Cần hoàn thiện pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

(Banker.vn) Sáng ngày 28/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp cùng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đàm và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong bảo đảm thực hiện nghĩa vụ". Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến qua ứng dụng Zoom.

Tham dự buổi hội thảo có ông Phạm Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư Pháp), ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách VNBA, các chuyên gia quốc tế cùng đại diện các tổ chức tín dụng tại Việt Nam. 

Quang cảnh Hội thảo tại Hà Nội

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cho biết, trong nền kinh tế thị trường, với sự phát triển năng động, đa dạng của các quan hệ kinh doanh thương mại, một tài sản có thể được dùng bảo đảm thực hiện cho nhiều nghĩa vụ. Đồng thời, tài sản không chỉ là đối tượng của biện pháp bảo đảm theo Điều 292, Bộ luật Dân sự năm 2015, mà còn có thể là đối tượng của giao dịch dân sự có tính chất tài trợ vốn khác. Chính vì vậy, việc xác định đúng và quy định minh thị về vị thế và quyền ưu tiên của các bên tham gia giao địch tài trợ vốn đóng vai trò rất quan trọng. Đây cũng là yếu tố pháp lý góp phần bảo đảm cho việc phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả và bền vững theo chủ trương của Chính phủ.

Ông Phạm Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm phát biểu

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang triển khai các hoạt động nghiên cứu định hướng hoàn thiện hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm, pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hướng đến việc nghiên cứu, đánh giá khả năng xây dựng Luật Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì Hội thảo sẽ là cơ hội để các cơ quan tiếp cận kinh nghiệm quốc tế, khía cạnh pháp lý về vị thế và quyền ưu tiên của các bên tham gia giao dịch tài trợ vốn có bảm đảm.

Ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc BIDV trong bài phát biểu khai mạc cho biết, hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh rủi ro, trong đó hoạt động cấp tín dụng thường tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn cả, do đó, các biện pháp bảo đảm được áp dụng tương đối phổ biến để phòng ngừa và dự phòng rủi ro.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, biện pháp bảo đảm không phải là điều kiện bắt buộc khi cấp tín dụng, nhưng là một trong các yếu tố quan trọng để tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá, quyết định cấp tín dụng cho khách hàng. Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm đã dần hoàn thiện và đã hướng dẫn theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch bảo đảm vẫn còn tương đối phức tạp, khó theo dõi do nằm rải rác ở nhiều Bộ luật, Luật khác nhau, bao gồm cả Luật chung và Luật chuyên ngành, cả Luật nội dung và Luật thủ tục, bao gồm các quy định, nguyên tắc chung tại Bộ luật dân sự và các quy định theo pháp luật chuyên ngành, ngoài ra có thêm một số quy định đặc thù cho hoạt động xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của TCTD.

Có thể mô tả ngắn gọn về hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm tại Việt Nam như sau: Dựa trên quan điểm lập pháp và tư duy xác định biện pháp/giao dịch bảo đảm bản chất hình thành từ các quan hệ dân sự nên biện pháp bảo đảm được quy định trong hệ thống pháp luật dân sự chung. Bộ luật Dân sự hiện hành (BLDS 2015, trước đó là BLDS 2005 và trước đó nữa là BLDS 1995) đều quy định một Mục riêng về giao dịch bảo đảm, bao gồm các quy định về các biện pháp bảo đảm, phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm, các TSBĐ nói chung, hiệu lực đối kháng với người thứ ba (trước đây chỉ đề cập đến khái niệm thứ tự ưu tiên thanh toán), đăng ký biện pháp bảo đảm, các biện pháp xử lý TSBĐ, một số quy định riêng áp dụng cho từng biện pháp bảo đảm…

Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách VNBA Trần Phương phát biểu 

Việc thiếu một khuôn khổ pháp lý dành riêng cho giao dịch bảo đảm trong hoạt động cấp tín dụng ngân hàng trên thực tế gây rất nhiều khó khăn, bất cập cho các TCTD trong quá trình thực hiện quyền của chủ nợ, quyền của bên nhận thế chấp hợp pháp, làm kéo dài quá trình xử lý TSBĐ, làm chậm “vòng quay”, “luân chuyển” của TSBĐ và làm cho hoạt động tài trợ vốn có TSBĐ quá thiên về bất động sản, tài sản hữu hình và tài sản đã hình thành, làm giảm nhiều cơ hội tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp. 

Đứng trước thực trạng đó, ngày 21/6/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42). Đây được coi là văn bản cao nhất quy định một cơ chế đặc thù riêng, có tính chất tháo gỡ trong ngắn hạn cho hoạt động xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu của TCTD. "Nghị quyết 42 được ban hành đã giải quyết được một số trở ngại và góp phần vào việc giảm số lượng nợ xấu. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế từ Bộ luật dân sự và các Luật khác làm ảnh hưởng đến kết quả triển khai Nghị quyết 42 và nhiều vấn đề mà Nghị quyết 42 chưa thể giải quyết được", ông Trần Phương nhận định.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong đảm bảo thực hiện nghĩa vụ, GS. Xuân Thảo Nguyễn, Đại học Indiana (Mỹ) giới thiệu quy tắc chung về "người đến trước được quyền ưu tiên" với nhiều ngoại lệ, phản ánh thực tiễn thị trường và vị thế khác nhau của các chủ nợ khi tham gia giao dịch tài trợ vốn có bảo đảm. Theo đó Uncitral, UCC-9 và pháp luật giao dịch bảo đảm ở các quốc gia có nhiều quy tắc ưu tiên dành cho bên mua tài sản bảo đảm, một số người mua đặc biệt như bên mua giấy tờ có giá/giấy nhận nợ có bảo đảm (chattel paper), bên tài trợ vốn để mua tài sản bảo đảm (PMSI), đồng thời tôn trọng tập quán và sự thỏa thuận của các chủ nợ và các bên. Trong đó, bên tài trợ vốn để mua tài sản bảo đảm (PMSI) sẽ có quyền ưu tiên tối thượng so với các giao dịch bảo đảm khác đã được đăng ký, GS. Xuân Thảo lưu ý.

Dẫn tài trợ chuỗi cung ứng làm ví dụ minh họa, GS. Xuân Thảo cũng đã làm rõ vị thế ưu tiên trong các mối quan hệ giữa bên cho vay và nhà cung cấp, bên cung cấp nguồn vốn tài trợ hoặc bên bao thanh toán với bên cho vay có quyền lợi bảo đảm chung trên toàn bộ tài sản của nhà cung cấp, bên nhận bảo đảm và người mua tài sản bảo đảm; đồng thời nêu 2 tình huống cụ thể để nghiên cứu, làm rõ. Bên cạnh đó, GS. Xuân Thảo cũng trình bày về quyền thỏa thuận thay đổi ưu tiên giữa các quyền lợi bảo đảm, theo đó, các bên cho vay có thể ký kết thỏa thuận giữa các chủ nợ trong đó bao gồm điều khoản về thay đổi thứ tự ưu tiên, xác định thư tự ưu tiên giữa các quyền lợi bảo đảm và quyền được hoàn trả nợ. Cụ thể, bên cho vay có thứ tự ưu tiên cao nhất có thể chuyển nhượng quyền ưu tiên cao nhất đó cho các chủ nợ khác trong nhóm cho vay.

 

Các chuyên gia quốc tế thảo luận tại Hội thảo theo hình thức trực tuyến

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Jinchang Lai, Chuyên gia trưởng, Nhóm Phát triển Cơ sở Hạ tầng, Tài chính, Bộ phận Tư vấn các Định chế Tài chính, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, IFC cho biết, việc áp dụng thứ tự ưu tiên giữa các bên cho vay theo nguyên tắc chung là đăng ký trước thì được ưu tiên trước. Tuy nhiên, có rất nhiều quy định và có đến 30 ngoại lệ ưu tiên. Ở các quốc gia đang phát triển, rất khó để thấy quốc gia nào có quy tắc xác định thứ tự ưu tiên đầy đủ hoàn toàn trong hệ thống luật pháp. Việc để xác định thứ tự ưu tiên thường dựa trên nguyên tắc chung, án lệ, thực tiễn thương mại và cũng như thoả thuận giữa các bên. Tại một số quốc gia, các cơ quan quản lý cũng rất tích cực để đưa các án lệ thành quy định. Những quy định trên cũng chỉ mang tính kỹ thuật, rất nhỏ, chẳng hạn như PMSI chưa có trong luật pháp Việt Nam nhưng đã có quy định tương tự, đó là quy định chuyển giao quyền và bảo lưu quyền sở hữu.

Về giấy tờ có giá, cụ thể là biên nhận nợ có bảo đảm, ở các quốc gia đang phát triển chưa có khái niệm này. Đây là những khái niệm mới chỉ có chủ yếu ở Bắc Mỹ. Cũng giống như hợp đồng cho thuê, biên nhận nợ có bảo đảm có khoản phải thu và có bảo lưu quyền. Hình thức trên khá phổ biến với các doanh nghiệp tại các nước phát triển, họ dùng biên nhận nợ có bảo đảm như một tài sản bảo đảm để có được nguồn vốn hay phát hành trái phiếu ra thị trường vốn. Quy mô thị trường này có thể lên đến hàng nghìn tỷ USD.

Các đại biểu tham gia phần thảo luận của Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu và các diễn giả đã nêu quan điểm, đồng thời trả lời một số câu hỏi liên quan đến kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế trong thực hiện đảm bảo nghĩa vụ.

Phát biểu kết luận Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế. "Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan có thêm thông tin, căn cứ soạn thảo các quy định của pháp luật về hoạt động này", bà Hằng cho biết.

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục