Cần luật định cơ quan chuyên trách phòng, chống rửa tiền

(Banker.vn) Sáng ngày 31/8, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP Hà Phước Thắng chủ trì hội thảo.

Quang cảnh tại buổi hội thảo

Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT) (sửa đổi) gồm 4 Chương, 54 Điều, trong đó bổ sung mới 9 Điều; sửa đổi 43 Điều và hủy bỏ 7 Điều; giữ nguyên 2 Điều theo quy định của Luật PCRT 2012. Cụ thể như: quy định về đánh giá mức độ rủi ro quốc gia, ngành, đối tượng báo cáo về rửa tiền; quy định về nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ và báo cáo, cung cấp, lưu trữ hồ sơ, thông tin về PCRT; thực hiện thu thập, xử lý, phân tích, chuyển giao thông tin về PCRT và áp dụng các biện pháp tạm thời…

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng cần làm rõ hành vi rửa tiền “Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh nghĩa vụ pháp lý”, vì hành vi trợ giúp ở đây cũng có thể hiểu là hành vi che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm và không sử dụng tiền để trợ giúp tội phạm.

Ngoài ra, cần làm rõ hành vi trợ giúp trong Dự án Luật có bao hàm luôn hành vi “che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó” và cách thức để xác định lỗi của các hành vi trợ giúp rửa tiền.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc rửa tiền được thực hiện thông qua các hình thức như đánh bạc, mua các tài sản có giá trị cao như đá quý, bất động sản... tại khoản 4, Điều 3, Dự án Luật, tuy nhiên một số tài sản khác cần được xem xét như xe hơi sang, đồ cổ để bổ sung các đối tượng báo cáo vì những tài sản này đều có giá trị cao nên dễ trở thành đối tượng cho các cá nhân rửa tiền. Ngoài ra, cần có những nghiên cứu thêm để bổ sung quy định về phòng, chống rửa tiền đối với dịch vụ cầm đồ, tiền ảo, tài sản ảo.

Luật sư Trương Thị Hoà cho rằng dự thảo Luật PCRT (sửa đổi) phù hợp với các tiêu chí quốc tế về rửa tiền, rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hàng loạt. Tuy nhiên, cần bổ sung Bộ Tài nguyên và Môi trường vào dự thảo Luật này, vì Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý đất đai, tài nguyên đặc biệt. Các Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn phòng đăng ký đất đai, Trung tâm đo đạc bản đồ... Đó là những tổ chức có điều kiện để phát hiện PCRT.

Bên cạnh đó, Luật sư Trương Thị Hoà cũng kiến nghị, bổ sung 1 điều quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị thành viên về trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền pháp luật về PCRT.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh Ung Thị Xuân Hương cho rằng, Khoản 2 Điều 12 Dự thảo quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp có thể sử dụng các tài liệu, dữ liệu để xác minh thông tin nhận biết khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay, các tổ chức, doanh nghiệp khu vực tư chưa được kết nối vào hệ thống này để tiến hành khai thác và đối chiếu thông tin tự động bằng công nghệ.

“Việc này làm phát sinh thêm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc tự động hoá và ứng dụng công nghệ vào quy trình xác minh của doanh nghiệp”, bà Ung Thị Xuân Hương nhấn mạnh và đề nghị: “bổ sung trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kết nối giữa các cơ sở dữ liệu có thể được chia sẻ do đơn vị mình quản lý với hệ thống của các đối tượng báo cáo nhằm phục vụ mục đích xác minh thông tin nhận biết khách hàng một cách nhanh chóng và thuận lợi”.

Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, bà Ung Thị Xuân Hương cho rằng công tác PCRT liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, ngành cũng như các cơ quan liên quan. Do đó, cần nghiên cứu và hoàn thiện hơn các quy định này để bảo đảm tính khả thi cũng như cân đối về nguồn lực của cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan.

Riêng đối với Ngân hàng nhà nước, bà Ung Thị Xuân Hương đề nghị tiếp tục rà soát về trách nhiệm trong PCRT để phù hợp với các khuyến nghị của FATF.

Bà Lê Thị Đông, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh cho rằng, thực tiễn công tác khởi tố, truy tố một số vụ án liên quan đến tội phạm rửa tiền cho thấy rất cần thiết xem xét, bổ sung quy định cụ thể về thời gian cập nhật thông tin nhận biết khách hàng (Điều 11); bổ sung quy định mang tính định lượng cụ thể đối với 59 dấu hiệu đáng ngờ của tội rửa tiền trong các lĩnh vực ngân hàng, trung gian thanh toán, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, kinh doanh bất động sản… (Điều 26); sửa đổi nội dung quy định tại khoản 2,3,4 Điều 54 về hiệu lực thi hành.

Còn đại diện Trường Đại học An ninh nhân dân đề nghị xây dựng điều luật quy định về cơ quan chuyên trách phòng, chống rửa tiền nhằm tạo cơ sở pháp lý hình thành cơ quan chuyên trách thống nhất với thẩm quyền phù hợp trong công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi đất nước đang hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, xem xét, bổ sung các quy định về phòng, chống rửa tiền đối với những loại tài sản có tính đặc thù như tiền điện tử, tài sản ảo; bổ sung các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thương mại điện tử quốc tế vào đối tượng điều chỉnh; sửa đổi bổ sung nội dung đảm bảo quy định nghĩa vụ báo cáo giao dịch đáng ngờ và trách nhiệm bảo đảm bí mật trong cung cấp thông tin liên quan giao dịch đáng ngờ của các tổ chức tín dụng…; nghiên cứu, rà soát bổ sung các quy định liên quan đến các văn bản, quy định pháp luật khác để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và hiệu lực của pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền…

Thanh Hải

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục