Cả nước có trên 5,1 triệu trẻ mầm non
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố hồ sơ Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi để các đơn vị, cá nhân nghiên cứu, đóng góp ý kiến.
Bộ này cho biết, hằng năm, có trên 5,1 triệu trẻ mầm non, trong đó có 4.556.771 trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại 15.256 trường mầm non và 17.444 cơ sở giáo dục mầm non độc lập; tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ đạt 34,6%, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đạt 93,6%.
Tuy nhiên, giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn như: Còn một số lượng khá lớn trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 4 tuổi (chủ yếu là trẻ em ở vùng khó khăn, trẻ em đối tượng yếu thế) chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non, tạo sự mất công bằng trong tiếp cận giáo dục. Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non còn hạn chế. Chính sách hiện hành dành cho trẻ em mầm non, giáo viên, cơ sở giáo dục, cơ chế, chính sách đầu tư, xã hội hoá giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non.
Hiện nay, Luật Giáo dục chỉ quy định về phổ cập cho trẻ 5 tuổi, để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ mẫu giáo cần sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật cần thời gian đánh giá toàn diện để giải quyết nhiều nội dung phức tạp, trong khi yêu cầu hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non trẻ mẫu giáo đã được đặt ra tại Nghị quyết số 42-NQ/TW “đến năm 2030 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi”, Kết luận số 91-KL/TW yêu cầu “từng bước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3, 4 tuổi” (phổ cập đúng độ tuổi).
Việc ban hành Nghị quyết Quốc hội là cơ sở pháp lý giúp các địa phương sớm xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai phổ cập giáo dục mầm non trẻ mẫu giáo theo yêu cầu của Ban chấp hành Trung ương, qua đó: Có thời gian chuẩn bị, đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, thực hiện phổ cập theo lộ trình phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi cho việc hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non trẻ mẫu giáo vào năm 2030, từng bước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non đúng độ tuổi cho trẻ em 3 tuổi, 4 tuổi.
Do đó, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và thực hiện mục tiêu “hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030” trong bối cảnh hiện nay là cấp thiết và phù hợp với quy định của pháp luật; các chính sách đề xuất tại dự thảo Nghị quyết không trái, không chồng chéo, không mâu thuẫn với các Luật hiện hành.
![]() |
Cần hơn 21.000 biên chế để phổ cập giáo dục mầm non. Ảnh: Tuấn Anh |
3 nhóm chính sách thực hiện phổ cập
Dự thảo Nghị quyết đề xuất quy định thực hiện phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; cơ chế, chính sách để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030 (mức độ 1), đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non đúng độ tuổi cho trẻ em mẫu giáo (mức độ 2) vào năm 2035.
Với mục tiêu nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Nghị quyết sẽ tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách:
Chính sách 1: Ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập, đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở giáo dục mầm non để được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non.
Đề xuất bổ sung chính sách ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo vùng khó khăn trong độ tuổi thực hiện phổ cập, đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở giáo dục mầm non để được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non, cụ thể:
Đề xuất bổ sung đối tượng trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hợp pháp là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định được hỗ trợ chi phí học tập.
Đồng thời, đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa so với quy định hiện hành cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Chính sách 2: Chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên
Đề xuất quy định một số chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút đội ngũ, ưu đãi đối với giáo viên mầm non gồm: Trợ cấp thu hút tuyển dụng giáo viên mẫu giáo từ năm học 2025 - 2026 vào làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo.
Hỗ trợ kinh phí cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non (không bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non có liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài) thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo.
Ưu tiên, đầu tư và thu hút nguồn lực phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cấp học mầm non; bảo đảm đủ số lượng giáo viên mầm non theo định mức quy định bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo.
Sau khi cân đối số biên chế hiện nay còn thiếu và số biên chế cần bổ sung do tăng quy mô để thực hiện phổ cập với số biên chế dự kiến giao thêm giai đoạn 2026 - 2030 cho các tỉnh, thành phố thì cần đề nghị Bộ Chính trị bổ sung khoảng 21.427 chỉ tiêu biên chế.
Chính sách 3: Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non
Tập trung tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về chính sách đất đai, vay vốn tín dụng, ưu tiên cho thuê tài sản công; đẩy mạnh xã hội hoá, tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư xây dựng phát triển giáo dục mầm non dân lập, tư thục, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non độc lập loại hình dân lập, tư thục tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư.
Nhà nước ưu tiên có chương trình đầu tư để xây dựng đủ trường/lớp học đáp ứng yêu cầu phổ cập, trong đó ưu tiên đầu tư cho vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ. |