Cần làm gì để tránh hiệu ứng domino xảy ra với thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

(Banker.vn) Tại tọa đàm: "Chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Gạn đục khơi trong" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) tổ chức mới đây, ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên VietinBank Capital nêu quan điểm cá nhân về trái phiếu doanh nghiệp.

Để tránh hiệu ứng domino xảy ra với thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới, ông Đức nhắc lại quan điểm dù Nghị định 153 sửa đổi theo hướng nào, không làm giảm đi cơ hội tiếp cận vốn của bất kỳ một doanh nghiệp nào và cũng không ngăn cản luồng chảy vốn từ khu vực dân cư cung cấp cho doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp mới có thể đóng góp cho đất nước.

"Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nóng, phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng rất tốt, nhu cầu vốn cực kỳ lớn. Để đáp ứng được tỷ lệ tăng trưởng GDP 7%, cần phải tốc độ tăng trưởng vốn hàng năm tương ứng, dù là tín dụng ngân hàng, trái phiếu hay cổ phiếu vào khoảng 14-15%. Nếu đẩy hết gánh nặng đó sang cho Ngân hàng Nhà nước, điều này đáng lo", ông Khổng Phan Đức nói.

Năm 2019, tại một hội thảo của Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ rằng thị trường chứng khoán cần phải bước những bước nhanh hơn, tốc độ tăng trưởng tốt hơn, để chia sẻ gánh nặng đối với Ngân hàng Nhà nước.

"Mong muốn của tất cả những người làm thiết kế vĩ mô trong bài toán cân đối lớn của Thủ tướng là quy mô tín dụng chỉ tương đương với huy động ngắn hạn, đừng để ngắn hạn tài trợ cho dài hạn như bây giờ", ông Đức nhấn mạnh.

Điều đó có nghĩa dư nợ tín dụng khoảng 80-90% GDP chứ không phải lên đến 140% GDP như bây giờ. Và điều đó có nghĩa là phần còn lại phải do thị trường thị trường tài chính gánh, trong đó, có vai trò quan trọng của trái phiếu.

"Gánh nặng đấy chuyển sang thị trường trái phiếu. Nếu cắt thị trường trái phiếu, mong muốn chia sẻ gánh nặng sang cho thị trường tài chính như lời Thủ tướng phát biểu năm 2019 là rất khó khăn và sẽ ảnh hưởng đến bài toán cân đối rất lớn của của toàn quốc, không phải chỉ riêng cho bất kỳ một doanh nghiệp hay một thị trường nào", ông Đức lưu ý.

"Nên coi trái phiếu doanh nghiệp là chứng khoán hóa các khế ước dân sự đang xảy ra đầy rẫy ở ngoài thị trường, trong nền kinh tế. Việc chứng khoán hóa này giúp cơ quan quản lý nhà nước có địa chỉ để nắm rồi, bây giờ, việc cần làm là siết chặt lại một số con ốc.

Thứ nhất, điều luồng vốn thông qua các tổ chức trung gian. Thứ hai, khuyến khích sử dụng định mức tín nhiệm. Thứ ba, nâng cao vai trò của đại diện trái chủ, nâng cao trách nhiệm của các bên trung gian khác như công ty chứng khoán tham gia trong quá trình tư vấn phát hành hoặc khai thông những quy định cho các định chế tài chính là ngân hàng, quản lý tài sản đảm bảo,... là những siết chặt khác. Tiếp đó, nâng cao chất lượng công bố thông tin. Những siết chặt này cũng đủ để cho thị trường chạy rất êm ả", ông Khổng Phan Đức đề xuất.

Ngoài ra ông Đức cũng bày tỏ lo lắng nếu bản sửa đổi lần thứ 5 đi vào đời sống.

"Nguyên tắc huy động trái phiếu doanh nghiệp là doanh nghiệp tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, nhưng đi kèm quá nhiều điều kiện sẽ khiến nhiều doanh nghiệp sẽ không đáp ứng được. Một lượng lớn nguồn vốn nằm trong khu vực dân cư sẽ không thể chạy đến các doanh nghiệp thông qua sản phẩm tài chính đó.

Doanh nghiệp buộc phải đi vào ngân hàng, buộc lại phải đi vay các hình thức hình thức bị bóp méo khác. Bởi khi nhu cầu của doanh nghiệp đủ lớn, nhu cầu khai thác đồng vốn nhàn rỗi đủ lớn, sẽ sinh ra một công cụ hoặc những dạng khế ước nằm ngoài sự kiểm soát của luật pháp, đấy là điều tôi không mong muốn", ông nói.

Thu Thủy

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán