã bẻ kèo với doanh nghiệp và hợp tác xã. Tuy nhiên, thông thường các nông dân, hay hợp tác xã nắm thông tin không kịp và họ thường bị nhóm lợi ích này lôi kéo.

Chính việc này khiến các doanh nghiệp và cả người nông dân cứ nghĩ rằng giá lên. Nhưng khi xuất bán hợp đồng, họ sẽ yêu cầu các loại giấy tờ. Nhưng “chốt hạ” khi thanh toán, họ yêu cầu thanh toán LC, thanh toán trả chậm,…

Hiện, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn và có uy tín trên thị trường thì họ có vùng trồng và bao tiêu sản phẩm, khi bị nông dân, hợp tác xã “xù” hợp đồng thì lượng xuất khẩu của họ không đạt. Khiến doanh nghiệp bị mất uy tín với đối tác.

Việc liên kết nông dân từ trồng, sản xuất, xuất khẩu bị phá vỡ. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo rất khó khăn trong giai đoạn này.

Ông dự báo khi nào thị trường gạo thế giới và Việt Nam sẽ ổn định trở lại?

Hiện, đa số các thị trường lương thực lớn trên thế giới họ chào hàng đơn hàng tháng 11, tháng 12/2023 và tháng 1, tháng 2/2024 với mức giá giảm. Giá lương thực thế giới chịu tác động của các thị trường này.

Ví dụ, Thái Lan họ chào đơn hàng gạo thơm giao hàng tháng 10, tháng 11, tháng 12/2023 chỉ từ 680 – 690 USD/tấn; trong khi đó, Việt Nam đang chào từ 750 – 800 USD/tấn.

Gạo Thái 5% tấm họ chào trên thị trường Philippines và Indonesia giao hàng cuối tháng 9, tháng 10, tháng 11, tháng 12/2023 và tháng 1/2024 với giá là 585 USD, trong khi Việt Nam đang chào với giá là 649 USD/tấn.

Theo kinh nghiệm của tôi, cũng như các đơn hàng vừa mất, khoảng từ giữa tháng 9 trở đi, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm.

Khi thị trường giảm và để trở về mức như bình thường thì thường mất từ 2 - 3 tháng. Khi đó, Việt Nam sẽ có vụ mùa mới, khi đó, doanh nghiệp sẽ chào lại khách hàng mới, cũng có thể, doanh nghiệp chèo kéo khách hàng bằng cách hạ giá.

Bởi muốn xuất khẩu được thì phải hạ giá để cạnh tranh với các nước lân cận, khi đó khách hàng mới xem xét quay lại và khi đó, doanh nghiệp mất thêm thời gian chờ thị trường từ 3 - 4 tháng. Do đó, các đơn hàng giao hàng cuối năm 2023 cũng như vụ Đông Xuân tới Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các nước trên thế giới.

Trong bối cảnh như thế này, ông có kiến nghị gì với cơ quan chức năng?

Việt Nam hiện tại không có chủ trương cấm xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, để thị trường tự do khiến các thương nhân không tốt họ làm giá thì cũng không nên. Do đó, theo tôi, về xuất khẩu gạo cần có mức giá chung (cơ bản).

Giá gạo quá cao, người tiêu dùng trong nước là người bất lợi nhất, tiếp theo là người nông dân. Bởi nông dân bán lúa giá cao với lượng không nhiều, trong khi các mặt hàng khác đều tăng giá, vật tư nông nghiệp tăng.

Cấm xuất khẩu gạo không phải là giải pháp, nhưng hạn chế thì cũng cần xem xét.

Giá gạo quá cao như vậy sẽ không còn là mức giá thực nữa, việc này cũng dẫn đến việc mất thị trường xuất khẩu, mà khi đã mất rồi thì chúng ta sẽ rất khó để lấy lại.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hạnh (thực hiện)

Theo: Báo Công Thương