Cần hình thành cơ cấu tài chính mới cho các thỏa thuận tài trợ vốn khu vực ASEAN+3

(Banker.vn) Đây là bình luận của chuyên gia Nam Sung Kim được đăng tải mới đây trên blog của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) liên quan đến Thoả thuận đa phương hoá Sáng kiến Chiang Mai (CMIM), với mục đích tìm cách thức tối ưu hoá cơ chế hỗ trợ tài chính đối với các thành viên tham gia CMIM.

Có hiệu lực từ tháng 3/2010, Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến ​​Chiang Mai (CMIM) cung cấp khoản vay ngắn hạn cho các thành viên ASEAN+3 trong trường hợp khủng hoảng tài chính, đồng thời đặt gánh nặng tài chính phải trả trước cho người vay ở mức tối thiểu. Tuy nhiên, thoả thuận này có những hạn chế đáng kể xét đến sự chắc chắn về tài chính, quy mô khoản vay và khả năng đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng của các thành viên. Việc đưa cơ chế vốn góp vào Thỏa thuận tài chính khu vực (RFA) sẽ giải quyết những hạn chế này ở mức độ lớn.

Là một trong những RFA lớn nhất thế giới, CMIM, với khả năng cho vay 240 tỷ USD, đã liên tục trải qua những cải tiến trong thập kỷ qua. Điều đó nói rằng, cơ chế này chưa bao có cơ hội được khai thác.

Nhờ khả năng phục hồi kinh tế của các thành viên ASEAN+3, nhu cầu tài trợ lớn từ bên ngoài rất ít. Tuy nhiên, vào những thời điểm khi một số thành viên gặp phải điều kiện tài chính bấp bênh hoặc những cú sốc tiềm ẩn, họ sẽ tìm đến các nguồn hỗ trợ tài chính khác. Điều này dẫn đến các cuộc thảo luận và yêu cầu xem xét chức năng của CMIM và tìm ra giải pháp tiếp theo. Để đạt được mục tiêu này, các cải cách được coi là cần thiết để nâng cao khuôn khổ hiện tại và củng cố vai trò trung tâm của RFA trong việc đóng vai trò là mạng lưới an toàn tài chính cho khu vực.

Việc đưa ra một cơ cấu tài chính mạnh mẽ hơn là vấn đề quan trọng cần cân nhắc trong quá trình nâng cấp cơ bản RFA ASEAN+3. Theo thỏa thuận hoán đổi đa phương của CMIM, các thành viên cam kết cung cấp thanh khoản bằng các đồng tiền dự trữ ngoại hối để đổi lấy đồng nội tệ của các quốc gia đi vay. Thoả thuận này có cả ưu điểm và nhược điểm cùng một lúc. Những nhược điểm trở nên rõ ràng khi so sánh với các thoả thuận tài chính khu vực (RFA khác), chủ yếu hoạt động theo cơ cấu vốn góp cố định và trực tiếp quản lý lượng tài sản lớn.

Đầu tiên, sự phức tạp của các giao dịch hoán đổi đa phương có thể gây ra sai sót và chậm trễ. Cần có nhiều giao dịch để kích hoạt CMIM. Việc thiết lập một cơ sở duy nhất đòi hỏi các giao dịch từ tất cả các ngân hàng trung ương thành viên CMIM và một cơ quan trung gian, liên quan đến việc trao đổi hơn 200 tin nhắn SWIFT. Việc bất kỳ thành viên nào rút bất ngờ khỏi các giao dịch hoán đổi sẽ làm vô hiệu tất cả các giao dịch đã lên kế hoạch, làm tăng thêm mối lo ngại và sự không chắc chắn khi các thành viên cố gắng kích hoạt nguồn tài trợ CMIM.

Thứ hai, quy mô năng lực tài chính của CMIM bị hạn chế bởi cơ cấu tài chính, với toàn bộ nguồn tài chính đến từ cam kết đóng góp của các thành viên ASEAN+3. Khả năng cho vay của CMIM không thể được tăng cường bằng các khoản vay từ thị trường hoặc bất kỳ nguồn tiềm năng nào khác, kể cả các quốc gia thành viên. Ngược lại, các thoả thuận tài chính khu vực khác có vốn góp, chẳng hạn như Cơ chế ổn định châu Âu (ESM), đã đảm bảo nguồn tài chính bổ sung bằng cách phát hành trái phiếu. Trong trường hợp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoản vay song phương từ một số quốc gia thành viên là sự bổ sung quan trọng cho khả năng cho vay của tổ chức này.

Cuối cùng, CMIM khó có thể được sử dụng để tài trợ cho các khoản vay trung và dài hạn. Nguồn vốn của cơ chế này có nguồn gốc pháp lý từ dự trữ ngoại hối của các chủ nợ và được điều chỉnh bởi các quy định về quản lý dự trữ, thường chỉ cho phép cho vay ngắn hạn. Ngược lại, các tổ chức đa phương có vốn tự có, chẳng hạn như ESM và IMF, không bị ràng buộc bởi các quy định quốc gia và có thể tự do sắp xếp các cơ chế trung và dài hạn để giải quyết điểm yếu về cơ cấu của các nền kinh tế thành viên.

Tìm kiếm giải pháp

Trong số các lựa chọn khác nhau, một thoả thuận tài chính khu vực (RFA) nâng cao dựa trên cơ cấu vốn góp, về cơ bản sẽ khắc phục những hạn chế liên quan đến thỏa thuận hoán đổi đa phương CMIM. Có thể học hỏi kinh nghiệm từ các tổ chức tài chính quốc tế khác, những tổ chức quản lý độc lập một nhóm tài sản lưu động. Cơ cấu tài chính như vậy sẽ giảm thiểu đáng kể những bất ổn phát sinh từ những giao dịch phức tạp hoặc những sự kiện bất ngờ của các chủ nợ song phương.

ESM và IMF được hưởng sự linh hoạt trong việc tăng cường nguồn lực cho vay của mình thông qua các khoản vay từ thị trường vốn (ESM) hoặc từ các thành viên (IMF). Từ quan điểm của một quốc gia thành viên, một khi quốc gia đó đăng ký vốn góp, khoản đóng góp của họ cho RFA sẽ không còn phải tuân theo các quy định trong nước hướng dẫn về quản lý dự trữ ngoại hối. Cơ cấu vốn góp cũng sẽ cho phép RFA phát huy nhiều tiềm năng hơn bằng cách cho vay với nhiều mục đích và kỳ hạn đa dạng hơn.

Tuy nhiên, các chương trình theo kiểu vốn góp cũng có cái giá của nó. Trong hầu hết các trường hợp, các khoản vốn bằng ngoại hối đóng góp cho RFA không thể được rút vô điều kiện bởi các thành viên, do đó dẫn đến dự trữ ngoại hối của thành viên sụt giảm nếu tiền có nguồn gốc từ ngân hàng trung ương. Trong một thỏa thuận hoán đổi, gánh nặng tài chính đối với các chủ nợ sẽ chỉ phát sinh khi có khoản cho vay thực tế.

Để giảm bớt mọi gánh nặng tài chính, các thành viên ASEAN+3 có thể xem xét từng bước cải cách cơ cấu tài chính của RFA và ban đầu đưa ra cơ chế góp vốn mới ở quy mô hạn chế.

Quy mô vốn góp có thể tăng lên. Quá trình chuyển đổi dần dần sẽ cho phép RFA nâng cao tính thích ứng với những thay đổi trong hoạt động và quản trị do cơ cấu tài chính mới mang lại.

Môi trường bên ngoài ngày càng phức tạp và không chắc chắn ngày nay đòi hỏi phải có những hành động quyết đoán để cải cách RFA ASEAN+3. Mặc dù CMIM cung cấp một vùng đệm tài chính quan trọng cho khu vực với chi phí trả trước tối thiểu từ các thành viên, nhưng bản chất của nó là một thỏa thuận hoán đổi đã hạn chế tính hữu dụng với tư cách là một mạng lưới an toàn tài chính khu vực. Kế hoạch vốn góp sẽ đòi hỏi phải nâng cấp RFA khu vực nhằm mang lại khả năng dự đoán, độ tin cậy và khả năng thích ứng cao hơn.

Vân Anh

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục